Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh - tiêu chí số 1

(Baohatinh.vn) - Hướng tới sự hài lòng người bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ là cần thiết nhưng chưa đủ. Chất lượng dịch vụ nói chung, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật vẫn luôn là tiêu chí số 1.

>>Hướng tới sự hài lòng của người bệnh: Từ trái tim đến hành động!

Quá tải bệnh viện và tâm lý thích... quá tải

Bác sỹ Võ Viết Quang - Giám đốc BVĐK Lộc Hà cho biết: Bệnh viện có 100 giường bệnh kế hoạch nhưng thực kê đến 160 giường. Công suất luôn đạt 130-160%. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Về số lượng, theo quy định, còn thiếu 26 nhân viên, trong đó, có 10 bác sỹ. Do thiếu nhân lực nên không thể bố trí nhân viên để hướng dẫn bệnh nhân ở các vị trí cần thiết (như khoa khám bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng).

Mặt khác, cũng do thiếu nhân lực nên rất khó khăn trong việc bố trí nhân viên đi học để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Việc thu hút bác sỹ về làm việc lại càng khó khăn. Ngoài chính sách chung của tỉnh, mỗi bác sỹ về bệnh viện được huyện hỗ trợ 15 triệu đồng, bệnh viện hỗ trợ 20 triệu đồng (từ nguồn ngân sách tự chủ) nhưng mấy năm liền, chỉ thu hút được 2 bác sỹ, trong đó, có 1 bác sỹ chuyên khoa tai - mũi - họng chỉ làm được 1 thời gian ngắn thì nghỉ vì… lương thấp!

Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh - tiêu chí số 1 ảnh 1

Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bệnh nhân, số giường bệnh thực kê tăng nhanh nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng là thực trạng chung của các cơ sở KCB. Từ năm 1997 đến nay, chỉ tiêu nguồn nhân lực dành cho các cơ sở KCB không thay đổi. Nguyên nhân do quy mô giường bệnh chưa được điều chỉnh. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động của các bệnh viện. Mặt khác, đối với các bệnh viện tuyến huyện, rất khó thu hút nguồn bác sỹ. Bác sỹ Lê Văn Bình – Giám đốc BVĐK Thạch Hà chia sẻ: Với nghề y, một bác sỹ mới ra trường chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc, đòi hỏi phải đào tạo thêm ít nhất 2 năm. Tuy nhiên, 8 năm nay, bệnh viện không thu hút được bác sỹ nào nên rất lo lắng cho nguồn nhân lực tương lai của bệnh viện.

Số lượng bệnh nhân tăng sẽ tỷ lệ thuận với cường độ lao động và tỷ lệ nghịch với chất lượng KCB. Bởi vậy, để đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân là rất khó, nhất là trong việc hướng dẫn, tư vấn. Thế nhưng, lại thêm điều nghịch lý nữa là hầu hết các cơ sở KCB đều có tâm lý thích quá tải vì liên quan đến nguồn thu cho bệnh viện. Bởi vậy, vẫn còn tình trạng “giữ chân bệnh nhân” ở một số cơ sở KCB tuyến dưới.

Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở

Bệnh viện tuyến càng cao, càng quá tải – đó là thực trạng kéo dài lâu nay. Có 2 nguyên nhân chính là do y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu người dân và tâm lý thích được lựa chọn dịch vụ của người dân.

Điều đáng bàn là nguyên nhân thứ nhất. Chắc chắn rằng, không một ai thích đi KCB xa khi cơ sở y tế ở gần đủ niềm tin.

Bác sỹ Trần Nguyên Phú – Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: Các cơ chế, chính sách liên quan đến y tế lâu nay có hình tháp ngược. Đó là nguyên nhân chính khiến y tế cơ sở không đủ mạnh. Ví như tiền khám bệnh và đơn thuốc chẳng hạn, càng đi xuống càng “teo” lại. Một lần khám bệnh ở trạm y tế được 3.000 đồng; tiền đơn thuốc lại rất hạn chế, rất khó có thể chữa trị được những bệnh thông thường và nguy cơ thu không đủ chi rất cao.

Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh - tiêu chí số 1 ảnh 2

Sở Y tế chuyển giao kỹ thuật nội soi cho các bác sỹ tuyến huyện

Bởi vậy, bác sỹ ở trạm y tế không “mặn mà” với khám bệnh BHYT, còn bệnh nhân lại bị mất niềm tin nên cứ dồn lên tuyến trên. Đối với các bệnh viện tuyến cơ sở lại rất khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật. Như BVĐK thành phố là bệnh viện hạng 3, yêu cầu phải triển khai được 4.500 kỹ thuật. Thời gian qua, bệnh viện đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ mới được 3.200 dịch vụ kỹ thuật (vì nó liên quan đến phương tiện máy móc và con người). Bởi vậy, bệnh nhân vẫn cứ phải dồn lên tuyến trên là điều đương nhiên.

Với các bệnh viện tuyến cơ sở, việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu KCB hiện nay của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là về nguồn nhân lực; thứ 2 là công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Như BVĐK Lộc Hà, mặc dù đang rất nỗ lực để đưa kỹ thuật nội soi vào phục vụ người dân nhưng xem ra không đảm bảo tính bền vững bởi nhân lực chính và duy nhất được đào tạo để triển khai kỹ thuật này chỉ còn một thời gian rất ngắn là nghỉ chế độ.

Ngoài khó khăn trong phát triển dịch vụ kỹ thuật, các cơ sở KCB, nhất là đối với tuyến cơ sở còn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc nâng cao chất lượng KCB như khung giá viện phí, cơ chế BHYT khoán quỹ định suất, vấn đề chuyển tuyến…

Như vậy, để “đáp ứng sự hài lòng người bệnh”, chỉ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ theo các nội dung mà Bộ Y tế đề ra là chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải nâng cao được chất lượng dịch vụ và đưa được nhiều dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao về tuyến cơ sở. Điều này cần có chiến lược, lộ trình và sự đầu tư thích đáng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast