Thái Lan lại căng thẳng sau phán quyết của Tòa án hiến pháp

Với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Tòa án hiến pháp Thái Lan ngày 21-3 đã ra phán quyết xem cuộc tổng tuyển cử của Thái Lan diễn ra ngày 2-2 là vô giá trị. Theo tòa án này, cuộc bầu cử đã vi phạm điều 108, khoản 2 hiến pháp, theo đó không có ứng viên tại 28 khu vực bầu cử ở 8 tỉnh. Tòa án hiến pháp yêu cầu Ủy ban bầu cử và Chính phủ Thái Lan hợp tác để ấn định ngày bầu cử mới.

Chưa chắc sẽ bầu cử lại thành công

Phán quyết của Tòa án hiến pháp dựa theo đơn kiện của giảng viên luật Kittipong Kamolthammawong tại Trường Đại học Thammasat. Cuộc bầu cử nói trên thiếu ứng viên là do người biểu tình chống chính phủ đã ngăn chặn nhiều ứng viên đăng ký bầu cử. Theo phán quyết của tòa án, cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức trong 1 ngày duy nhất trong thời hạn không sớm hơn 45 ngày và không quá 60 ngày kể từ ngày có phán quyết của tòa án. Phán quyết này đồng nghĩa với việc giải tán Hạ viện.

Lực lượng áo đỏ ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck cho biết sẽ xuống đường nếu bà Yingluck bị buộc từ chức
Lực lượng áo đỏ ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck cho biết sẽ xuống đường nếu bà Yingluck bị buộc từ chức



Đảng Puea Thái của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra gọi phán quyết của Tòa án hiến pháp là hành động xem thường nền dân chủ bầu cử đồng thời tạo tiền lệ xấu.

Phán quyết của Tòa án hiến pháp Thái Lan càng khiến tình hình chính trị nước này thêm bế tắc sau các cuộc biểu tình kéo dài của lực lượng chống chính phủ. Người phát ngôn đảng Dân chủ đối lập, ông Chavanond Intarakomalaysut cho biết đảng này sẽ không tham gia bầu cử trong cuộc bầu cử sắp tới do cần phải cải cách nhiều vấn đề trước khi tổ chức tổng tuyển cử.

Đảng Puea Thái trước đó kêu gọi đảng Dân chủ hãy ra tranh cử một khi tòa án bãi bỏ kết quả bầu cử ngày 2-2 và cho rằng chính sự tẩy chay của đảng này trong cuộc bầu cử ngày 2-2 làm tình hình chính trị thêm phức tạp.

Những người biểu tình chống chính phủ của bà Yingluck cho biết nếu tổ chức bầu cử trở lại, họ sẽ tiếp tục ngăn cản. Lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban khẳng định lực lượng của ông sẽ phong tỏa dữ dội hơn các điểm đăng ký bầu cử ở tất cả các tỉnh

Thêm nhiều bất ổn

Theo Reuters, sự rút lui của những người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan thực ra là chuyển từ đường phố sang tòa án khi Thủ tướng tạm quyền Yingluck phải đối mặt với một loạt các thách thức pháp lý có thể đe dọa vị trí của bà, trong đó có cáo buộc xao lãng nhiệm vụ trong kế hoạch thu mua gạo trợ giá của nông dân.

Lực lượng “áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin ở phía Đông Bắc Thái Lan đã đe dọa sử dụng bạo lực nhiều hơn nếu bà Yingluck bị buộc phải từ chức.

Nhà phân tích chính trị Kan Yuenyong tại Cơ quan Tình báo Siam nói với Reuters: “Các cơ quan độc lập đang lộ ý đồ khá rõ ràng rằng họ muốn loại bỏ bà Yingluck và toàn bộ nội các của bà để tạo ra một khoảng trống quyền lực. Để rồi cuộc bầu cử không được tổ chức và sau đó, chỉ định một thủ tướng theo sự lựa chọn của họ”. Ông này cho rằng nếu thực tế diễn biến đúng như vậy, những người ủng hộ Chính phủ của bà Yingluck sẽ trở lại đường phố và nửa cuối năm 2014, tình hình chính trị Thái Lan sẽ càng tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trong nửa đầu năm.

Trước khi Tòa án hiến pháp ra phán quyết về cuộc bầu cử ngày 2-2, nhiều quả lựu đạn đã được ném gần nhà của một quan tòa làm 1 người đàn ông bị thương nặng và ngôi nhà bị hư hại.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đã bỏ phiếu thông qua quyết định buộc tội Chủ tịch lâm thời Thượng viện và là quyền Chủ tịch Quốc hội Thái Lan, ông Nikom Wairatpanij. Ông Nikom bị cáo buộc vi phạm hiến pháp khi chủ trì các cuộc họp quốc hội để cố ý thảo luận dự luật sửa đổi thành phần của Thượng viện.

Với quyết định của NACC, ông Nikom đương nhiên bị đình chỉ công tác và sẽ bị Thượng viện xem xét phế truất.

Theo SGGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast