Bị bạn bè “cô lập” vì… không chơi Facebook

Bố mẹ phải làm thế nào khi con đòi mở tài khoản Facebook vì bị bạn bè tẩy chay, cô lập khi không chơi “phây”?

Tôi xin được kể hai câu chuyện mà tôi đã chứng kiến.

Câu chuyện thứ nhất:

Ở cạnh nhà tôi có một học sinh, lớp 7 thành phố, em thuộc diện chăm ngoan, thành tích học tập giỏi 6 năm liền. Hôm sơ kết học kì 1, em tự hào về khoe với tôi rằng: “Cô ơi, học kì 1 này, con được học sinh giỏi rồi cô à.” Tôi cũng vui mừng cho con bé.

bi ban be co lap  khong choi facebook

Ảnh minh họa từ internet

Thế mà vào mấy tháng trước, nhìn nó ủ rủ như hoa héo, gương mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, đôi mắt như chực khóc. Nó tâm sự nghẹn ngào: “Ở trên lớp, con bị bạn bè tẩy chay, cô lập, không ai chơi con cả, lúc nào con cũng chỉ thui thủi một mình, buồn lắm cô ơi, con muốn được có bạn bè. Chúng bảo rằng do con không chơi Facebook, thời đại nào rồi mà không có Facebook. Đúng là đồ lạc hậu!” Nói rồi, con bé sụt sịt khóc. Tôi thấy thương nó quá!

Theo như lời bé kể, ở lớp nó, bạn nào cũng có Facebook, nào là Facebook cá nhân, rồi Facebook theo nhóm… Các bạn nó chỉ liên lạc qua Facebook, chat qua Facebook. Nó như bị loại ra khỏi cuộc chơi. Thời gian đó lực học của nó cũng đi xuống. Tôi thấy thế và ra sức động viên nó.

Trước đó, mẹ của cô bé có tâm sự rằng: “Bé M. tự dưng và nằng nặc đòi chơi Facebook em à, nhưng chị và bố nó chưa đồng ý”. Chị nói thêm với khuôn mặt đăm chiêu: “Đang học hành chăm chỉ như vậy, nếu cho chơi lỡ nghiện thì chết.”

Cách đây một năm, chị cũng cho bé chơi Facebook nhưng rồi bé mê những bộ phim tâm lí tình cảm, kết quả học tập sa sút nên vợ chồng chị quyết định “cắt” luôn. Từ đó đến giờ cũng đã được một năm rồi, không cho chơi thì cũng thấy thiệt thòi nhưng chơi rồi thì sẽ mê, dẫn đến nghiện, không ai quản cho được. Lời nói của chị làm tôi khá đồng tình vì mỗi người có một cách nuôi dạy con khác nhau, vả lại vợ chồng chị chỉ có một mụn con đó thôi, nên lo lắng quan tâm, chăm sóc, dạy bảo là điều đương nhiên.Thời gian gần đây, tôi không nghe con bé đòi chơi face nữa. Một tín hiệu đáng mừng.

Câu chuyện thứ hai:

Một bé gái đang học ở lớp 5, được mẹ mua cho một chiếc điện thoại, không biết nhờ ai đó đăng kí Facebook rồi từ lúc nào bé trở nên nghiện Facebook không hay, bố mẹ bé là dân lao động, ham việc cả ngày nên cũng không để ý đến hành động của con, bé chat qua Facebook liên tục 24/24, làm quen với những người lạ qua Facebook, bé tự nhốt mình trong phòng, cả tháng không ai thấy mặt bé.Từ đó, con bé trở nên phờ phạc, ánh mắt lúc nào cũng đờ đẫn, trông con bé già trước tuổi.

Rồi may mắn, hiện tượng bé nghiện Facebook được phát hiện qua một người bạn của mẹ cô bé trong một lần đến chơi nhà. Phải thuyết phục và răn đe lắm bé mới dừng chơi và tập trung cho việc học hành. Bây giờ, cô bé này cũng có thành tích học tập khá.

Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp mà người lớn can thiệp kịp thời, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Cái gì cũng có hai mặt tốt, xấu của nó. Chúng ta cần phát huy mặt tốt. Tôi mong rằng, có sự chung tay hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, các cơ qua có thẩm quyền trong việc giáo dục về kĩ năng sống, giúp các em có nhiều hiểu biết về các mạng xã hội để các em sử dụng đúng độ tuổi, đúng mục đích… nhằm đảm bảo an toàn cho sự phát triển thế hệ tương lai của đất nước.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast