Thế giới ngày qua: Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018

(Baohatinh.vn) - Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018; Lầu Năm Góc báo động vì 2 gói bưu phẩm chứa chất kịch độc Ricin... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 2/10 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018

Ba nhà khoa học Mỹ-Pháp-Canada (từ trái qua) đoạt giải Nobel Vật lý 2018. (Ảnh: Phys.org)

Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018: Giải Nobel Vật lý 2018 được trao cho nhà nghiên cứu Arthur Ashkin (người Mỹ), Gérard Morou (người Pháp), và Donna Strickland (người Canada) cho những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser, theo Guardian.

Giải thưởng được Göran K. Hansson, Tổng thư ký của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, công bố vào lúc 16h55 ngày 2/10 theo giờ Hà Nội. Học giả đoạt giải sẽ giành được phần thưởng trị giá 1 triệu USD.

Phát minh đoạt giải Nobel năm nay đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị cực chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.

Strickland ở Đại học Waterloo, Ontairo, trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Vật lý từ khi Maria Goeppert Mayer nhận được vinh dự này vào năm 1963 cho nghiên cứu về kết cấu vỏ hạt nhân. Bà là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử đoạt giải Nobel Vật lý danh giá.

Thế giới ngày qua: Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018

Trụ sở Lầu Năm Góc. (Ảnh: Washington Post)

Lầu Năm Góc báo động vì 2 gói bưu phẩm chứa chất kịch độc Ricin: Ngày 2/10, Lầu Năm Góc đã nhận được 2 gói bưu phẩm. Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Đơn vị bảo vệ lực lượng của Lầu Năm Góc đã phát hiện các gói đồ trên đáng ngờ và không cho đưa vào bên trong tòa nhà. Sau khi các gói đồ khả nghi được đưa đi xét nghiệm, kết quả là chúng phản ứng dương tính với chất độc cực mạnh ricin. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra về vụ việc.

Ricin là một chất kịch độc có thể được sử dụng như một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, một siêu độc chất, dù đây cũng là loại chất có tiềm năng dùng điều trị ung thư. Năm 2013, một đối tượng ở bang Mississippi đã gửi một phong thư chứa chất độc ricin tới cho Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện cho tiểu bang này Roger Wicker và Tổng thống Barack Obama.

Thế giới ngày qua: Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng đôla Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ 417 đối tượng tình nghi trong cuộc điều tra rửa tiền: Kênh truyền hình CNN phát bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/10 đưa tin các công tố viên nước này đã ra lệnh bắt giữ 417 đối tượng tình nghi trong một cuộc điều tra rửa tiền liên quan đến việc chuyển khoảng 2,5 tỉ lira (419 triệu USD) vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Cảnh sát Istanbul đã tiến hành các cuộc đột kích đồng thời tại một loạt địa phương và bắt giữ nhiều đối tượng, đồng thời cũng khám xét nhiều nhà cửa.

Các đối tượng tình nghi nhận đã nhận tiền "hoa hồng" khi tham gia gửi số tiền trên vào 28.088 tài khoản ở nước ngoài và các tài khoản này đều là của người Iran ở Mỹ.

Thế giới ngày qua: Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018

Ông Barham Salih. (Ảnh: thenational.ae)

Quốc hội Iraq bầu chính khách người Kurd làm tân Tổng thống: Theo đài Truyền hình quốc gia Iraq, Quốc hội nước này ngày 2/10 đã bầu chính khách kỳ cựu người Kurd Barham Salih làm tân tổng thống trong một cuộc bỏ phiếu vốn bị trì hoãn quá lâu vì mâu thuẫn chính trị.

Cuộc bầu chọn diễn ra 2 ngày sau cuộc bầu cử tại khu vực tự trị của người Kurd và 1 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của cộng đồng người Kurd tại Iraq. Động thái này được nhìn nhận là bước đi then chốt hướng tới việc thành lập chính phủ mới mới tại Iraq trong 4 năm tới.

Theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực không chính thức khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, các vị trí then chốt trong chính phủ quốc gia Tây Nam Á này sẽ được phân bổ giữa các nhóm sắc tộc, theo đó chức Thủ tướng do một người Arab dòng Shi’ite nắm giữ, Chủ tịch Quốc hội thuộc về cộng đồng người Arab Sunni và một người Kurd sẽ giữ ghế tổng thống.

Thế giới ngày qua: Phát minh về laser đoạt giải Nobel Vật lý 2018

Bầu trời Bắc Kinh mờ mịt vì khói bụi. (Ảnh: AFP)

Hơn một triệu người chết mỗi năm ở Trung Quốc vì ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí do ô nhiễm ozone (O3) mặt đất và ô nhiễm bụi siêu vi (PM2.5) có thể khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại khoảng 38 tỷ USD mỗi năm, theo nghiên cứu từ Đại học Trung Văn Hong Kong, South China Morning Post đưa tin. Hai yếu tố trên cũng là nguyên nhân gây ra 1,1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm ở Trung Quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 9/10 người trên toàn cầu phải hít thở không khí ô nhiễm và 7 triệu người chết mỗi năm vì tiếp xúc với bụi siêu vi. Mật độ bụi siêu vi PM2.5 ở các thành phố Trung Quốc là 48 microgram/ m3 không khí, gấp hơn hai lần mức trung bình thế giới.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast