Án phạt của Công Vinh: Anh nông dân và ngài Bộ trưởng

Chuyện Công Vinh gợi nên rất nhiều suy nghĩ. Đây không phải là tình huống Công Vinh đứng về một phía, và chúng ta đứng bên phía đối diện. Thật ra, tất cả chúng ta cùng đứng bên nhau, để tìm ra cách hành xử trong bóng đá nói chung. Trường hợp Công Vinh chỉ là một cái cớ để suy nghĩ cặn kẽ hơn về một chủ đề.

"Hành động của Công Vinh là phản cảm"

1. Hãy thử tưởng tượng ra một tình huống: ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và một anh nông dân cùng lái xe, và cùng vi phạm một điều luật nào đó, như vượt đèn đỏ chẳng hạn. Khi đó, mức phạt dành cho hai người chắc là sẽ như nhau, chứ ông Bộ trưởng sẽ không phải nộp phạt nhiều hơn do cái vị trí mà ông đang đảm trách. Nhưng sự chỉ trích mà dư luận dành cho ông sẽ nhiều hơn, nặng nề và khắc nghiệt hơn (xin lỗi vì giả định này).

Công Vinh đang hối hận về những gì đã gây ra. (Ảnh: VSI)

Công Vinh đang hối hận về những gì đã gây ra. (Ảnh: VSI)


Tương tự, lỗi vái lạy trọng tài thì với cầu thủ nào cũng thế, xét về mặt pháp lý. Nhưng khi chuyển sang đạo lý, thì với cương vị của mình, Công Vinh sẽ chịu gánh nặng lớn hơn gấp nhiều lần từ công luận. Vì vị trí của Vinh cao hơn, vì tầm ảnh hưởng của Vinh lớn hơn, vì mức độ nổi tiếng của Vinh nhiều hơn.

Nêu lên ví dụ này để nói rằng, Vinh đừng nghĩ dư luận chưa thật công bằng với mình. Dư luận rất khắt khe, cũng một phần vì mến yêu Vinh và hy vọng ở Vinh rất nhiều, chứ không hề ghét bỏ hay ruồng rẫy. Và cũng để nói rằng, khi đưa ra mức phạt, chỉ nên dựa vào pháp lý. Đừng vì Vinh là ngôi sao, là tuyển thủ có đẳng cấp cao mà phải chịu một hình phạt cao hơn những cầu thủ khác. Phần còn lại, đạo lý sẽ làm đúng vai trò của nó.

2. Nếu có một ước ao, xin ước rằng lúc này Vinh có một nhà quản lý đích thực ở bên mình. Với các cầu thủ chuyên nghiệp, nhất là những cầu thủ đã nổi tiếng dạng ngôi sao, thường trên thế giới luôn có một manager đi kèm. Nhà quản lý sẽ giúp cầu thủ xử lý muôn vàn tình huống phức tạp trong cuộc đời, như tình huống mà Vinh đang gánh chịu. Chỉ cầu thủ không thôi, chì chắc chắn không giải quyết nổi.

Nhà quản lý nếu có ấy, chắc sẽ khuyên Vinh: đừng nên nói gì vào lúc này. Vinh đang ở trạng thái bức xúc, không thể giữ được bình tĩnh, và nếu nói gì bây giờ thì cũng dễ dại dột, hàm hồ, thậm chí rơi vào tình huống khó quay trở lại. Có lẽ các nhà lãnh đạo HN.T&T nên làm nhiệm vụ ấy.

Với bạn đọc, nếu có đọc những phát biểu của Vinh bây giờ, và gặp phải điều gì đó chưa thỏa đáng, thì cũng nên thông cảm cho Vinh. Bức thư xin lỗi của Vinh là bước đầu cho một nhận thức. Trong sự tĩnh lặng, Vinh hãy nhân dịp này đi sâu thêm, đi suốt qua những nhận thức về cuộc đời cầu thủ, về vị trí và trách nhiệm của một ngôi sao. Chắc rồi Vinh sẽ hiểu, dù không dễ, sau này sẽ phải sống thế nào và làm gì.

Để rồi, sau tĩnh lặng suy nghĩ đến mức chín chắn ấy, Vinh sẽ lại ra sân, và sẽ lấy lại niềm tin yêu của người hâm mộ. Như chặng đầu giải ĐNÁ năm nào, Vinh đã chơi rất tệ, nhưng rồi kết thúc bằng bàn thắng đem lại ngôi vua cho BĐVN. Nếu Vinh thực tâm “chạy lại”, tất cả sẽ lại mở lòng.

3. Chúng ta thấy: trường hợp Công Vinh là đỉnh điểm, nhưng không phải là cá biệt. Molina chết do dùng ma túy quá liều. Quang Huy và Aniekan đấu võ thực sự trên sân Ninh Bình. Một cầu thủ đáng yêu như Thành Lương cũng đã sớm nhận thẻ đỏ. Trận HN.T&T - SHB.ĐN trên sân Hàng Đẫy, hầu như cứ trọng tài thổi phạt là Thanh Hưng phản ứng, giống như Thái Dương bỗng nhiên nóng nảy ở HA.GL - một đội bóng nhiều năm chơi đẹp bây giờ hay ăn vạ và câu giờ một cách kỳ lạ… Sức ép của tiền bạc, sức ép dành thắng lợi, những uẩn khúc chưa được giải tỏa trong cuộc sống thường ngày, sự cám dỗ từ thế giới bên ngoài… đã trở nên quá sức chịu đựng chăng?

Mong là Công Vinh sẽ lại được trao cơ hội sửa chữa sai lầm và đóng góp cho ĐTQG Việt Nam. (Ảnh: VSI)

Mong là Công Vinh sẽ lại được trao cơ hội sửa chữa sai lầm và đóng góp cho ĐTQG Việt Nam. (Ảnh: VSI)


Bóng đá là môi trường hành nghề đặc thù. Lao lực. Căng thẳng. Dễ chấn thương. Nhiều tiền. Nổi tiếng. Vô vàn cám dỗ. Con người ta sẽ sống và hành xử thế nào trong hoàn cảnh ấy? Ai lo chuyện này? Trong đội bóng, không có HLV thể lực, thiếu phương tiện chăm sóc sức khỏe, ít chú ý đến khía cạnh tâm lý. Cầu thủ trẻ làm sao đủ sức vượt qua những ghềnh thác trong cả chặng đường rất dài, lại thường xuyên làm việc trong trạng thái quá tải cả về sinh lý lẫn tâm lý và cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên, mà chúng ta đã có những trường hợp đáng tiếc của Văn Quyến, Quốc Vượng, Như Thành, Quốc Anh… Tổ chức và cấu trúc các CLB bóng đá, và ngay cả ở LĐBĐ đã không tạo đủ tiền đề cho công tác chăm sóc và giáo dục cầu thủ.

Báo chí có đăng lời một quan chức bóng đá nói rằng, rất dễ dàng và nhanh chóng đưa ra mức kỷ luật dành cho Công Vinh. Có thể báo chí chưa tải hết ý của ông. Vì chúng ta còn nợ bóng đá rất nhiều. Những sai lầm của cầu thủ đều bộc lộ phần nào thiếu sót trong cả hệ thống. Chúng ta đã đổ rất nhiều tiền vào bóng đá, nhưng chúng ta chưa chú tâm xây dựng đủ nền tảng cho sự phát triển. Cầu thủ được đào tạo về đá bóng, nhưng còn kỹ năng sống, đạo lý con người thì có lẽ chúng ta vẫn còn coi nhẹ.

4. Không rõ từ lúc nào, trên mặt báo xuất hiện ký hiệu CV9. Để chỉ Công Vinh, giống như CR9 dành cho Ronaldo. Đấy là mây xanh, mà đấy cũng là vực thẳm. Vừng hào quang nào mà chẳng đi kèm hiểm nguy. Vì càng lên cao thì lại càng chênh vênh. Cho nên có lời khuyên chung dành cho những người thành đạt, những người nổi tiếng: hãy đứng vững trên mặt đất.

Những bài báo ngợi ca, những phóng sự truyền hình không phải là mặt đất. Đối với cầu thủ và HLV bóng đá ở nhiều nước, có hẳn một môn học về cách thức ứng xử với truyền thông và trong truyền thông. Chuyện gì nên kể, chuyện gì thì không. Ảnh nào là cho quảng bá, ảnh nào nên giữ cho riêng mình. Lại còn phong tục mỗi nước mỗi khác. Là người của công chúng, có mối lợi trăm bề, nhưng như luật bù trừ, lại có những yêu cầu khắc nghiệt. Mà một nét điển hình: nếu anh đã nổi tiếng, thì anh mất tự do, thậm chí mất cả riêng tư. Phải chấp nhận thôi, và đừng phàn nàn hay oán than. Đấy là mệnh, là nghiệp.

Có hai cách sống đối lập: hoặc là rất nổi tiếng, hoặc là chẳng ai biết đến mình. Đừng nghĩ rằng chỉ nổi tiếng mới là hay, nhưng khi đã nổi tiếng rồi thì lại buộc phải sống theo quy tắc dành cho những người đã thuộc về đại chúng.

5. Có một câu hỏi rất cụ thể: cấm 6 trận là nhiều hay ít, là nặng hay nhẹ? Nhưng muốn nói ít nhiều, nặng nhẹ thì phải có một cái chuẩn để mà so sánh. Có những điều luật, có nhiều cách diễn giải. Xin nêu một nhận xét cụ thể. 6 trận, ở Việt Nam ta là gần 1/4 mùa giải. Vì giải ở ta chỉ có 26 trận thôi. Cho nên cấm 6 trận ở Việt Nam khác cấm 6 trận ở Anh, nơi giải vô địch gồm những 40 vòng đấu. Như vậy, 6 trận là nhiều, là nặng đấy chứ?

Lại nói rằng, với trường hợp Công Vinh, chỉ có tình tiết tăng nặng chứ không có tình tiết giảm nhẹ. Chưa rõ nhận thức thực tế của Vinh sâu sắc đến đâu, nhưng lá thư xin lỗi Vinh gửi người hâm mộ, hành động xin lỗi trực tiếp với trọng tài Vũ Bảo Linh, tự xin thôi chức thủ quân HN.T&T chả nhẽ không đáng xem là sự hối hận, hay chí ít là biết sai, biết sợ?

HN.T&T có thể phạt Công Vinh nặng hơn nữa, vì sự thiệt hai mà anh đã gây ra cho CLB. Nhưng với VFF, thế nào là vừa phải?

Nguồn: VTC News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast