Đọc sách trên iPad, điện thoại trước giờ ngủ có thể giết chết bạn

Bạn có lẽ đã biết rằng sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, nhưng nghiên cứu mới đây nhất đã chỉ ra rằng vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Đọc sách trên iPad, điện thoại trước giờ ngủ có thể giết chết bạn ảnh 1

(Nguồn: AP)

Đọc hoặc xem các nội dung trên iPad trước khi đi ngủ không chỉ khiến bạn khó ngủ hơn, mà còn tác động tới mức độ buồn ngủ và tỉnh táo của bạn vào ngày hôm sau, nghiên cứu mới của bệnh viện Brigham and Women’s (BWH) ở Boston, Massachusetts cho biết.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào thứ hai vừa qua, cho biết những phát hiện mới có thể gây ảnh hưởng tới tất cả những người dùng máy đọc sách, laptop, smartphone, hay một số loại TV trước giờ đi ngủ.

Nghiên cứu mới tán đồng với những kết luận của các nghiên cứu trước đây, trong đó khuyến cáo rằng nhìn vào các loại màn hình trước khi đi ngủ có thể gây hại cho sức khỏe.

“Từ những nghiên cứu trước đây, ta đã biết ánh sáng vào buổi tối ảnh hưởng tới cảm giác buồn ngủ và mức độ tỉnh táo, cũng như hạn chế lượng melatonin được sinh ra,” tiến sỹ Anne-Marie Chang, trợ lý thần kinh học tại bộ phận Rối loạn giấc ngủ và đồng hồ sinh học của bệnh viện BWH, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ với The Huffington Post qua email.

“Nghiên cứu này cho thấy những kết quả so sánh trực tiếp toàn diện giữa việc đọc từ thiết bị phát sáng và đọc một cuốn sách in, và những ảnh hưởng đối với giấc ngủ.”

Nếu bạn không muốn cảm thấy như một thây ma trong ngày hôm sau, thì bạn nên suy nghĩ về khuyến nghị của nghiên cứu này: Hãy đọc một cuốn sách in nếu bạn muốn kích thích trí não của mình trước khi đi ngủ, và tránh các loại màn hình như thể chúng có thể giết chết bạn - bởi trên thực tế, điều đó có thể xảy ra.

Chang cho biết chứng thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ không cao - có liên hệ tới những vấn đề sức khỏe khác như béo phì, tiểu đường và các bệnh về tim mạch. Sự thiếu hụt melatonin kinh niên cũng có liên quan tới nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư.

Ngoài ra giấc ngủ cũng có những lợi ích khác của riêng nó, vì vậy cắt giảm thời gian ngủ rõ ràng là điều cần tránh.

Nghiên cứu kéo dài trong 2 tuần với 12 người tham gia. Một số người đọc sách trên iPad trong vòng 4 giờ đồng hồ trước khi ngủ trong 5 ngày liên tiếp, sau đó lặp lại quá trình này với sách in. Một nhóm khác lại làm ngược lại: Họ bắt đầu bằng sách in, sau đó chuyển sang iPad.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những người đọc bằng iPad mất nhiều thời gian hơn để chìm vào giấc ngủ, cảm thấy ít buồn ngủ hơn vào ban đêm, và có thời gian ngủ REM ngắn hơn so với những người đọc sách.

Những người đọc bằng iPad cũng sinh ra ít melatonin hơn - chất này giúp điều hòa giấc ngủ cho bạn. Vào ngày hôm sau, họ cũng mệt mỏi hơn so với người đọc sách, mặc dù cả hai đều được ngủ đủ 8 giờ.

Không chỉ vậy, hiệu ứng trên thực tế thậm chí còn có thể tồi tệ hơn so với những gì các nhà nghiên cứu đã quan sát được. Chang cho biết vì những người dùng iPad tỉnh táo hơn, nên họ có thể thức muộn hơn so với mức cho phép, càng làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Nếu bạn buộc phải sử dụng máy tính bảng, điện thoại hay máy tính trước giờ ngủ vì lý do nào đó, bạn có thể thay đổi thói quen để cải thiện tình hình một chút.

Hãy thử sử dụng bộ lọc chặn ánh sáng xanh - trên cửa hàng ứng dụng của Android đã có những phần mềm giúp tạo ra hiệu ứng này, nhưng những người dùng iOS thì phải sử dụng bộ lọc vật lý trên thiết bị của mình. Hãy thử sử dụng phần mềm F.lux cho máy tính.

Nghiên cứu đã cho thấy rằng ánh sáng xanh khiến bạn tỉnh táo hơn và ngăn chặn sự sản sinh của melatonin, từ đó ảnh hưởng xấu tới chất lượng giấc ngủ.

“Lời khuyên tốt nhất (mặc dù không phải là biện pháp phổ biến nhất) chính là tránh sử dụng các thiết bị có màn hình chiếu sáng trước giờ đi ngủ,” tiến sỹ Chang chia sẻ với Huffington Post. “Đối với những người buộc phải sử dụng máy tính hoặc các thiết bị phát sáng khác vào buổi tối, những phần mềm hoặc công cụ khác giúp lọc bớt ánh sáng xanh có thể hỗ trợ cho bạn".

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast