Bóng đá Việt Nam đang trở lại thời bao cấp

VPF mua bảo hiểm cho các cầu thủ tham dự V-League, hạng Nhất và Cúp QG là thêm một bằng chứng của việc hệ thống giải VĐQG của Việt Nam đang được quản lý theo mô hình bao cấp. Tranh luận của ông chủ quán cà phê với một nhà quản lý bóng đá.

Bóng đá Việt Nam đang trở lại thời bao cấp ảnh 1
Ở V-League không nhiều CLB có tiềm lực tài chính hùng mạnh như Becamex Bình Dương

+ Ông chủ quán: Mua bảo hiểm cho các cầu thủ là một động thái tích cực của bóng đá Việt Nam. Nhưng tôi không thể hiểu nổi tại sao người mua bảo hiểm đó lại là VPF, đơn vị chủ sở hữu giải đấu và là đơn vị tổ chức giải. Họ nếu mua bảo hiểm cho các trọng tài, cho giám sát trận đấu và các quan chức điều hành giải, thì đó là việc không cần bàn cãi. Vì họ là người sử dụng lao động. Còn các trọng tài, giám sát là những người lao động. Nhưng VPF với các cầu thủ không có mối quan hệ này.

+ Nhà quản lý bóng đá: Tôi nghĩ là các CLB sẽ rất hạnh phúc. Và hy vọng không có CLB nào ở châu Âu biết điều này, nếu không họ lại phẳi cắp cặp sang Việt Nam để học. Hiện tại và mãi sau này, đó là việc của các CLB. Như ở Tây Ban Nha, CLB Real Madrid luôn mua bảo hiểm cho các cầu thủ của họ. Barcelona cũng thế. Đó là một khoản tiền rất lớn. Vì tính bình quân, phí bảo hiểm của mỗi cầu thủ ở Real Madrid tương đương với khoảng 1% giá trị hợp đồng mà cầu thủ ký với đội bóng.

Chẳng hạn, tiền vệ James Rodriquez có trị giá hợp đồng 80 triệu USD, thì Real sẽ phải bỏ ra khoảng 80 ngàn USD để mua hợp đồng bảo hiểm cho cầu thủ này. Mua bảo hiểm ở đây là trách nhiệm và quyền lợi của Real Madrid. Vì họ có trách nhiệm phải cáng đáng các chi phí phẫu thuật, chữa trị, phục hồi cho các ca chấn thương của cầu thủ. Quyền lợi là họ có thể biến nó thành một cơ hội kinh doanh, giống như Manchester United ký hợp đồng với công ty bảo hiểm của Mỹ AON, để vừa được tài trợ, vừa được cung cấp dịch vụ bảo hiểm miễn phí.

+ Sự hài lòng của các CLB chỉ cho thấy sự yếu kém của họ, trong khi như ông nói nó là cơ hội kinh doanh. VPF nói rằng họ đã đi học, khảo sát ở rất nhiều nơi. Nhưng tôi có quyền nghi ngờ những cái chuyến đi kiểu này của họ.

+ Thực ra, kiếm được cơ hội kinh doanh với các hãng bảo hiểm cũng không phải là dễ với mọi CLB. Nhưng bảo hiểm cầu thủ khi chấn thương của bóng đá chuyên nghiệp không chỉ là bảo hiểm y tế. Các hãng bảo hiểm ở châu Âu còn bán cho CLB cả dịch vụ trả tiền lương cho cầu thủ trong thời gian chữa trị chấn thương. Đây là vấn đề VPF không thể tự làm, mà các CLB phải giải quyết, phải mua được dịch vụ đó từ các hãng bảo hiểm.

Chấn thương của các cầu thủ khi thi đấu là nỗi lo lớn với các CLB. Ảnh: Phạm Tuân
Chấn thương của các cầu thủ khi thi đấu là nỗi lo lớn với các CLB. Ảnh: Phạm Tuân

+ Cái kiểu phân phối bảo hiểm này hình như mang dáng dấp của bóng đá bao cấp.

+ Cách làm hiện tại của VPF là sự trở lại với mô hình họ đã làm cách nay 14 năm. Đó là thời điểm V-League chuyển sang bán chuyên nghiệp và có tài trợ. VFF mà lúc ấy là ông Phạm Ngọc Viễn đã kiếm được mấy tỉ đồng từ Strata và sau đó chia đều cho các CLB. 14 năm trước, đó là bước đi nền tảng, và tất yếu, và nó cách làm ấy bị khai tử sớm vì các CLB tự tìm kiếm tài trợ hiệu quả hơn và nó mới thực là bóng đá chuyên nghiệp.

Nhưng tôi cũng không bất ngờ, vì bảo hiểm không phải ví dụ duy nhất của việc VPF đang quản lý các giải đấu Việt Nam theo chuẩn bao cấp. Cái đáng nói nhất ở đây là bản quyền truyền hình. Tiền bản quyền truyền hình đang được gọi với một cái tên khác, mỹ miều hơn, là tiền hỗ trợ các CLB, trong đó bao gồm tiền bản quyền truyền hình và tiền tài trợ của giải.

+ Nhưng VPF luôn nói rằng họ không có bản quyền truyền hình.

+ VPF nói rằng hiện không có bản quyền truyền hình V-League chỉ là xảo ngôn. Việc các nhà tài trợ cho V-League trả cho VPF một khoản tiền, rồi sau đó VPF quy đổi nó ra thành các clip quảng cáo và đem các clip này tới các đài truyền hình phát sóng và đổi lại, các đài có quyền sản xuất và phát sóng các trận đấu. VPF cũng nói rằng, bản quyền truyền hình chỉ có thể có khi VPF tự sản xuất được hình trận đấu và cung cấp hình ảnh sạch cho các đài. Thực ra hiện nay cũng là mô hình, VPF đang thuê các đài sản xuất, bởi chi phí ấy các đài cũng tính vào giá mua-bán bản quyền.

+ Vậy tư duy và cách quản lý bao cấp hiện tại này sẽ mang lại những nguy cơ gì?

+ Không phải là sẽ. Mà các hậu quả của nó đã xảy ra rồi. Việc VPF chia miếng bánh truyền hình ra, gộp chung trong tiền hỗ trợ giải, và mức hỗ trợ cuối cùng phụ thuộc vào vị trí xếp hạng, số lượng thẻ phạt, số lần vi phạm quy chế tổ chức giải, trận đấu đã triệt tiêu động lực "lên sóng" của các CLB. Hình thức cào bằng này khiến cho một CLB như Hải Phòng cũng giống với HAGL dù cho số lần được truyền trực tiếp của hai CLB là khác nhau.

Một CLB kém danh tiếng, kém sức hút truyền thông sẽ ỉ lại, vì họ trước sau cũng nhận được ngần ấy tiền hỗ trợ. Chỉ có sự chênh lệch về thứ hạng mới tạo ra đôi chút khác biệt, và là quá nhỏ bé so với số tiền thưởng thực mà các CLB phải bỏ ra cho các cầu thủ. Còn với vấn đề bảo hiểm chấn thương, VPF đầu tư khoản này sẽ bị hiểu là họ giải quyết hậu quả các hành vi phi thể thao trên sân, họ gánh hộ sự thiếu trách nhiệm của một số CLB trong việc thực thi trách nhiệm với người lao động của mình.

Hẳn là không phải ngẫu nhiên khi mà cuộc đua vô địch ở V-League lại không gay cấn và nhiều tranh luận bằng cuộc đua giữa các Hội CĐV xem ai máu lửa mà đúng luật nhất. Tôi lấy làm ngạc nhiên là VPF đã có một Tổng giám đốc mới, một người được nói rằng là trẻ và hiện đại như Cao Văn Chóng mà lại gật đầu với phương án bao cấp bảo hiểm cho các cầu thủ.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast