Ukraine yêu cầu Liên Hợp Quốc ngăn chặn Nga “xâm lược”

Dù khó xoay chuyển được tình thế, đại diện của Ukraine vẫn cố đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ chấm dứt sự can thiệp của Nga.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Yuriy Sergeyev đã yêu cầu một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an diễn ra vào hôm 2/3 hãy “làm mọi thứ có thể bây giờ” để ngăn chặn hành động “xâm lược” của Nga khi quân đội nước này được cho là đã khống chế khu vực chiến lược Crimea.

Đại diện Ukraine tại Liên Hợp Quốc (ảnh: AP)

Đại diện Ukraine tại Liên Hợp Quốc (ảnh: AP)

Ông Sergeyev đã yêu cầu 4 ủy viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an (tức Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc) giúp đỡ. Ông này cho biết thêm Nga đã bác bỏ đề xuất của Ukraine về việc tổ chức ngay cuộc tham vấn song phương.

Tuy nhiên rất ít khả năng cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc này sẽ ra tay. Với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nước Nga có quyền phủ quyết và có thể cản trở cơ quan đó thông qua bất cứ nghị quyết nào chỉ trích hay trừng phạt Moscow.

Khi được hỏi liệu Ukraine có đang trong tình trạng chiến tranh với Nga hay không, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergeyev nói: “Không. Chúng tôi không có chiến tranh. Chúng tôi đang tránh mọi xung đột. Chúng tôi đang bị khiêu khích”.

>> Đọc thêm: Nga tập trận sát Ukraine khiến Mỹ e sợ về 1 "Gruzia thứ 2"

Trong 1 cuộc điện đàm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin “khẩn trương tham gia vào đối thoại trực tiếp với giới chức” ở Kiev.

Sáng 2/3 Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố ông “quan ngại sâu sắc về tình hình xấu đi” ở Ukraine”. Ông nói: “Những cái đầu lạnh phải thắng thế, và công cụ duy nhất chấm dứt khủng hoảng phải là đối thoại”.

Gọi diễn biến ở Ukraine là “nguy hiểm và gây bất ổn định”, vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power nói trước Hội đồng Bảo an rằng “đã đến lúc chấm dứt sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine”.

Bà Power và các thành viên khác của Hội đồng đã kêu gọi gửi giám sát viên quốc tế tới Ukraine càng sớm càng tốt. Bà Power cảnh báo “hành động khiêu khích của Nga có thể dễ dàng đẩy tình hình vượt qua điểm bùng phát”. Bà này cũng đề cập đến công tác của phái đoàn trung gian quốc tế sẽ được gửi tới Ukraine.

>> Xem thêm: Trận chiến đẫm máu trên đường phố Kiev 2014

Đương kim chủ tịch Hội đồng Bảo an, Đại sứ Luxembourg Sylvie Lucas, cho biết các ủy viên của Hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và nhu cầu “hạ nhiệt căng thẳng” bên cạnh nhu cầu gửi giám sát viên quốc tế tới đó.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vitaly Churkin cho biết, chính phủ mới tại Kiev cần tránh xa các “phần tử cực đoan” và cảnh báo “những hành động mà họ đang thực hiện có thể dẫn tới những diễn biến hết sức khó khăn, mà Liên bang Nga đang cố gắng tránh”.

Ông Churkin cũng tố phương Tây can thiệp vào các cuộc biểu tình gần đây của Kiev – những cuộc biểu tình này đã trở nên bạo lực giữa lúc có những căng thẳng xoay quanh quyết định của Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych, người đã quyết định xoay trục sang Nga.

>> Đọc thêm: Liệu bán đảo Crimea có ly khai Ukraine?

Đại sứ Churkin giải thích Nga can thiệp như hiện nay là theo yêu cầu của giới chức vùng Crimea, nơi tuyệt đại đa số dân cư nói tiếng Nga và nơi đóng căn cứ hạm đội Biển Đen của Nga./.

Theo Trung Hiếu/VOV online (Nguồn AP)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast