Trần Thị Sâm – cô gái vàng của rowing Việt Nam

Hai VĐV Trần Thị Sâm và Phạm Thị Thảo mở hàng HC vàng cho rowing Việt Nam ở nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ. Ngay sau đó, bộ đôi tiếp tục tỏa sáng khi cùng hai đồng đội khác là Phạm Thị Huệ và Phạm Thị Hài về đầu ở nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng.

Sinh ra và lớn lên tại Xuân Lam, Nghi Xuân, ngay từ nhỏ Trần Thị Sâm đã sớm bộc lộ năng khiếu thể thao của mình qua thành tích của những lần tham gia Hội khỏe phù Đổng của trường. Và cũng từ đó, qua rèn luyện và phấn đấu Sâm đã trở thành một tay chèo cừ khôi của đội tuyển đua thuyền Quốc gia và là niềm tự hào của đua thuyền nói chung, thể thao thành tích cao Hà Tĩnh nói riêng.

Trần Thị Sâm, Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Hải nhận HC vàng. Ảnh: Thế Ngọc

Tuổi thơ Sâm gắn với miền quê ven con sông Lam hiền hòa, thơ mộng, và chính những tháng năm nơi vùng sông nước này đã cho Sâm một vóc dáng cao ráo, khỏe mạnh, sải tay dài chắc khỏe – Những tố chất mà ngay từ lần gặp đầu với Sâm, nguyên là HLV trưởng bộ môn Đua thuyền Hà Tĩnh - Võ Văn Hải đã nhận ra và nhanh chóng nhận Sâm vào đổi tuyển đua thuyền trẻ của Hà Tĩnh. Và cũng từ đây Sâm bắt đầu những ngày tháng xa nhà để ra tập trung luyện tập tại CLB đua thuyền Hồ Tây, Hà Nội. Điều bất ngờ là Sâm đến với bộ môn đua thuyền, làm quen với sông nước, sải chèo khi chưa hề biết bơi. Nhưng với năng khiếu thể thao của mình, Sâm sớm vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để thành thục bơi, rồi làm quen với thuyền và bắt đầu tập luyện bộ môn này.

Sâm đã khóc khi kể lại những ngày đầu lúc mới đến với môn thể thao còn nhiều lạ lẫm này. Đó là những lần no nước Hồ Tây vì chưa vững tay chèo, thuyền bị lật, hay những sáng mùa đông khi bình minh chưa kịp hé, bất chấp cái gió rét căm căm của miền Bắc hòa cùng hơi lành của nước hồ sớm mai, cô đã phải cùng đồng đội ra Hồ Tây luyện tập. Là những chiều hè nắng gắt, giữa cái nắng như đổ lửa cô vẫn phải miệt mài luyện tập, sải tay chèo giữa mênh mông gió nước. Dấu ấn của những tháng ngày nhọc nhằn ấy có lẽ hằn in rõ nhất trên làn da rám nắng và đôi bàn tay sần chai của người thiếu nữ còn tuổi đôi mươi.

Thế nhưng khó khăn, vất vả cùng nỗi nhớ nhà và những bận bịu lo toan của cuộc sống xa nhà khi còn quá trẻ đã không hề làm nản chí Sâm. Cô vẫn kiên trì, cần cù luyện tập với những giáo án của các thầy cô đội tuyển. Sâm trưởng thành dần qua những lần thất bại ở các cuộc đua trong nước. Để rồi sau đó những nỗ lực, những cố gắng, say mê của Sâm đã được cô giáo Phạm Ngọc Lan – HLV trưởng bộ môn đua thuyền quốc gia ghi nhận và nhanh chóng phát hiện ra năng khiếu cũng như những nỗ lực của Sâm và đã đưa cô vào đội tuyển đua thuyền Quốc gia Việt Nam. Với sự trìu mến yêu thương, cô Lan đã không tiếc lời khi nhận xét về Sâm: “Gương mẫu, chịu khó trong tập luyện, nỗ lực hết mình trong thi đấu là những phẩm chất đáng quý của vận động viên giàu nghị lực, giàu triển vọng này”

Không phụ lòng tin của các thầy cô, không phụ lòng chính những nỗ lực rèn luyện của bản thân mình, qua những cuộc thi Sâm đã khẳng định mình và năm 2007, tại giải vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan, ở nội dung đua thuyền bốn, Sâm đã xuất sắc dành Huy Chương Vàng cùng đồng đội.

Trần Thị Sâm và Phạm Thị Thảo tại hồ Cipule (Indonesia). Ảnh: Kỳ Lân.

Cũng từ đây, thành công nối tiếp thành công, sự nghiệp thể thao của Sâm bắt đầu khởi sắc. HCV tại giải vô địch Đông Nam Á năm 2009, rồi Huy chương Bạc giải vô địch Châu Á tháng 11.2009 tại Đài Loan. Năm 2010, Sâm đã cùng đồng đội dành Huy Chương Bạc cho đội tuyển đua thuyền Việt Nam tại đấu trường ASIAD 16 tại Trung Quốc. Gần đây nhất, Sâm đã đưa về niềm tự hào cho thể thao Hà Tĩnh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung bằng 2 Huy Chương Vàng tại SeaGame 26, tổ chức tại Giacacta - Indonesia. Đó là Huy Chương Vàng, tại nội dung đua thuyền đôi với thành tích 7 phút 40’16 giây và đua thuyền bốn, cự ly 2000m với thành tích là 6 phút 53’38 giây.

Trò chuyện với tôi qua điện thoại sau những thành công, Sâm không dấu được niềm vui, sự hân hoan. Em tâm sự: “Có được kết quả hôm nay, ngoài những đam mê cố gắng của bản thân thì sự động viên, chỉ dạy của các thầy cô trong đôi tuyển đua thuyền Hà Tĩnh và Quốc gia có ý nghĩa rất lớn”. Sâm cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các chú, các bác ở Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch Hà Tĩnh, TT Đào tạo huấn luyện Hà Tĩnh đã tạo điều kiện để cho em được học tập, rèn luyện trong những thời gian qua. Và em cũng không dấu những mong muốn đó là: Em mong sao thể thao thành tích cao ngày càng phát triển, cơ sở vật chất của các môn thể thao trong đó có đua thuyền được cải thiện để bản thân em cũng như đồng đội trong đội tuyển đua thuyền Hà Tĩnh sẽ được về tập luyện tại Hà Tĩnh, để có nhiều cống hiến hơn nữa cho thành tích chung của tỉnh nhà.

Tuổi đời còn trẻ, cùng với những kinh nghiệm tại các đấu trường quốc gia và quốc tế, niềm đam mê và nỗ lực; hy vọng rằng Trần Thị Sâm sẽ tiếp tục dành nhiều huy chương hơn nữa, để xứng đáng là niềm tự hào của đua thuyền Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast