10 sự kiện thể thao năm 2009

Thể thao Việt Nam thành công với SEA Games và Asian Indoor Games, nhưng vầng hào quang vẫn khuyết ánh vàng của huy chương bóng đá nam. Thế giới cũng sôi động với những bất ngờ và các kỷ lục hiếm có.

Dưới đây là các sự kiện thể thao nổi bật, theo đánh giá của VnExpress.net:

SEA Games thành công của Việt Nam

Việt Nam đã có kỳ Đại hội thành công nhất khi thi đấu ở nước ngoài, với vị trí thứ nhì cùng 83 HC vàng, chỉ kém Thái Lan 3 tấm. Thành tích ấy vượt xa các kỳ mà Việt Nam xếp thứ ba năm 2007 ở Thái Lan (64 HC vàng) hay năm 2005 ở Philippines (71 HC vàng), và chỉ kém lần chúng ta là chủ nhà năm 2003 (dẫn đầu với 158 HC vàng). Chỉ tiêu đề ra là giành hơn 70 HC vàng và có mặt trong top 3.

SEA Games 25 ghi nhận thành công của Việt Nam ở nhiều môn thi đấu Olympic, như điền kinh, bơi, cử tạ..., khi một số VĐV giành HC vàng đồng thời phá kỷ lục quốc gia và SEA Games. Bóng bàn cũng gây bất ngờ khi Kiến Quốc - Quang Linh đoạt HC vàng đôi nam, khiến Singapore với nhiều tay vợt nhập khẩu từ Trung Quốc không thể giành trọn bộ HC vàng các nội dung.

Niềm vui trọn vẹn nếu đội bóng đá nam giành HC vàng, và một số tên tuổi lớn không gây thất vọng: Anh Tuấn (cử tạ, đương kim á quân Olympic), Tiến Minh (cầu lông, vị trí thứ 7 thế giới) đều trắng tay trước các đối thủ bị đánh giá kém hơn.

Đình Cương đoạt cú đúp HC vàng chạy 800 m và 1.500 m. Ảnh: An Nhơn.

Đình Cương đoạt cú đúp HC vàng chạy 800 m và 1.500 m. Ảnh: An Nhơn.

Việt Nam tổ chức thành công Asian Indoor Games 3

Với 42 HC vàng, Việt Nam bất ngờ giành vị trí thứ nhì sau Trung Quốc (48 HC vàng), và đứng trên các cường quốc thể thao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran..., dù chỉ tiêu ban đầu chỉ là có mặt trong top 8.

Thành tích ở sân chơi này không thể khẳng định thể thao Việt Nam đã vươn lên nhóm đầu châu lục, nhưng giúp các VĐV của chúng ta có thêm trải nghiệm quan trọng, cải thiện bản lĩnh thi đấu và là bước đệm để nhiều VĐV giành kết quả tốt ở SEA Games 25 vừa kết thúc.

Lễ khai mạc AIG trên sân Mỹ Đình. Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần này có sự tham gia của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, diễn ra trong 10 ngày ở Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hạ Long và Bắc Ninh. Ảnh: Khôi Ngô.

Lễ khai mạc AIG trên sân Mỹ Đình. Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần này có sự tham gia của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, diễn ra trong 10 ngày ở Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hạ Long và Bắc Ninh. Ảnh: Khôi Ngô.

Thành công về mặt tổ chức Asian Indoor Games ở Hà Nội và TP HCM cũng giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong chiến dịch vận động đăng cai ASIAD (Đại hội thể thao châu Á) 2019.

Việt Nam lại tan giấc mộng vàng bóng đá nam

Nhiều cầu thủ gục xuống sân quốc gia Lào trong nước mắt sau thất bại bất ngờ ở chung kết. Rất đông người hâm mộ trực tiếp tới Vientiane và ở quê nhà thêm một lần tê tái. Chưa khi nào Việt Nam có cơ hội lớn như tại SEA Games 25 để lần đầu tiên đoạt HC vàng bóng đá nam sau 50 năm đợi chờ.

Đội vượt qua vòng bảng với vị trí thứ nhất, được giới chuyên môn cũng như báo chí khu vực đánh giá cao nhất cả về tinh thần chiến đấu lẫn lối chơi, và có HLV Calisto được mệnh danh "Phù thủy". Ứng viên số một Thái Lan thì bất ngờ không có vé vào bán kết sau 8 kỳ liên tiếp vô địch. Đối thủ ở trận chung kết là Malaysia đã thua 1-3 tại vòng bảng.

Nhưng các cầu thủ Việt Nam sau khi đại thắng Singapore tới 4-1 ở bán kết đã bước vào trận tranh HC vàng với hình ảnh nhạt nhòa tới mức khó hiểu. Đội thua 0-1 trong cuộc đọ sức mà Malaysia xứng đáng thắng, chứ không phải vì thiếu may mắn hay trọng tài có vấn đề, vì lỗi của cả hệ thống chứ không chỉ do cú đá phản của Xuân Hợp vào phút cuối hay thủ môn Tấn Trường phải thi đấu với vai trái chấn thương. Việt Nam đã có màn trình diễn tệ nhất ở trận đấu quan trọng nhất, kém đối thủ về nhiệt huyết thi đấu, sự tập trung và khả năng điều chỉnh chiến thuật.

HLV Calisto nhấn mạnh nguyên nhân chính trong thất bại ở chung kết là điểm yếu tâm lý nơi các cầu thủ. Nhưng chính HLV người Bồ Đào Nha cũng bị sức ép tâm lý ở cuộc đấu quyết định, dẫn tới một số sai lầm khi chọn người cho đội hình xuất phát, thay người và ứng biến với cách đá của đối thủ.

Thêm một lần người hâm mộ phải nối dài sự chờ đợi đã kéo dài vài thập kỷ.

Chỉ có những giọt nước mắt đắng cay cho giấc mơ HC vàng. Ảnh: An Nhơn.

Chỉ có những giọt nước mắt đắng cay cho giấc mơ HC vàng. Ảnh: An Nhơn.

Đà Nẵng lần đầu đăng quang V-League

Cơn khát danh hiệu của đội bóng Sông Hàn chấm dứt vào mùa hè 2009 sau nhiều năm để hụt chức vô địch V-League, dù luôn được đầu tư rất mạnh để thi đấu với binh hùng và tướng giỏi. Trong 6 mùa giải liên tiếp trước đó, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An rồi Bình Dương thay nhau mỗi đội đăng quang hai lần.

Thủ quân Phước Vĩnh trong ngày vui của Đà Nẵng. Ảnh: An Nhơn.

Thủ quân Phước Vĩnh trong ngày vui của Đà Nẵng. Ảnh: An Nhơn.

Ở mùa giải năm nay với đội hình đồng đều cả ngoại binh lẫn cầu thủ nội, Đà Nẵng đã giành ngôi vô địch sớm 3 vòng đấu và hơn đội á quân Bình Dương tới 7 điểm. Đây mới là lần đầu tiên họ vô địch quốc gia sau 17 năm. Còn Huỳnh Đức trở thành HLV trẻ nhất đưa một CLB tới chức vô địch V-League. Không lâu sau đó, họ hoàn tất cú đúp với chiếc Cup quốc gia.

Trong thành công của Đà Nẵng có sự đóng góp lớn của những cầu thủ mới trở lại sau thời gian bị treo giò vì dính tiêu cực ở SEA Games 23 là Phước Vĩnh, Hải Lâm, Quốc Anh. Những cầu thủ ngoại cũng đều thi đấu nổi bật. Trong số 48 bàn thắng của đội, chân sút Merlo Gaston đóng góp tới 15, qua đó chia sẻ ngôi Vua phá lưới với Lazaro (đội Quân khu 4). Đà Nẵng bùng nổ mùa này một phần cũng nhờ các ứng viên như Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương bất ngờ suy yếu.

CLB Việt Nam đầu tiên vào bán kết AFC Cup

Bình Dương đã góp phần làm rạng danh bóng đá Việt Nam khi xuất sắc vào tới bán kết giải đấu cấp châu lục - Cup C2 châu Á.

Bình Dương (vô địch V-League 2008) và HN.ACB (đoạt Cup quốc gia 2008) là hai đại diện của Việt Nam được thi đấu tại AFC Cup năm nay. Trái với thất bại ngay từ vòng bảng của đội bóng thủ đô, Bình Dương với dàn sao nội và ngoại hàng đầu quốc gia như Vũ Phong, Như Thành, Philani, Kesley... đã chơi tưng bừng ở bảng H gồm có Home United (Singapore),Valencia (Mandives), Điện Lực Thái Lan để có mặt ở vòng 16 đội với tư cách nhất bảng.

Bình Dương (đỏ) đã thi đấu tưng bừng ở AFC Cup 2009. Ảnh: An Nhơn.

Bình Dương (đỏ) đã thi đấu tưng bừng ở AFC Cup 2009. Ảnh: An Nhơn.

Ở vòng 1/8, Bình Dương đè bẹp Kedah của Malaysia với tỷ số 8-2 trên sân Gò Đậu (chỉ thi đấu một lượt). Tại tứ kết, đội bóng từng hai năm liên tiếp vô địch V-League tiếp tục chơi ấn tượng khi vượt qua CLB Chonburi của Thái Lan, do cựu danh thủ Kiatisuk dẫn dắt, với tỷ số 4-2 sau hai lượt trận để hiên ngang vào bán kết. Thầy trò HLV Mai Đức Chung tiếp tục khiến người hâm mộ Bình Dương ngất ngây khi chơi bốc lửa ở trận lượt đi bán kết trước CLB mạnh Al Kamarah của Syria và thắng 2-1. Nhưng một tuần sau đó, họ phải dừng cuộc đua khi đại diện Tây Á thể hiện sức mạnh trên sân nhà bằng kết quả 3-0.

Roger Federer trở lại vị trí ông hoàng làng quần vợt

Sau năm 2008 để Nadal vùng lên soán ngôi số một thế giới, “Tàu tốc hành” Thụy Sĩ đã giành lại đỉnh cao cùng mùa giải có nhiều sự kiện đáng nhớ. Federer lần đầu tiên đăng quang tại Pháp mở rộng, nhờ đó trở thành người thứ sáu có trọn bộ 4 danh hiệu cao quý Grand Slam. Sau đó anh vô địch Wimbledon để giành tổng cộng 15 Grand Slam, vượt qua kỷ lục của đàn anh Pete Sampras.

Tay vợt 28 tuổi cũng giành ngôi á quân ở Australia Mở rộng và Mỹ Mở rộng, giúp đội tuyển Thụy Sĩ giành quyền tham dự Davis Cup năm sau. Nhờ đó anh lần thứ 5 được Liên đoàn quần vợt thế giới vinh danh là tay vợt nam số một của năm. Niềm vui trọn vẹn khi Roger Federer được bình chọn là tay vợt số một của thập kỷ qua.

Thời của Federer chưa hết. Ảnh: AP.

Thời của Federer chưa hết. Ảnh: AP.

Barca ẵm trọn bộ sáu danh hiệu

Thành công của Barca trong năm nay - đoạt Champions League, chức vô địch Tây Ban Nha, Cup Nhà vua, Siêu Cup Tây Ban Nha, Siêu Cup châu Âu và FIFA Club World Cup - là chiến tích chưa có CLB nào đạt được trong lịch sử.

Trước mùa bóng 2008-2009, hai ngôi sao sáng Ronaldinho, Deco và cựu HLV Frank Rijkaard lần lượt ra đi, trong lúc nhà cầm quân mới - Pep Guardiola - chưa có thời gian huấn luyện đỉnh cao. Nhưng chỉ sau một năm, sự ngờ vực của giới chuyên môn và người hâm mộ đã phải nhường chỗ cho sự ngạc nhiên xen lẫn thán phục. Barca liên tiếp vô địch ở cả sáu giải đấu tham dự. Họ trở thành đội bóng đầu tiên của Tây Ban Nha lập cú ăn ba danh hiệu lớn trong một mùa bóng và là đội thứ tư tại châu Âu làm được thế, sau Glasgow Celtic (Scotland, năm 1967), PSV (Hà Lan, 1988) và MU (Anh, 1999).

Thành công của Barca gắn liền với sự thăng hoa của cá nhân tiền đạo Lionel Messi. Ngôi sao người Argentina ghi hơn 50 bàn thắng cho CLB ở mùa giải vừa qua, và nhờ đó anh được trao danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu và giải Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA.

Messi (áo cam) và Barca trải qua mùa giải như mơ. Ảnh: AP.

Messi (áo cam) và Barca trải qua mùa giải như mơ. Ảnh: AP.

Button và Brawn GP gây bất ngờ lớn tại F1 2009

Lão tướng Jenson Button qua mặt các tài năng Massa, Hamilton, Raikkonen để đoạt chức vô địch F1 thế giới lần đầu tiên, sớm một chặng đua. Đội Brawn GP (tiền thân là Honda) của anh cũng đăng quang trước một Grand Prix.

Trước khi mùa đua năm nay diễn ra, nếu ai đó nhận định về kết quả như trên thì hẳn sẽ nhận được những nụ cười chế nhạo. Tay lái người Anh vốn chưa bao giờ được đánh giá cao về tài năng, và thua xa đàn em đồng hương Lewis Hamilton. Trong khi đó Brawn GP chỉ mới hồi sinh sau khi tiếp quản đội Honda. Nhưng Button sớm bứt phá với phong độ ấn tượng, khi chiến thắng 6 trong số 7 chặng đầu mùa nhờ chiếc xe hoạt động tuyệt vời (ông chủ Ross Brawn từng là kỹ sư trưởng của đội Ferrari). Từ cuối tháng 6 đến khi hết mùa giải vào đầu tháng 11, anh không một lần về nhất nữa, song tay lái này cũng cho thấy bản lĩnh kiếm thêm những điểm quan trọng đúng vào thời điểm cần thiết nhất.

Jenson Button mùa tới sẽ đua cho đội McLaren. Ảnh: AP.

Jenson Button mùa tới sẽ đua cho đội McLaren. Ảnh: AP.

Button trở thành người Anh thứ 10 vô địch thế giới F1, ngay sau đàn em Lewis Hamilton. Lần đầu tiên sau 40 năm, người Anh mới lại vô địch F1 thế giới hai năm liên tiếp.

Real Madrid và chiến dịch tuyển mộ chưa từng có trong lịch sử

80 triệu bảng là khoản phí kỷ lục thế giới mà Real bỏ ra để có Cristiano Ronaldo, theo bản hợp đồng được công bố ngày 11/6. Số tiền đó đã phá kỷ lục được thiết lập trước đó chỉ vài ngày bởi một tân binh khác - Kaka, 56 triệu bảng.

Chủ tịch Perez cũng chi thêm khoản tiền lớn để mua các ngôi sao Xabi Alonso, Arbeloa (từ Liverpool), Benzema (Lyon) và Raul Albiol (Valencia). Tổng cộng sau mùa chuyển nhượng hè, đội chủ sân Bernabeu phải chi khoảng 200 triệu bảng - cũng là kỷ lục tính cho một kỳ chuyển nhượng.

Lý do chủ yếu dẫn đến quyết định chi bạo của Real là thành công lớn của đối thủ kình địch Barca trong năm 2009 (giành 6 danh hiệu). Sau khi trở lại chiếc ghế chủ tịch, ông trùm Florentino Perez đã hứa sẽ làm mọi cách có thể để lật đổ sự thống trị của Barca. Nhưng sau 15 vòng đấu mùa hiện tại, Real vẫn kém đội dẫn đầu 2 điểm tại giải Vô địch Tây Ban Nha.

Sân Bernabeu như vỡ tung trong ngày Ronaldo ra mắt. Ảnh: AP.

Sân Bernabeu như vỡ tung trong ngày Ronaldo ra mắt. Ảnh: AP.

Usain Bolt - tia chớp trên đường chạy tốc độ

Thế giới điền kinh ngỡ ngàng khi Bolt phá sâu kỷ lục chạy 100 m của chính anh với thành tích 9 giây 58 tại giải vô địch thế giới ở Berlin (Đức) hồi tháng 8, sau khi đã đạt kỳ tích 9 giây 69 tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Vận động viên người Jamaica đã thách thức mọi dự đoán về giới hạn tốc độ chạy, khi các nhà khoa học từng quả quyết con người không thể chạy 100 mét nhanh hơn 9 giây 70.

Siêu sao 23 tuổi này còn phá kỷ lục chạy 200 m với thành tích 19 giây 19, vượt xa mốc 19 giây 30 giúp anh đoạt HC vàng Thế vận hội Bắc Kinh.

Usain Bolt hiện giờ không có đối thủ ở cự ly ngắn. Ảnh: AP.

Usain Bolt hiện giờ không có đối thủ ở cự ly ngắn. Ảnh: AP.

VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast