Mang điện thoại vào toilet là sai lầm chết người

Lướt web, duyệt Facebook qua smartphone khi ngồi trong nhà vệ sinh đang là thói quen của rất nhiều người và điện thoại di động đã được chứng minh là mang lượng vi khuẩn nhiều gấp 10 lần so với hầu hết các bồn cầu.

Giống như đi vệ sinh xong không rửa tay

Hầu hết mọi người không cân nhắc khi sử dụng điện thoại di động mọi lúc, mọi nơi, từ sáng đến tối, từ cơ quan đến phòng khám của bác sỹ. Các nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy điện thoại di động bẩn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng. Điện thoại càng có nhiều vi trùng bám vào thì chúng ta càng có nhiều nguy cơ tiếp xúc với chúng.

Theo một cuộc khảo sát của hãng Deloitte, người Mỹ kiểm tra điện thoại của mình khoảng 47 lần/ ngày, tạo rất nhiều cơ hội để các vi sinh vật di chuyển từ ngón tay đến điện thoại của bạn.

Mặc dù bồn cầu là một trong những nơi ít sạch sẽ nhất, nhưng nó không phải là vật dụng chính trong nhà vệ sinh có thể gây bệnh tật. Trong khi đó, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) phát hiện, điện thoại di động mang vi khuẩn nhiều gấp 10 lần so với hầu hết các bồn cầu. Một nghiên cứu khác tìm thấy hơn 17.000 loại vi khuẩn trên điện thoại của một học sinh trung học.

mang dien thoai vao toilet la sai lam chet nguoi

Việc sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh mang đến nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Nhà vệ sinh nói chung là một trong những nơi tồi tệ nhất để sử dụng điện thoại. Đây là nguồn lan mầm bệnh ở khắp mọi nơi. Nhà sinh vật học Paul Matewele thuộc Đại học Metropolitan London cho biết ghế nhà vệ sinh, tay cầm, vòi nước và bồn rửa chứa rất nhiều vi trùng gây bệnh nguy hiểm. Chúng bao gồm E.coli - vi khuẩn gây ra bệnh đường ruột và nhiễm trùng đường tiểu; acinetobacter - có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp truyền nhiễm và C.diff. - có thể gây tiêu chảy.

Thế nên, việc đưa điện thoại, máy tính bảng vào đây đặc biệt nguy hiểm vì chúng ta thường mang theo những thiết bị này ở mọi nơi. Mọi người còn liên tục chạm vào chúng và thậm chí đưa chúng lên bàn ăn.

Emily Martin - trợ lý giáo sư về dịch tễ học thuộc Trường Y tế công cộng của Đại học Michigan, Mỹ - cho biết: "Vì mọi người luôn luôn mang theo điện thoại di động nên ngay cả khi họ có thói quen rửa tay trước khi làm bất cứ điều gì, điện thoại di động vẫn có xu hướng trở nên mất vệ sinh. Việc mang nó vào phòng vệ sinh, sử dụng và đi ra ngoài không khác gì việc bạn đi vệ sinh không rửa tay”.

Mầm bệnh sống lâu hơn trên điện thoại di động

Bản thân điện thoại di động tự thân nó đã gây nguy hiểm cho sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo không chia sẻ điện thoại di động, đặc biệt là trong mùa cúm vì virus có thể sống sót trên bề mặt điện thoại trong suốt 8 giờ đồng hồ.

Norovirus - nhóm virus gây ra bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng - thường chết trong vòng vài phút khi ở bên ngoài cơ thể người - có thể sống sót lâu hơn ở trên bề mặt khô của điện thoại. MRSA - một vi khuẩn kháng kháng sinh thông thường - cũng có thể tồn tại trên bề mặt điện thoại trong suốt 9 ngày.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng điện thoại di động dễ lây lan virus vì con người liên tục tiếp xúc với bề mặt của nó. Để ngăn ngừa các mầm bệnh lây lan, điện thoại di động nên được giữ trong túi hoặc những nơi chúng có thể được bảo vệ khỏi ô nhiễm. Đối với những người không thể bỏ được thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh, ông Matewele khuyên hãy rửa tay trước và sau khi vào đó, đồng thời lau điện thoại bằng chất chống vi khuẩn.

Trong khi đó, Susan Whittier - Giám đốc khoa Vi sinh học lâm sàng tại New York - Presbyterian và Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Mỹ - đưa ra lời khuyên: “Bạn nên dùng 60% nước và 40% cồn, trộn lẫn chúng với nhau rồi dùng vải nhúng vào và lau nhẹ điện thoại. Trừ khi đang bị bệnh, bạn nên làm điều này vài lần mỗi tháng. Tuy nhiên, không nên dùng các chất lỏng và chất tẩy rửa dạng phun, xịt vì chúng có thể làm hỏng điện thoại của bạn. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là hãy rửa tay vài lần mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp ích nhiều cho sức khỏe của bạn”.

Theo Time/KHPT

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast