HLV Park Hang Seo: "Bóng đá Việt Nam sẽ có cơ hội thoả mộng World Cup nếu tất cả đồng lòng"

Trả lời phỏng vấn Thethaovanhoa.vn, HLV Park Hang Seo tỏ ra rất hứng thú với câu hỏi “đội tuyển U23 Việt Nam hiện tại có bao nhiêu cơ hội vượt qua vòng loại World Cup 2022, hoặc ít nhất là lọt tới vòng loại cuối cùng như đội tuyển Thái Lan vừa qua”, và ông Park tiết lộ rằng không thể đếm được bao nhiêu lần ông nhận được cách đặt vấn đề như thế này.

HLV Park Hang Seo: Bóng đá Việt Nam sẽ có cơ hội thoả mộng World Cup nếu tất cả đồng lòng

*Thưa ông, ông có thể chia sẻ một kỷ niệm ngọt ngào về World Cup 2002, khi ông là trợ lý trong BHL đội tuyển Hàn Quốc của HLV Guus Hiddink?

- Ở World Cup 2002 tôi có rất nhiều kỷ niệm ngọt ngào. Trong thời gian đầu dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc thì HLV Guus Hiddink liên tục phải nhận thất bại với tỷ số 0-5 nên truyền thông Hàn Quốc lúc ấy đặt biệt danh cho ông Hiddink là “Mr 5-0”.

HLV Hiddink huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc trong khoảng 24 tháng thì có tới 20 tháng đầu tiên là quãng thời gian cực kỳ khó khăn, vì ông ấy liên tục phải đối mặt với chỉ trích nặng nề từ truyền thông, kéo dài như vậy trong suốt 20 tháng.

Cùng lúc đó, HLV Hiddink luôn luôn động viên và khích lệ tinh thần cầu thủ. Ông nói với các cầu thủ Hàn Quốc rằng quá trình chuẩn bị của chúng ta đang đi đúng hướng, hãy cứ tập trung vào công việc của mình, đừng để ý tới những lời chỉ trích từ bên ngoài, đừng có ý định buông xuôi hay bỏ cuộc, cứ tiếp tục những gì mà chúng ta đã lựa chọn. Chúng ta nên tiếp tục giữ vững tinh thần và ý chí này để chuẩn bị cho World Cup.

Tuy nhiên, đến khi đội tuyển Hàn Quốc bắt đầu vượt qua vòng bảng, vòng 1/8 rồi tứ kết thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, chúng tôi bỗng nhiên được yêu mến và ca ngợi ở mức độ không sao có thể tin nổi.

Sau 2 năm làm việc với ông Hiddink thì tôi thấy rằng kết quả của một đội bóng vẫn là điều quan trọng nhất, còn quá trình dẫn tới kết quả ấy như thế nào thì không quan trọng.

* Ông có thể lý giải về lý do dẫn tới thành công của đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002?

- Theo tôi có 3 lý do dẫn tới thành công của đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002.

Lý do đầu tiên là đội tuyển Hàn Quốc được dẫn dắt bởi một HLV tài năng, và không chỉ tài năng ở khía cạnh bóng đá mà còn bởi nhiều yếu tố khác nữa. Mặc dù bị giới truyền thông và người hâm mộ Hàn Quốc đặt cho biệt danh “Mr 5-0” nhưng trong nội bộ đội tuyển Hàn Quốc HLV Hiddink vẫn tạo dựng được niềm tin rất lớn với cầu thủ nhờ phương pháp làm việc hiệu quả của ông.

HLV Park Hang Seo: Bóng đá Việt Nam sẽ có cơ hội thoả mộng World Cup nếu tất cả đồng lòng

HLV Park khi còn làm trợ lý cho HLV Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc.

Nhờ sự tin tưởng dành cho HLV Hiddink mà toàn đội mới có thể vượt qua khó khăn ở giai đoạn chuẩn bị để hướng về phía trước.

Lý do thứ hai là chúng tôi có thời gian đủ dài để chuẩn bị cho World Cup 2002, và chúng tôi lại có lợi thế được thi đấu trên sân nhà, nơi mà chúng tôi đã rất quen thuộc với tất cả mọi thứ.

Lý do thứ ba là bản thân các cầu thủ Hàn Quốc cũng đã xác định mục tiêu cho mình rất rõ ràng là lọt vào vòng 16 đội nên toàn đội đã làm tất cả để hiện thực hoá mục tiêu của mình.

* Với HLV Hiddink thì khó khăn đến trước rồi gặt hái thành quả sau, còn ông Park thì ngược lại, vậy nếu không may có vài trận đấu kết quả kém như ý thì ông sẽ ứng xử như thế nào?

- Trường hợp của tôi và ông Hiddink khác nhau rất xa, ông ấy đạt được thành công rực rỡ với đội tuyển Hàn Quốc rồi nói lời chia tay, còn tôi sau giải U23 châu Á vẫn còn hợp đồng dài hạn với VFF, và áp lực trong tương lai với tôi là rất lớn, vì người hâm mộ Việt Nam rất yêu bóng đá và dành nhiều sự kỳ vọng cho ĐTQG.

Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực là một phần tất yếu trong cuộc đời của mỗi HLV bóng đá, không thể tránh khỏi áp lực nên tôi sẽ chấp nhận chung sống với nó. Vì thế, lúc nào tôi cũng sẽ ở trong tâm thế như là tôi mới tới Việt Nam lần đầu tiên, chẳng hạn bây giờ tôi vẫn đang chuẩn bị công việc như thể tôi vừa mới nhận chức HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam để chuẩn bị cho các thử thách sắp tới.

* Theo đánh giá của ông thì đội tuyển U23 Việt Nam hiện tại có bao nhiêu cơ hội vượt qua vòng loại World Cup 2022, hoặc ít nhất là lọt tới vòng loại cuối cùng như đội tuyển Thái Lan vừa qua?

- Đây là câu hỏi rất hay và hôm nay tôi muốn trò chuyện thẳng thắn với các bạn về chủ đề này, bởi nói thật là tôi đã rất nhiều lần được hỏi câu này.

Với tư cách là một người nước ngoài, tôi muốn đặt câu hỏi ngược lại với các bạn rằng, liệu tất cả các bạn, bao gồm truyền thông, người hâm mộ và những người làm bóng đá, liệu đã có mục tiêu giành vé tham dự World Cup và các bạn đã sẵn sàng để thực hiện mục tiêu ấy hay chưa.

Nếu các bạn thực sự nghiêm túc với mục tiêu tham dự World Cup thì cần phải bắt đầu quá trình chuẩn bị ngay từ bây giờ, thành công trong bóng đá chỉ đến khi có được sự chung tay của tất cả cộng đồng chứ không chỉ riêng những người làm bóng đá.

Vấn đề mấu chốt của mọi nền bóng đá là hệ thống đào tạo trẻ và nếu muốn hiện thực hóa giấc mơ World Cup thì chúng ta cần phải làm tốt khâu này.

Xin lấy ví dụ, khi tới Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, tôi đã choáng ngợp vì điều kiện cơ sở vật chất tại đây, nó hoàn hảo tới mức tôi chưa từng nhìn thấy một cơ sở như vậy ở bất cứ đâu, kể cả Hàn Quốc và tôi nghĩ Trung tâm PVF đã đạt tới đẳng cấp thế giới.

Tuy thế, chỉ có 180 cầu thủ trẻ Việt Nam có cơ hội tập luyện hàng ngày ở PVF và như vậy là quá ít, cần phải có thêm nhiều Trung tâm PVF như vậy ở Đà Nẵng, ở TP.HCM thì chúng ta mới có nhiều cầu thủ giỏi để lựa chọn, và

Bóng đá Việt Nam hiện tại có những CLB làm rất tốt công tác đào tạo trẻ như Hà Nội FC, HAGL, Viettel nhưng một số CLB thì hoàn toàn không có hệ thống đào tạo trẻ và tôi cực kỳ ngạc nhiên vì điều đó.

Vì thế, theo tôi, muốn hiện thực hóa giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam thì cần phải có sự chung sức đồng lòng của cả Chính phủ, những người làm bóng đá, CĐV và cả truyền thông, chỉ như thế thì chúng ta mới tìm ra giải pháp để thực hiện mục tiêu World Cup.

* Rất nhiều tuyển thủ Việt Nam nói rằng ông là HLV hài hước nhất mà họ từng gặp, và bí quyết của ông là gì khi mà ông kết nối đội bóng trở thành một tập thể thống nhất như vậy?

- Dù là khi làm HLV ở Hàn Quốc cũng như lúc nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thì tôi luôn tâm niệm một điều rằng không hề có khoảng cách nào giữa tôi so với các thành viên khác trong đội bóng.

Khi ở trong sân thì tôi là HLV trưởng, nhưng bên ngoài sân thì tôi có thể là thầy, là cha, là bạn của các cầu thủ, tuỳ vào từng trường hợp khác nhau, nói một cách khác thì tôi đóng vai trò như là một tiền bối, một chuyên gia lớn tuổi với họ.

Trở ngại lớn nhất của tôi ở Việt Nam là không thể trực tiếp giao tiếp với cầu thủ do rào cản ngôn ngữ, nên khi mới tới đây tôi đã đề ra bộ quy tắc ứng xử của đội tuyển về những gì các cầu thủ được làm và những gì họ không được làm rồi yêu cầu mọi người làm theo. Còn sự hài hước mà tôi duy trì ở đội tuyển chính là cách để tôi xoá tan hàng rào ngăn cách về ngôn ngữ giữa tôi với các cầu thủ.

Tôi có thể chia sẻ thêm với các bạn là ở giải U23 châu Á vừa qua danh sách đội tuyển U23 Việt Nam là 32 người, trong đó có 23 cầu thủ, nhưng chỉ có 11 cầu thủ được đá chính và trong số 12 cầu thủ dự bị thì không phải người nào cũng có cơ hội vào sân.

Nhưng nếu không có 12 cầu thủ dự bị ấy thì 11 cầu thủ đá chính sẽ không thể luyện tập, không thể có những màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ. Vì thế sự đồng lòng của tập thể đội bóng là rất quan trọng, không chỉ với 11 cầu thủ đá chính mà cả với 12 cầu thủ dự bị nữa.

Đối với 12 cầu thủ dự bị này thì tôi luôn cố gắng tìm hiểu, cố gắng giao tiếp với họ để họ luôn có cảm giác rằng họ là những người có đóng góp rất quan trọng cho thành công của toàn thể đội bóng.

Triết lý của tôi là mọi cầu thủ đều được tạo cơ hội công bằng như nhau trên sân tập, với yêu cầu tất cả đều phải nỗ lực hết mình, và những người thể hiện tốt nhất sẽ có mặt trong đội hình chính thức, không ai có nhiều cơ hội hơn và cũng không ai có ít cơ hội.

* Theo ông, cơ hội vào chung kết AFF Cup 2018 có phải là mục tiêu khả thi với đội tuyển Việt Nam?

- Mục tiêu của chúng tôi là lọt vào tới chung kết AFF Cup 2018. Hiện tại tôi đang theo dõi V-League để tuyển chọn cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam và tuần trước tôi đã sang Bangkok để theo dõi trận giao hữu giữa đội tuyển Thái Lan với đội tuyển Trung Quốc. Tôi cũng đang tiến hành phân tích các đối thủ cùng bảng với đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 là Lào, Campuchia và Malaysia.

* Theo ông vì sao trình độ của cầu thủ Việt Nam và Thái Lan gần như không có sự chênh lệch nhưng mỗi khi gặp nhau thì cầu thủ Việt Nam lại có tâm lý sợ sệt và tâm lý đó đã khiến các cầu thủ không thể thể hiện khả năng tốt nhất của họ?

- Tôi biết là trong lịch sử đối đầu ở Đông Nam Á thì Việt Nam thua nhiều hơn thắng mỗi khi đối đầu với Thái Lan, nhưng đấy đã là quá khứ. Tôi cũng biết các cầu thủ Việt Nam khi thi đấu với các đội bóng Tây Á như UAE hay Qatar thì rất tự tin, nhưng lúc đá với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan thì lại không được tự tin cho lắm.

Tuy nhiên trong bóng đá chuyện kỵ giơ như vậy cũng nhiều lắm, chẳng hạn Trung Quốc rất ngán Hàn Quốc, còn Hàn Quốc chúng tôi thì không ngại Nhật Bản song lại rất e ngại các đội bóng ở vùng Trung Đông như Iran, Iraq, Qatar...

Vì thế, tôi nghĩ tuỳ vào tình huống cụ thể mà chúng ta thi đấu hết sức với đối thủ, bởi đây là điều thường thấy ở các đội bóng.

* Vậy giải pháp cụ thể của ông là gì?

- Theo tôi có 2 hướng giải pháp. Đầu tiên là chúng ta phải khiến các cầu thủ có tinh thần thi đấu thật tốt, phải cảm thấy tự tin, chỉ khi nào cầu thủ làm được như vậy thì họ mới có thể vượt qua rào cản để thi đấu với đội Thái Lan.

Tôi nhận thấy chiến thắng ở giải U23 châu Á vừa rồi là động lực tâm lý rất lớn cho các cầu thủ và nó có thể phần nào giúp họ giải toả áp lực khi đá với Thái Lan.

Ngoài ra chúng ta cũng cần phải nhờ tới sự hỗ trợ của VFF, chẳng hạn như khi đội tuyển Việt Nam tập trung thì VFF có thể mời về một số chuyên gia tâm lý nói chuyện với các cầu thủ để giải toả sự căng thẳng về tâm lý khi đối đầu với Thái Lan.

Bản thân tôi đã có cuộc khảo sát về tâm lý với các cầu thủ tập luyện ở đội tuyển Việt Nam. Tôi đã phỏng vấn từng cầu thủ với câu hỏi rằng Theo các bạn thì thế nào là tinh thần của cầu thủ Việt Nam và chúng ta có những giá trị gì để chúng ta có thể phát huy thì các cầu thủ trả lời thứ nhất là nếu chúng ta đoàn kết thì sẽ có kết quả tốt, thứ hai là chúng ta có sự tự tin, thứ ba là cầu thủ Việt Nam rất thông minh, thứ tư là cầu thủ Việt Nam không bao giờ biết bỏ cuộc.

Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam còn một ưu điểm nữa mà họ không kể ra nhưng bản thân tôi lại phát hiện được, đấy là khi tôi đưa ra mục tiêu cho cầu thủ thì họ luôn nỗ lực để hoàn thành, dù cho đấy chưa hẳn là những mục tiêu rõ ràng và cũng không dễ để họ làm được điều đó.

Tôi thấy nếu chúng ta có được 5 tố chất này thì chúng ta sẽ giải toả được tâm lý sợ thua khi đối đầu với Thái Lan.

*Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đều đã chốt kế hoạch chuẩn bị cho AFF Cup 2018 và Asian Games 2018. Ông có hài lòng với kế hoạch này không?

Hiện nay thời tiết ở Việt Nam ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, còn mật độ thi đấu ở V-League lại rất cao nên chắc chắn cầu thủ sẽ rất mệt mỏi và dẫn tới những chấn thương không mong muốn. Bản thân đội tuyển U23 Việt Nam bây giờ cũng đang có một số trường hợp cầu thủ bị chấn thương. Vì thế tôi rất mong bản thân các cầu thủ cũng như những thành phần tham gia trận đấu có quyết định chính xác và phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra chấn thương.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast