Thế giới ngày qua: Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích

(Baohatinh.vn) - Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích ở Trung Quốc; Nga ký bán hệ thống S-400 cho Ấn Độ trong chuyến thăm của ông Putin... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 5/10 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích

Ông Mạnh Hoành Vĩ. (Ảnh: mirror.co.uk)

Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích ở Trung Quốc: Ngày 5/10, cảnh sát Pháp mở cuộc điều tra vụ Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ mất tích tại Trung Quốc.

Vợ ông Mạnh Hoành Vĩ hiện sống ở Lyon, nơi đặt trụ sở Interpol đã báo cáo về trường hợp mất tích của chồng từ cuối tháng 9/2018, khi đang có chuyến về thăm quê nhà Trung Quốc.

Ông Mạnh Hoành Vĩ, 64 tuổi, giữ chức Chủ tịch Interpol hai năm qua. Trước đó, ông từng nắm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Thế giới ngày qua: Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích

Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Nga ký bán hệ thống S-400 cho Ấn Độ trong chuyến thăm của ông Putin: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/10 ký thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD, trong đó Moskva sẽ bắt đầu cung cấp 5 hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf cho New Delhi từ tháng 10/2020, Sputnik đưa tin.

Hợp đồng này được ký trong hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn lần thứ 19 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Điện Kremlin ngày 4/10 cho biết đây là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Ấn Độ. Thương vụ này từng được lãnh đạo hai nước nhất trí vào tháng 10/2016.

Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Lầu Năm Góc lo ngại hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái và tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ra nước ngoài.

Thế giới ngày qua: Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. (Ảnh: Yonhap)

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lĩnh án 15 năm tù vì tham nhũng: Ngày 5/10, tòa án Seoul đã tuyên án cựu Tổng thống Lee Myung-bak 15 năm tù và mức phạt 13 tỷ won (tương đương 11,5 triệu USD) vì các tội liên quan đến tham nhũng. Ông Lee là Tổng thống Hàn Quốc thứ 4 phạm tội hình sự.

Ông Lee Myung-bak - Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2013, đã bị buộc tội vào tháng 4/2018 với 16 tội danh, gồm có nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền. Các công tố viên đã đề nghị mức án 20 năm tù với cựu Tổng thống Lee.

Với khoản tiền 35 tỷ won mà các công tố viên khẳng định ông Lee đã tham ô, tòa chỉ chấp nhận con số 24 tỷ won do các cáo buộc trên còn thiếu căn cứ.

Ông Lee không có mặt tại phiên tòa ngày 5/10 để phản đối các quyết định của tòa án.

Thế giới ngày qua: Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích

Nadia Murad (trái) và Denis Mukwege, hai chủ nhân của Nobel Hòa bình 2018. (Ảnh: Reuters)

Nobel Hòa bình 2018 vinh danh nỗ lực chống bạo lực tình dục: Giải Nobel Hòa bình 2018 đã thuộc về Denis Mukwege và Nadia Murad vì những nỗ lực chấm dứt việc dùng bạo lực tình dục như là một thứ vũ khí trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Giải thưởng năm nay trị giá 9 triệu kronor (khoảng 990.000 USD).

Theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy, Nadia Murad, người từng bị IS liên tục hãm hiếp và ngược đãi, đã cho thấy "lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay các nạn nhân khác".

Trong khi đó, Mukwege, là "biểu tượng tiên phong và thống nhất cả trong nước lẫn quốc tế" trong cuộc đấu tranh chống lại nạn lạm dụng tình dục. Bác sĩ người Congo dành hầu hết cuộc đời mình để giúp đỡ và điều trị cho hàng nghìn nạn nhân tình dục ở đất nước ông.

Thế giới ngày qua: Pháp điều tra thông tin Chủ tịch Interpol mất tích

Bên trong một trung tâm xử lý dữ liệu của Apple.

Trung Quốc bị nghi dùng chip để xâm nhập các công ty Mỹ: Theo báo cáo ngày 4/10 của Bloomberg, các nhà sản xuất Trung Quốc bị cáo buộc đã "đầu độc" chuỗi cung ứng kỹ thuật của các công ty lớn ở Mỹ, bao gồm cả Apple và Amazon, bằng cách cấy một con chip nhỏ trên các thiết bị của họ. Con chip được lắp ráp bởi công ty có tên Elemental, đối tác cung ứng máy chủ cho công ty Mỹ Supermicro trước khi được vận chuyển tới trung tâm dữ liệu của hàng chục tập đoàn công nghệ. Thiết bị này cho phép kẻ tấn công bí mật sửa đổi các máy chủ, bỏ qua phần mềm kiểm tra an ninh và lấy được thông tin từ mạng nội bộ của các công ty kể trên.

Các công ty bị ảnh hưởng đang lên tiếng mạnh mẽ, tuyên bố họ chưa bao giờ phát hiện ra bất kỳ phần cứng độc hại nào. Báo cáo của Bloomberg cũng chưa giải đáp hết các câu hỏi về mức độ phân tán của những con chip và cách truy cập backdoor được sử dụng. Nhưng ý tưởng độc đáo về việc cấy ghép một chip bí mật đã khiến giới bảo mật xôn xao, bởi trước nay nói về tấn công mạng người ta thường nghĩ tới các cuộc tấn công bằng phần mềm.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast