Sau Brexit tương lai châu Âu sẽ đi về đâu trong năm 2017

Nếu giới lãnh đạo châu Âu không kiềm chế được sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, sự tồn tại của EU có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn.

Kể từ khi nước Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016 với quyết định cuối cùng của người dân nước này là “rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)” đến nay, tình hình trên “Lục địa già” tiếp tục có nhiều chuyển biến đáng chú ý.

sau brexit tuong lai chau au se di ve dau trong nam 2017

Việc nước Anh rời EU là một cú sốc lớn không chỉ với châu Âu mà còn với cả thế giới. (Ảnh: Getty)

Theo nhận định của giới quan sát, với những diễn biến từ cuộc bầu cử Tổng thống Áo, thất bại của ông Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến Pháp ở Italy và sắp tới, trong năm 2017, một số nước có vai trò quan trọng trong EU như Đức, Pháp… sẽ tổ chức bầu cử có thể mang lại nhiều đổi thay lớn ở châu Âu.

Brexit – Đòn giáng mạnh vào kế hoạch hội nhập của châu Âu

Ngày 23/6/2016, cả thế giới bị “sốc nặng” khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) cho thấy, có 52% ủng hộ “rời EU” so với tỷ lệ 48% muốn “ở lại”. Trước đó, ngay cả lãnh đạo phe ủng hộ Brexit cũng không thể ngờ tới kịch bản phe mình lại chiến thắng.

Cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi tổ chức vì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ đàm phán lại điều kiện với EU về tư cách thành viên của Anh. Sau đó, ông sẽ tổ chức trưng cầu ý dân và tin rằng chắc chắn thuyết phục thành công cử tri Anh bỏ phiếu ở lại Anh.

Dường như ông Cameron đã không lường trước được việc có quá nhiều nhân vật đình đám trong đảng Bảo thủ gia nhập chiến dịch ủng hộ Brexit. Trong số đó có những người bạn lâu năm như Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove hay cựu Thị trưởng London Boris Johnson. Hơn nữa, ông Cameron không đánh giá đúng động lực mà phong trào ủng hộ Brexit tạo ra cho cử tri.

Theo nhận định, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh ngày 23/6 là một đòn giáng mạnh mẽ vào kế hoạch hội nhập hơn nữa của châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II.

Bầu cử Tổng thống Áo: “Án treo” cho Liên minh châu Âu

Năm 2016, Áo đã phải tổ chức bầu cử hai lần mới có thể lựa chọn được Tổng thống mới.

sau brexit tuong lai chau au se di ve dau trong nam 2017

Chưa thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu có một ngày ông Norbert Hofer (phải) trở thành lãnh đạo của Áo. (Ảnh: EPA)

Tháng 5/2016, với 50,3% so với 49,7% số phiếu bầu, cựu lãnh đạo đảng Xanh Alexander Van der Bellen đã đánh bại ứng cử viên đảng Tự do có tư tưởng cực hữu và mang màu sắc dân túy Norbert Hofer.

Sau cáo buộc vi phạm luật bầu cử, Tòa án Hiến pháp nước này đã tuyên bố bác kết quả cuộc bầu cử tháng 5/2016. Cuộc bầu cử lại ngày 4/12/2016 không thay đổi cục diện khi ông Bellen giành chiến thắng trước ông Hofer với 53,3% số phiếu ủng hộ so với 46,7%.

Sự lựa chọn cuối cùng của người dân Áo cho thấy, họ tiếp tục ủng hộ nhất thể hóa châu Âu thay vì đi theo con đường của chủ nghĩa dân túy hoặc chủ nghĩa biệt lập. Mặc dù vậy, với việc trong thời gian tranh cử, không phải ông Bellen mà chính ông Hofer mới là người được dự đoán giành chiến thắng cùng với số phiếu không chênh lệch quá lớn, nhiều người cho rằng, châu Âu mới chỉ có thể tạm gác lại nỗi lo nước Áo.

Trong tương lai, không thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu có một ngày ông Norbert Hofer lên nắm quyền và làm điều tương tự những gì ông David Cameron từng làm với nước Anh.

Theo đánh giá của giới phân tích, chiến thắng của ông Bellen giống như một bản “án treo” dành cho EU và nhiệm vụ xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa của lực lượng cực hữu đối với châu Âu vẫn sẽ rất nặng nề.

Trưng cầu ý dân Italy thất bại, chủ nghĩa dân túy thắng thế?

Ngày 4/12/2016, đảng Phong trào 5 sao do nhà hài kịch nổi tiếng Beppe Grillo dẫn đầu đã giành chiến thắng trong việc kêu gọi người dân bỏ phiếu nói “Không” trong cuộc trưng cầu ý dân đòi thay đổi Hiến pháp Italy.

sau brexit tuong lai chau au se di ve dau trong nam 2017

Thủ tướng Matteo Renzi đã từ chức sau khi cuộc trưng cầu ý dân ở Italy thất bại. (Ảnh: AFP)

Sự nổi lên của đảng Phong trào 5 sao cho thấy xu hướng nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu những năm gần đây. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2016, đảng Phong trào 5 sao đã giành chiến thắng ở các thành phố lớn như Roma, Torino… trở thành chính đảng lớn thứ 2 ở Italy.

Hiện nay, tỷ lệ ủng hộ của đảng Phong trào 5 sao và đảng Dân chủ là ngang nhau, đảng Phong trào 5 sao có khả năng chuyển sự phản đối của người dân đối với Matteo Renzi thành phiếu bầu có lợi cho mình, từ đó giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Italy (có thể được tổ chức trước thời hạn vào năm 2017).

Có hai lý do để nhận định Italy sẽ khó đi theo con đường Brexit của nước Anh. Thứ nhất, người dân nước này vẫn còn rất “nặng tình” với Liên minh châu Âu (EU). Thứ hai, để tiến hành trưng cầu ý dân về việc rời EU, trước tiên, Italy phải cải cách Hiến pháp và bản thân việc cải cách Hiến pháp cũng cần phải trưng cầu ý dân để thông qua.

Chưa rõ tương lai đảng Phong trào 5 sao có thể lên cầm quyền ở Italy hay không nhưng cục diện chính trị của Italy đã bắt đầu hình thành xu hướng rõ rệt khi sự phổ biến của chủ nghĩa dân túy và thế lực hữu khuynh châu Âu dần được nâng cao, đe dọa cản trở tiến trình nhất thể hóa châu Âu.

Hai cuộc bầu cử quan trọng

Năm 2017, cả Đức và Pháp – hai nước quan trọng trong EU sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống.

sau brexit tuong lai chau au se di ve dau trong nam 2017

Bà Merkel sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu muốn tiếp tục làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ 4. (Ảnh: Reuters)

Ở Pháp, cuộc đua đang diễn ra gay cấn giữa ông Francois Fillon, người chủ trương tiếp tục ở lại EU và bà Marine Le Pen, người chủ trương cho rằng Pháp nên làm điều tương tự nước Anh là rời khỏi EU.

Điều mà người ta lo ngại chính là nếu trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử có sự cố phát sinh liên quan đến người di cư hay khủng bố thì bà Le Pen sẽ có thêm cơ hội để tiến vào Điện Elysee. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, cục diện chính trị ở Pháp gần đây cho thấy, sẽ khó xuất hiện những sự thay đổi mang tính căn bản chuyển sang cánh hữu nhanh chóng ở Pháp.

Nếu như cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp được dự đoán là khó có bất ngờ thì cuộc bầu cử ở Đức vào khoảng tháng 9 và tháng 10/2017 lại được cho là tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt sau các vụ tấn công, bạo lực liên quan đến người tị nạn.

Cuộc bầu cử ở Đức được cho sẽ là cơ sở nghiên cứu và đánh giá quan trọng nhất đối với xu hướng chính trị của châu Âu sau này.

Nếu như hồi tháng 11/2016 khi Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 4 khiến nhiều người thở phào nhẽ nhõm vì cảm thấy đây dường như lời đảm bảo cho sự nhất thể hóa ở châu Âu thì sau vụ khủng bố ở Berlin làm 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương, tất cả lại trở nên mông lung hơn bao giờ hết.

Hình ảnh bà Merkel vốn đại diện cho tính ổn định và liên tục giờ đây dường như đã bị phá vỡ và những người từng cho rằng, nếu bà tiếp tục trở thành Thủ tướng Đức sẽ có lợi cho cục diện chính trị ở châu Âu có thể đã suy nghĩ lại.

Tương lai nào cho châu Âu khi chủ nghĩa dân túy nổi lên?

sau brexit tuong lai chau au se di ve dau trong nam 2017

Cú sốc "Brexit" được dự báo sẽ còn gây ra nhiều tác động đối với châu Âu. (Ảnh: SBS)

Có thể thấy, năm 2016, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới, đã nổi lên những nhà lãnh đạo chính trị có màu sắc dân túy, thậm chí một số người còn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

Với việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, có thể thấy chủ nghĩa dân túy đã thắng thế ở quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nó báo hiệu việc bùng nổ xu hướng ở phương Tây bắt đầu chuyển sang cánh hữu.

Những diễn biến chính trị ở Anh, Áo, Italy năm 2016 và kết quả khó đoán định trong hai cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp và Đức năm 2017 là những tiền đề để có thể đưa ra nhận định cho rằng, tình hình chính trị ở châu Âu trong năm tới sẽ là “một câu chuyện nhiều màu sắc”.

Năm 2017, các nước châu Âu chắc chắn sẽ phải cùng nhau nhìn lại để cân nhắc các biện pháp đối phó phù hợp trước sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Nếu giới lãnh đạo châu Âu không làm tốt được điều này, sự tồn tại của Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast