Bóng chuyền Việt Nam thừa tiền vẫn bỏ bê đào tạo trẻ

Chưa bao giờ bóng chuyền Việt Nam có điều kiện thuận lợi như lúc này. Nguồn kinh phí ngày càng dồi dào với mức 100 tỷ đồng/năm “chảy” vào các câu lạc bộ (CLB). Vậy mà như một nghịch lý, mảng đào tạo trẻ của môn này đang bị bỏ bê.

3 tỷ đồng cho mục tiêu... trụ hạng

Cách đây mấy năm, một đội bóng dự giải vô địch quốc gia chỉ cần trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Thậm chí với 500 triệu đồng/năm, một CLB cũng có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động để nỗ lực trụ hạng. Song tình thế giờ đã khác hẳn, từ lương thưởng, tập huấn, thi đấu… đều tăng chóng mặt.

Bóng chuyền Việt Nam đang thiếu những gương mặt trẻ triển vọng, vẫn phụ thuộc các VĐV đã thành danh nhiều năm. Ảnh: Đ.Q

Đơn cử, nếu trước đây vận động viên (VĐV) bóng chuyền có mức thu nhập cứng 5 triệu đồng/tháng, thì lúc này đa phần đều nhận khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tính sơ sơ, để đảm bảo duy trì, mỗi đội phải có tối thiểu 2 tỷ đồng/năm. Chi phí trung bình của các đội hạng mạnh vào khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng/năm. Cá biệt có những đội theo mô hình xã hội hóa triệt để, có Mạnh Thường Quân chịu chơi và “máu” thành tích, chi phí có thể lên tới hơn 10 tỷ đồng. Thống kê sơ bộ như giải Vô địch thế giới 2015 (chuẩn bị khởi tranh vòng 2 vào tháng 11 tới), số tiền “chảy” qua hơn 20 đội bóng mỗi năm giờ đã vượt mức 100 tỷ đồng.

Cả làng “ăn xổi”

Kinh phí tăng nhanh, có thể còn tăng nữa nhưng hầu hết các đội bóng đều không sợ thiếu tiền. Một vài đội thuộc diện giàu (như nam Đức Long QK5, Maseco TP.HCM, Thể Công Binh đoàn 15; nữ Bình Điền Long An, Thông tin LienVietPostbank) chỉ còn phải lo làm sao cho ra hiệu quả, thành tích tốt. Ở mức độ khác nhau, các đội đã được đảm bảo bởi nhà tài trợ. Ngay cả những đội đang chịu sự quản lý trực tiếp, sống bằng nguồn bao cấp, thì mức đầu tư giờ cũng đã phải nâng lên tương ứng.

Điều thật sự đáng buồn là dẫu không còn thiếu kinh phí, đã có thể chủ động trong đầu tư, đường hướng phát triển nhưng phần lớn các đội lại đang chạy theo xu hướng “ăn xổi”.

Trong số 24 đội hạng mạnh, số còn tập trung làm trẻ, có hiệu quả tốt ít đến nỗi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay: Nữ Thông tin LienVietPostbank, Bình Điền Long An; nam Thể Công Binh đoàn 15, Khánh Hòa. Tuy nhiên, chính các “địa chỉ đỏ” này cũng đang bị ảnh hưởng nặng bởi xu hướng “ăn xổi” của bóng chuyền nước nhà. Rất nhiều đội bóng có “số má” hẳn hoi tuyệt nhiên không có tuyến trẻ, các VĐV năng khiếu. Một số đội khác thì có nhưng chỉ là hình thức, chắp vá tạm bợ.

Đây là hậu quả của việc các đội bóng đua nhau thuê cầu thủ nước ngoài trong 10 năm từ 2004 tới 2013. Cá biệt có mùa có tới 22/24 đội nam, nữ sở hữu ngoại binh, hầu hết còn thuê tới 2 người để tiện sử dụng. Họ tận dụng triệt để mọi cơ hội nhằm kéo được cầu thủ của đội khác hoặc đang là cầu thủ tự do về đầu quân cho mình.

Thấy rõ những mặt trái khi VĐV ngoại bị lạm dụng thái quá gắn với nhiều bất cập phía hậu trường, bất đắc dĩ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải quyết định “cấm cửa” ngoại binh từ mùa giải 2014. Song, môn thể thao này vẫn phải trả giá tới tận bây giờ.

Khi “cái nền” đào tạo trẻ bị buông lỏng, hệ quả tất yếu phải đến khi hầu hết các CLB Việt Nam chỉ cần vắng 1-2 trụ cột là lập tức lao đao. Chất lượng các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia đang ngày càng đi xuống... Đội tuyển nữ bao năm nay vẫn chỉ phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào “con độc” - phụ công hàng đầu châu lục Nguyễn Thị Ngọc Hoa.

Theo Dân việt

Chủ đề Tuyển Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast