Ông Lê Hùng Dũng: 'Chủ tịch VFF không phải người đi kiếm tiền'

Đương kim phó chủ tịch VFF đồng thời là một trong hai ứng viên cho vị trí Chủ tịch VFF khóa VII có những chia sẻ cởi mở về kỳ Đại hội tới và hướng đi cho bóng đá Việt Nam.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quyết tâm tranh cử ở Đại hội VII tới. Ảnh: AN.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quyết tâm tranh cử ở Đại hội VII tới. Ảnh: AN.

Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 12 khóa VI diễn ra chiều nay (15/5) tại trụ sở Liên đoàn ở Hà Nội. Hội nghị nghe báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội khóa VII, thảo luận đóng góp ý kiến và thông qua dự thảo nội dung sửa đổi Điều lệ, thông qua dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ VI và phương hướng công tác nhiệm kỳ VII (2013-2017), dự thảo báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành.

Hiện tại, có hai ứng cử viên cho chức danh Chủ tịch là Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải. Hai người này đại diện cho hai quan điểm bầu Chủ tịch VFF, ông Dũng là doanh nhân làm bóng đá lâu năm, còn ông Hải là người của cơ quan quản lý Nhà nước.

Là Phó chủ tịch tài chính VFF 7 năm nay, từng đem về rất nhiều nguồn tài trợ cho bóng đá Việt Nam nhưng ông Dũng có những phát biểu được cho là khá bất ngờ, không tuyệt đối hóa thế mạnh bản thân: “Chủ tịch VFF không phải chỉ là người đi kiếm tiền. Dù rằng tiền cho bóng đá quan trọng nhưng Chủ tịch phải có tầm nhìn dài hạn, xây dựng bóng đá phát triển lên tầm cao, đảm bảo cơ sở vật chất, tổ chức các giải đấu từ phong trào đến chuyên nghiệp. Tóm lại, đó là con người rất toàn diện, không chỉ giỏi việc kiếm tiền. Người chủ tịch phải có năng lực triển khai tổ chức công việc trật tự và bài bản. Bởi kể cả có nguồn tài chính từ ngân sách và nhà tài trợ, tiền cũng phải được đổ vào bóng đá ở những khâu quan trọng nhất”.

Bóng đá Việt Nam vừa được thông qua tầm nhìn phát triển đến năm 2020. Theo ông Dũng, để thực hiện được điều này, phải có mục tiêu phát triển cụ thể trong từng năm. “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam có rồi nhưng chúng ta phải cắt lát ra theo từng năm, từ đó huy động nguồn lực để đầu tư, triển khai, thúc đẩy sự phát triển”, vị Phó chủ tịch VFF cho biết.

Ở kỳ Đại hội trước, ông Nguyễn Trọng Hỷ là ứng cử viên duy nhất để đương nhiên trở thành người chiến thắng. Tuy vậy, sự cạnh tranh diễn ra có vẻ cân bằng và căng thẳng giữa ông Dũng và ông Hải tại Đại hội VII. Dù vậy, ông Dũng khẳng định “không đặt nặng thắng thua hay bằng mọi cách làm Chủ tịch mà mục tiêu là tìm ra một người làm cho bóng đá Việt Nam tốt nhất”.

Điều kiện mới trong việc bầu Chủ tịch ở Đại hội VII bắt buộc các ứng viên phải đưa ra đề án phát triển bóng đá Việt Nam, giúp các đại biểu tham khảo, làm cơ sở cho những phiếu bầu. Ông Dũng khẳng định: “Nếu anh Lê Khánh Hải công bố chương trình phát triển bóng đá Việt Nam quá tuyệt vời, tôi xin tự nguyện làm phó cho anh ấy. Nhưng kế hoạch đó không thuyết phục, kiểu do cơ quan nhà nước ban hành, chắc chắn tôi sẽ công bố chương trình của tôi. Khi đó, Đại hội sẽ quyết định ai làm Chủ tịch”. Theo ông Dũng, không nên quyết liệt chuyện bầu vị trí Chủ tịch, mà cần xây dựng VFF mạnh toàn diện ở mọi vị trí, từ Phó chủ tịch, Tổng thư ký đến việc Ban chấp hành có sức chiến đấu chứ không chỉ tồn tại cho có.

Ông Dũng cũng tiết lộ tháng 9/2012, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ muốn giao lại chức vụ cho mình. "Thời điểm đó tôi không muốn làm Chủ tịch và nhắm một người khác là anh Nguyễn Bá Thanh. Tuy nhiên, phân công của Nhà nước khiến kế hoạch bất thành", ứng viên Chủ tịch VFF nói.

Tại Hội nghị chiều nay, Tiểu ban nhân sự cũng báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội. Tiếp đó, Hội nghị thảo luận và thông qua đề xuất về thể thức bầu cử. Theo đó, 116 đại biểu (63 người có quyền bỏ phiếu) sẽ bầu 23 ủy viên Ban chấp hành, sau đó bầu Chủ tịch, bầu Phó chủ tịch. Vì thế, một trong hai ứng viên Chủ tịch VFF không trúng cử vẫn có quyền ứng cử ở các vị trí bầu cử sau đó.

Thế Ngọc
Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast