Vì sao "thiên đường du lịch" Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị?

Theo hãng tin CNN, đảo quốc Maldives đang vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị, sau khi Tổng thống nước này bác bỏ tuyên bố của Tòa án Tối cao có nội dung khôi phục chức vụ cho các thành viên phe đối lập và thả tù nhân chính trị.

Ngày 6/2, Chính phủ Maldives đã ban bố tình trạng khẩn cấp 15 ngày do khủng hoảng chính trị. Lực lượng an ninh Maldives đã được triển khai tại Thủ đô Malé để ứng phó với các diễn biến chính trị.

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời triển khai binh lính tới Tòa án Tối cao và ra lệnh bắt giữ một người tiền nhiệm của ông.

Trên truyền hình, ông Yameen khẳng định tình hình đất nước vẫn bình thường và yêu cầu người dân giữ bình tĩnh. Tuy nhiên ông cũng nói rằng Tòa án Tối cao đã hành động “vội vàng” và rằng những gì ông đang làm là nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính xảy ra.

vi sao thien duong du lich maldives roi vao khung hoang chinh tri

Cảnh sát chặn đường quanh Tòa án Tối cao Maldives.

Bối cảnh chính trị Maldives

Ông Yameen lên nắm quyền vào năm 2013 sau một cuộc bầu cử bị các đối thủ cáo buộc đã được dàn xếp từ trước. Từ đó đến nay, ông đã bị chỉ trích phá bỏ nền dân chủ, truy quét những người có tư tưởng chính trị đối lập và bắt giữ lãnh đạo các đảng đối lập.

Vào năm 2016, Maldives rút lui khỏi Khối Thịnh vượng chung Anh sau khi các quốc gia trong khối này đe dọa sẽ khai trừ nước này vì đang phá hoại nền dân chủ. Không chỉ có vậy, chính phủ của ông Yameen chào đón các khoản đầu tư từ Trung Quốc và Ả Rập Xê út, và lần gần đây nhất ông đến thăm Bắc Kinh là vào tháng 12 năm ngoái.

Ông Mohamed Nasheed, người trở thành Tổng thống được dân bầu đầu tiên của Maldives vào năm 2009 và được thế giới hoan nghênh khi đề cao ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, đã bị bắt giữ vào năm 2015 với những tội danh liên quan đến khủng bố mà người ủng hộ ông coi là giả mạo.

Ông Nasheed được phép rời nhà tù một năm sau đó để điều trị bệnh ở nước ngoài và được tạm trú ở Anh. Ông hy vọng có thể thách thức ông Yameen trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong năm nay, và đã có mặt tại thủ đô Colombo của Sri Lanka khi Tòa án Tối cao Maldives đưa ra phán quyết dẫn đến khủng hoảng hiện nay.

Chuyện gì đang xảy ra?

Căng thẳng chính trị Maldives bùng nổ vào tuần trước, sau khi Tòa án Tối cao Maldives bất ngờ tuyên bố phóng thích 9 tù nhân chính trị và khôi phục chức vụ cho 12 nghị sĩ trước đó đã bị bãi chức do rời bỏ đảng của ông Yameen. Phán quyết này sẽ cho phép phe đối lập có đa số ghế trong quốc hội Maldives.

Ông Yameen đã không tuân theo phán quyết này, thay vào đó ông cho quân đội xuất hiện ở Tòa án Tối cao vào ngày 5/2. Theo cựu Tổng chưởng lý Maldives Husnu al-Suood, lực lượng an ninh “lập rào chắn và khóa chặt tòa nhà Tòa án Tối cao từ bên ngoài, khiến các thẩm phán không có thức ăn”.

vi sao thien duong du lich maldives roi vao khung hoang chinh tri

Ông Gayoom (giữa) đã bị bắt giữ sau khi Tổng thống Maldives tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Cảnh sát cũng bắt giữ anh trai cùng cha khác mẹ của ông Yameen là cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, người đã lãnh đạo đất nước trong 30 năm trước khi Maldives trở thành đất nước dân chủ. Được biết, quan hệ của hai người đã đổ vỡ vào năm 2016 và ông Gayoom đã hợp lực với ông Nasheed để thành lập phe đối lập mới. Không chỉ có ông Gayoom, con rể của ông là Mohamed Nadheem cũng bị bắt vào sáng ngày 6/2, khiến phe đối lập gọi đây là “hành vi vu khống trắng trợn”.

Vào ngày 7/2, ông Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp tại Maldives, qua đó ông có quyền tiến hành chiến dịch truy quét, và Tổng chưởng lý Abdulla Saeed và thẩm phán Ali Hameed cũng bị bắt. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Yameen cho biết ông hành động để ngăn một cuộc đảo chính xảy ra.

Văn phòng Tổng thống khẳng định mặc dù tình trạng khẩn cấp được áp đặt, song chính phủ sẽ không áp dụng luật giới nghiêm. “Vào lúc này, mặc dù một số quyền lợi của người dân đã bị hạn chế, song việc đi lại và các dịch vụ cùng hoạt động doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng”, tuyên bố của văn phòng này cho biết.

Phản ứng của phe đối lập ra sao?

Hai cựu Tổng thống Maldives đã kêu gọi Ấn Độ can thiệp để buộc ông Yameen phóng thích các thẩm phán và các tù nhân chính trị khác. Ông Nasheed mong Ấn Độ “ áp đặt sự hiện diện” của mình tại Maldives. Vào thập niên 1980, Ấn Độ, vốn hiếm khi can thiệp vào nội bộ của nước ngoài, đã giúp trấn áp một âm mưu khủng bố tại Maldives.

Trong một tuyên bố, Ấn Độ mong các bên hãy tuân thủ luật pháp. “Trên tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật, tất cả các cơ quan của chính phủ Maldives phải tôn trọng và tuân theo phán quyết của Tòa án Tối cao”, tuyên bố của Ấn Độ cho biết. Trong khi đó, Trung Quốc, một quốc gia đang cạnh tranh với Ấn Độ để xây dựng ảnh hưởng ở vùng Nam Á, nói rằng khủng hoảng chính trị này phải được giải quyết nội bộ.

Ông Yameen đang được sự ủng hộ của quân đội. Trên truyền hình, một số sĩ quan cảnh sát và binh lính đã hứa sẽ hy sinh tính mạng của mình “để bảo vệ chính phủ hợp hiến”.

vi sao thien duong du lich maldives roi vao khung hoang chinh tri

Người dân Maldives hoang mang trước tình hình hiện tại.

Người du lịch tại Maldives có được an toàn?

Nằm ở phía tây nam Ấn Độ và Sri Lanka, Maldives là một địa điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt là đối với người Trung Quốc. Theo thống kê của chính phủ, gần 1,4 triệu người du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Maldives vào năm 2017, trong đó có vài trăm ngàn khách đến từ Trung Quốc và Anh.

Chính phủ Maldives đã trấn an khách du lịch rằng tình hình đất nước vẫn ổn định và ngành du lịch sẽ không bị ảnh hưởng. “Tất cả các doanh nghiệp ngành du lịch sẽ hoạt động như bình thường và tình hình Maldives vẫn ổn định”, tuyên bố của chính phủ cho biết. “Tình trạng khẩn cấp không ngăn cấm việc di chuyển đến hoặc trong lãnh thổ Maldives”.

Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về đi lại cho những người đi du lịch Maldives trước thềm Tết Nguyên đán rằng: “Chúng tôi khuyên người dân có ý định đến Maldives không nên đến đây trước khi tình hình lắng xuống”. Ấn Độ và Anh cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng ngay lập tức đưa ra khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Maldives trong thời gian này cho đến khi Chính phủ Maldives gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.

Các công dân Việt Nam đang làm việc, học tập hoặc du lịch tại Maldives nên tránh đến các địa điểm tập trung đông người, nhạy cảm. Đồng thời thường xuyên theo dõi cảnh báo của các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo an toàn.

Trường hợp khẩn cấp đề nghị liên hệ theo đường dây nóng: Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka (kiêm nhiệm Maldives): +94.11.2696050; tổng đài bảo hộ công dân: +84.981.84.84.84.

Theo Infonet

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast