22 bài học về quản lý thời gian một cách khoa học cần áp dụng ngay

Bạn không thể làm tốt mọi việc? Các dự án không đúng tiến độ? Cuộc sống trôi qua với tốc độ chậm như sên?

22 bai hoc ve quan ly thoi gian mot cach khoa hoc can ap dung ngay

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: lifehack.org)

Theo Lifehack, có thể bạn cần chú ý đến việc quản lý quỹ thời gian của mình. Hãy làm theo một số bài học quản lý thời gian sau để tạo sự khác biệt trong cuộc sống và công việc của bạn.

1. Tập trung vào những phần quan trọng trong công việc

Tránh chú ý quá nhiều vào tiểu tiết trước khi chắc chắn về những phần quan trọng. Hầu hết chúng ta không thể hoàn thành một công việc nào đó chỉ vì dành quá nhiều thời gian cho những chi tiết vụn vặt mà bỏ qua những điểm chính cần quan tâm.

2. Biết cách nói "Không"

Hầu hết những thứ được gửi đến bạn (vào hòm thư điện tử chẳng hạn) là yêu cầu của những người khác để phục vụ chương trình làm việc của họ. Bạn không cần phải đồng ý với tất cả. Bạn thậm chí không cần phải trả lời.

3. Giữ vững quan điểm của bạn

Hãy đặt ra những câu hỏi “tại sao” một cách thực tế. Bạn có thể sẽ cần một bối cảnh hay gặp gỡ thường ngày với đồng nghiệp hay đồng đội để làm được điều này.

4. Yêu cầu mọi người bắt bạn chịu trách nhiệm

Một số người chấp nhận chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Những người khác thì không. Sự thật đã được chứng minh là, để người khác nhắc bạn về những gì bạn phải làm là chìa khóa để hoàn thành mọi thứ.

5. Hãy để ý liệu bạn có đang làm bản thân bận rộn hay làm những việc giúp bạn đạt được mục tiêu của mình hay không

Khi nhin lại tất cả những gì bạn làm trong ngày, chúng có phải những việc tốn thời gian nhưng tạo ra sự thay đổi trong công việc của bạn hay không? Hãy chú tâm vào hành động của bạn chứ không phải sự bận rộn.

6. Dậy sớm

Bạn sẽ cảm thấy mình có một khởi đầu mạnh mẽ khi dậy sớm. Thời gian sáng sớm rất tĩnh lặng, rất hoàn hảo để bạn gột sạch tâm trí, đặt ra những ưu tiên trong ngày và chăm sóc bản thân trước khi bạn bắt đầu làm việc.

7. Viết ra những ưu tiên hàng đầu của bạn cho ngày hôm sau

Hãy duy trì một con số cố định, như 3 hay 5 điều ưu tiên cần làm. Cách này đòi hỏi bạn phải chuẩn bị trước cho tương lai. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái bới bạn biết mình cần làm những gì khi tỉnh dậy.

8. Giải quyết những điều nhỏ và lớn trong một ngày

Khi giải quyết xong những nhiệm vụ nhỏ, bạn sẽ cảm thấy mình đạt được một điều gì đó. Cảm giác đó sẽ cho bạn động lực để làm những việc phức tạp hay cần nhiều thời gian hơn.

9. Làm từng việc một lúc

Làm nhiều việc một lúc là một kỹ năng bị thổi phồng. Nghiên cứu bởi các chuyên gia như Clifford Nass của Đại học Stanford cho thấy chúng ta hoạt động kém năng suất nhất khi vừa dùng điện thoại thông minh vừa làm việc.

22 bai hoc ve quan ly thoi gian mot cach khoa hoc can ap dung ngay

10. Làm xong sớm việc "khó" nếu có thể

Sau đó, bạn có thể thảnh thơi vừa làm vừa chơi, thậm chí "nước đến chân mới nhảy" theo cách mình muốn.

11. Tập giải phóng tâm trí của bạn trước khi bạn làm việc.

Hãy viết ra những thứ làm bạn buồn. Những điều làm bạn vui. Những điều làm bạn hạnh phúc. Từ đó, bạn sẽ biết mình phải tránh những gì và tập trung vào đâu khi làm việc.

12. Ngủ những giấc ngắn

Một giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút sẽ làm mới tinh thần bạn mà không khiến bạn cảm thấy muốn ngủ thêm nữa. Theo một nghiên cứu gần đây, bạn sẽ có nguy cơ tử vong sớm nếu không bố trí những giấc ngủ ngắn như vậy.

13. Lên kế hoạch xả hơi hay đi nghỉ mát

Và sau đó hãy biến kế hoạch thành sự thật, thay vì trả lời những cuộc gọi làm ăn và email công việc.

14. Giữ những thứ làm bạn phân tâm ngoài tầm mắt

Điều này có nghĩa là để điện thoại của bạn ở chỗ nào đó ngoài phạm vi bàn làm việc, cũng như đăng xuất khỏi mọi trang mạng xã hội trước khi bắt tay vào công việc.

15. Thực hành "Giờ quyền lực"

Hãy cùng làm điều này với một người bạn. Vào đầu giờ làm việc, hãy đặt ra những mục tiêu cần đạt được trong ngày. Sau đó, làm việc để thu được những kết quả mong muốn, rồi mới cầm điện thoại lên và khoe những gì mình làm được.

16. Làm việc theo nhóm

Bằng cách đó, bạn có thể phân phó các mục tiêu ưu tiên cho những người bạn tin tưởng và tập trung vào những việc chỉ bạn mới làm được.

17. Giảm việc di chuyển đến tối thiểu

Nếu có thể, hãy làm việc tại nhà. Những việc như lái xe đi làm, xếp đồ đạc mang đi làm hay đặt phòng khách sạn khi đi công tác đều khiến bạn tốn thời gian và công sức.

18. Giảm thiểu số lượng lựa chọn bạn phải đưa ra mỗi ngày

Hãy nghe lời khuyên của tổng thống Barack Obama chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Vanity Fair: "Tôi không muốn phải đưa ra quyết định tôi sẽ ăn gì hay mặc gì hôm nay, bởi tôi còn quá nhiều việc khác phải quyết đinh."

19. Giữ thói quen buổi sáng, thậm chí vào cả cuối tuần

Bạn thức dậy vào 5 giờ sáng ngày thường? Hãy làm như vậy cả vào thứ Bảy và Chủ nhật. Bằng cách đó, bạn sẽ thấy việc thức dậy vào sáng thứ Hai dễ dàng hơn.

20. Hãy nghĩ về thời gian như tiền bạc

Bạn có một quỹ tiền. Tiền vào. Tiền ra. Và bạn có số tiền còn lại. Hãy cân nhắc việc lập một quỹ thời gian. Bạn cần làm việc bao nhiêu lâu để thực hiện những cam kết của mình (hay kiếm ra tiền)? Bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian cho những việc khác?

21. Tập trung vào bản thân bạn

Hãy tạo thói quen hàng ngày lấy bản thân bạn làm trọng tâm để hoàn thành những công việc của mình. Đừng dễ dãi phí hoài thời gian để bạn luôn có thể linh động xử lý các tình huống khẩn cấp hay gián đoạn.

22. Lập hạn chót dự bị

Hầu hết chúng ta đặt ra hạn chót khi có một công việc nào đó cần hoàn thành. Khi chúng ta đến quá sát hạn chót, hoặc không đáp ứng được hạn chót đó, chúng ta có thể sẽ cảm thấy tuyệt vọng và hoàn thành công việc với chất lượng không tốt. Hoặc chúng ta bỏ cuộc. Hãy lập những hạn chót trước thời hạn phải xong việc để tránh sự cập rập vào phút cuối./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast