5 phát kiến y học được chú ý nhất năm 2016

Mỗi năm, những tiến bộ trong y học lại cho phép chúng ta chữa được nhiều bệnh hơn, và cứu sống nhiều người hơn, so với năm trước đó. Năm 2016 cũng không ngoại lệ; trong 12 tháng qua, chúng ta đã nhìn thấy những phát kiến mới cách mạng hóa nền khoa học và chăm sóc sức khỏe. Dưới đây là 5 trong số những phát kiến được chú ý nhất trong năm 2016.

Thuốc tránh thai nam

Đối với hầu hết mọi người, tránh thai lâu dài vẫn được cho là trách nhiệm của phụ nữ, nhưng năm 2016 đã tiến gần hơn đến việc biến ý tưởng về thuốc ngừa thai nội tiết nam trở thành hiện thực.

Trong tháng Ba, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Minnesota đã trình bày những phát hiện mới nhất về việc biến đổi cấu trúc hóa học của một dạng thuốc tránh thai nam đã có trước đây trong một nỗ lực nhằm làm cho thuốc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mùa thu vừa rồi, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Endocrinology & Metabolism đã mô tả chi tiết thử nghiệm đầu tiên về thuốc tiêm tránh thai dành cho nam giới. Mặc dù nam giới tham gia thử nghiệm có những tác dụng phụ khó chịu khiến thử nghiệm phải chấm dứt, những thuốc tiêm có tỷ lệ hiệu quả 96% và trong số 320 nam giới tham gia nghiên cứu, chỉ có 4 trường hợp bạn tình của họ báo cáo là có thai.

Làm teo nhỏ khổi u ung thư vú

Đầu năm nay, các nhà khoa học biết được rằng sự kết hợp của hai loại thuốc điều trị ung thư vú là trastuzumab (Herceptin) và Lapatinib (Tyverb) có thể làm teo nhỏ đáng kể khối u ung thư vú ở bệnh nhân ung thư vú HER2 dương tính ngay sau 11 ngày. Hơn nữa, ở khoảng 11% bệnh nhân, khối u đã bị xóa sổ hoàn toàn. Đáp ứng thậm chí được thấy cả ở những phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn 2 đã di căn đến hạch.

5 phat kien y hoc duoc chu y nhat nam 2016

Một trong phát kiến y học được chú ý nhất năm 2016 là kết hợp thuốc ung thư đã làm khối u ung thư vú teo nhỏ ngay sau 11 ngày.

Các kết quả, mặc dù đáng phấn khởi, cần được nghiên cứu thêm trước khi áp dụng trên lâm sàng. Hơn nữa, kết quả về lâu dài còn chưa hoàn toàn rõ ràng.

Không còn phải lấy tủy răng

Lấy tủy răng là một trong những thủ thuật răng miệng đáng sợ nhất, nhưng đầu năm nay, các nhà khoa học từ Đại học Nottingham và Đại học Harvard đã chế tạo ra một loại công cụ trám răng kích thích tái tạo răng, và cho phép răng tự sửa chữa đồng thời ngăn ngừa mọi tổn thương thêm ở răng.

Mô cấy được đặt trực tiếp vào răng bị sâu và kích thích các tế bào gốc ở răng phát triển ngà răng, chất cấu tạo nên phần lớn răng của chúng ta. Công cụ này còn có thể giúp không cần phải thực hiện việc lấy tủy răng đầy đau đớn bằng cách đảm bảo sâu răng sẽ không tiến triển đến mức động đến tủy răng.

Đề kháng HIV

Vào tháng Tư, cuộc chiến chống HIV đã có sự xoay chuyển đáng chú ý khi các nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia Mỹ về Dị ứng và Bệnh nhiễm trùng phát hiện ra rằng tiêm một mũi duy nhất một kháng thể kháng HIV mạnh có thể bảo vệ khỉ không bị nhiễm HIV trong thời gian đến 6 tháng. Kháng thể được tạo ra bởi hệ miễn dịch của chính con khỉ, và được chọn về hiệu quả đặc hiệu chống lại phiên bản của vi-rút trên khỉ.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phân lập được một số kháng thể mà một số người nhiễm HIV đã sản sinh ra khi chống lại vi rút. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này có thể giúp đỡ trong nỗ lực nhằm chế tạo vắc xin HIV cho con người.

Bắt trứng mọc lại

Trong giáo dục giới tính, chúng ta được dạy rằng một bé gái được sinh ra với tất cả số trứng sẽ có trong đời, nhưng một nghiên cứu gần đây đã thách thức nghiêm trọng cái gọi là “sự thực y học” này. Mùa thu năm nay, các nhà nghiên cứu tại London nhận ra rằng một loại thuốc ung thư có tên là ABVD có khả năng khiến bệnh nhân nữ phát triển trứng mới - một điều từng được cho là không thể.

Nghiên cứu ban đầu được thiết kế để hiểu rõ hơn tại sao ABVD, không giống như các phương pháp điều trị ung thư khác, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy nhiều bệnh nhân nữ uống ABVD có thêm nhiều trứng hơn so với bình thường ở độ tuổi của họ - gấp 2 đến 4 lần số lượng dự kiến

Mặc dù kết quả này còn quá mới để đưa vào ứng dụng trên lâm sàng, song nó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về những gì đã ta biết về sinh sản nữ, và cho thấy vô sinh có lẽ không phải là vĩnh viễn như chúng ta từng nghĩ.

Theo Dân trí

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast