Thế giới phản ứng trước Nghị quyết của HĐBA về Syria

Rất nhiều bên, gồm cả Mỹ và Syria, tỏ ra hoan nghênh Nghị quyết này.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa nhất trí thông qua một Nghị quyết lịch sử yêu cầu tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Syria. Đây là lần đầu tiên, cơ quan Liên Hợp Quốc này đạt được sự đồng thuận về vấn đề Syria sau gần 3 năm cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này bùng phát. Văn kiện lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước.

Sau nhiều tuần ngoại giao căng thẳng, tại cuộc họp kín ngày hôm qua, tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu tiêu hủy kho vũ khí của Syria. Văn kiện đưa ra dựa trên thỏa thuận đạt được hồi đầu tháng này giữa Nga và Mỹ tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại ngoại ô thủ đô Damascus khiến gần 1.400 người thiệt mạng.

Tổng thống Syria al-Assad (ảnh: ITV)

Tổng thống Syria al-Assad (ảnh: ITV)

Cuộc bỏ phiếu được xem là một bước tiến thực sự về vấn đề Syria khi chấm dứt được tình trạng bế tắc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hơn 2 năm rưỡi qua. Kể từ khi khủng hoảng Syria bùng phát hồi đầu năm 2011, cơ quan Liên Hợp Quốc này đã không thể thông qua một nghị quyết về Syria do bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên. Nga và Trung Quốc từng 3 lần sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ những nghị quyết liên quan tới quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu với báo chí sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ hoan nghênh và gọi đây là một Nghị quyết lịch sử.

“Đây là một ngày lịch sử. Như tôi đã nói, việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cần một câu trả lời đoàn kết, mạnh mẽ và có tính quyết định,” ông Ban nói. “Cuối cùng cộng đồng quốc tế cũng làm được điều này. Tôi vui mừng vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quộc đã đạt được sự nhất trí để thông qua một nghị quyết quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua về vũ khí hóa học. Tôi hoan nghênh kết quả này và Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ theo mọi cách có thể.”

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là “một thắng lợi lớn” đối với cộng đồng quốc tế: “Đây là điều mà chúng ta đã chờ đợi từ lâu và là chiến thắng lớn đối với cộng đồng quốc tế. Văn kiện đạt được, cũng như kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học là một sự ​ràng buộc về mặt pháp lý và là một bước tiến đáng kể.”

Về phần mình, Chính phủ Nga tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria và giám sát các kho vũ khí, song bác bỏ đưa một phần số vũ khí này sang Nga để tiêu hủy.

Chính quyền Syria, mục tiêu chính của nghị quyết, cũng hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, đồng thời khẳng định nó đã giải tỏa được những lo ngại lâu nay của nước này. Đại sứ Syria tại Liên Hợp Bashar Ja’afari nói: “Đây là Nghị quyết mà tất cả các quốc gia đều trông đợi. Điều duy nhất tôi có thể nói lúc này là việc thông qua Nghị quyết đã giải tỏa được hầu hết những lo ngại của chính phủ Syria. Chính phủ Syria cũng đã nỗ lực bày tỏ những lo ngại như thế này kể từ khi khủng hoảng bùng phát.”

Theo các nhà phân tích, việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đạt được đồng thuận về vấn đề Syria giúp mang lại cơ hội lớn cho việc tìm ra một giải pháp nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột hiện nay.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên và cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục các nỗ lực, bởi văn kiện đạt được ngày 27/9 mới chỉ đề cập khả năng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các trừng phạt đối với với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học không được tôn trọng, chứ không nêu chi tiết các biện pháp có thể được đưa ra cũng như không áp đặt các trừng phạt tự động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong trường hợp vi phạm cam kết, cần phải có một nghị quyết thứ 2. Và khi đó, nếu chính quyền Syria, các phe phái đối lập và cộng đồng quốc tế không có những nỗ lực thực sự, thì mọi chuyện hoàn toàn có thể quay lại điểm xuất phát./.

Thu Hoài (Tổng hợp)

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast