Coi chừng sốc nhiệt

Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). Tuy nhiên, sốc nhiệt hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hiểu biết về những rối loạn do sốc nhiệt giúp chúng ta giảm được tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong.

Khi nào xảy ra sốc nhiệt?

Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết... tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Coi chừng sốc nhiệt

Tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao trong thời gian dài dễ dẫn đến sốc nhiệt.

Triệu chứng khi bị sốc nhiệt

Khi bị sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C. Da nóng và khô (toát mồ hôi hiện diện trong một nửa các trường hợp của say nóng lúc hoạt động vật lý). Các dấu hiệu sớm và các triệu chứng gồm: mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn và tiêu chảy. Nạn nhân bị rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp. Rối loạn hô hấp (khó thở, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). Rối loạn thần kinh trung ương (cơn động kinh và hôn mê). Suy gan, suy thận; Rối loạn đông máu...

Nhiều biến chứng

Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan. Nếu điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng, tỷ lệ sống sót cao trên 90%. Nếu ở giai đoạn muộn có các biến chứng tim mạch, tụt HA; phù phổi, viêm phổi; suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp; hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu. Nặng hơn là rối loạn đông máu; liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, suy gan... tỷ lệ tử vong cao.

Coi chừng sốc nhiệt

Chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.

Cần xử trí đúng

Nếu gặp nạn nhân bị sốc nhiệt, cần phải xử trí đúng, ngay lập tức phải hạ thân nhiệt và hỗ trợ chức năng các cơ quan.

Người cấp cứu cần đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm. Làm mát cơ thể cho nạn nhân ngay tức thì bằng cách phủ khăn mát hay vẩy nước mát lên người họ. Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.

Bật quạt thổi trực tiếp vào người bệnh. Cho họ uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn và cafein khác nếu họ có thể uống được. Trong trường hợp nạn nhân có dấu hiệu ngất, ngừng tuần hoàn không tự thở, ho và cử động cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR). Sau đó, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, mục đích là phải hạ thân nhiệt ngay xuống dưới 39,4 độ C. Vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.

Lời khuyên của thầy thuốc

Sốc nhiệt hoàn toàn có thể phòng tránh được, hiểu biết về những rối loạn do sốc nhiệt giúp chúng ta giảm được tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong. Cụ thể những việc cần làm: Phân loại các đối tượng có nguy cơ để có các biện pháp phòng chống và kế hoạch rèn luyện phù hợp. Khuyến khích các tổ chức đoàn thể có các chương trình phổ biến rộng rãi về dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của bệnh để giúp chẩn đoán và điều trị sớm. Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng, lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng. Uống đủ nước và muối. Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng. Mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu.

Theo suckhoedoisong.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast