Bộ trưởng TT&TT: "Nói không với quảng cáo trên clip xấu độc"

Doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã cam kết chung tay với Bộ Thông tin và Truyền thông tuân thủ pháp luật Việt Nam, xây dựng môi trường Internet lành mạnh.

Chiều 16/3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có buổi gặp gỡ, làm việc với đại diện các doanh nghiệp và công ty quảng cáo liên quan đến vụ việc nội dung quảng cáo của doanh nghiệp bị gắn vào các nội dung xấu độc trên YouTube.

Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm - cho biết theo thống kê sơ bộ, Cục phát hiện có 15 tài khoản, kênh của các cá nhân chưa rõ đằng sau là ai đã đưa hơn 8.000 clip có nội dung phản động lên YouTube.

Những clip này được sản xuất với nội dung đơn giản: sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền, cắt ghép, lấy câu chữ của các phần tử phản động, sau đó đăng lên mạng. 8.000 clip này thu hút hơn 500 triệu lượt xem, gần 1 triệu lượt đăng ký theo dõi thường xuyên.

“Phía Google cam kết hỗ trợ nhưng hiện mới gỡ 42 clip trong tổng số hơn 8.000. Họ gỡ từng clip sau mỗi lần thông báo. Do đó, xử lý kiểu này là chuyện không tưởng”, ông Lâm chia sẻ.

bo truong tt tt noi khong voi quang cao tren clip xau doc

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định cam kết chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp trên YouTube không phải với bộ mà với toàn xã hội. Ảnh: Vietnamnet.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay trung bình cứ một phút trôi qua, tổng thời lượng video được tung lên mạng xã hội lên tới 400 giờ. “10 năm qua, tôi chưa vào viện lần nào nhưng đang có thông tin tôi bị ung thư giai đoạn cuối. Đó cũng là một dạng xúc phạm nhân phẩm”, ông chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết Bộ đã làm việc riêng với đại diện Google để đạt thỏa thuận. “Một mặt yêu cầu Google giải quyết, một mặt Bộ cùng giải quyết để tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, trung thực”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) chia sẻ ngay khi phát hiện các đoạn quảng cáo chèn trên clip có nội dung xấu độc, C50 đã làm việc với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để quản lý. “Trước hết, các doanh nghiệp, nhãn hàng phải chịu trách nhiệm vì các quảng cáo gắn trên clip vi phạm pháp luật Việt Nam”, đại diện C50 bày tỏ quan điểm.

Vị này cũng đề nghị Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, chia sẻ thông tin cần thiết để đấu tranh hiệu quả nhất.

Về phía doanh nghiệp, đa số khẳng định sau khi nhận yêu cầu giải trình của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử về các clip vi phạm, đã lập tức dừng quảng cáo và chờ đợi cơ chế giải quyết từ công ty quảng cáo và đại diện Google.

“Chúng tôi ý thức được là doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến truyền thông. Chúng tôi ngay lập tức cho dừng tất cả quảng cáo trên YouTube. Thông qua doanh nghiệp quảng cáo, chúng tôi cũng chuyển thư đến Google, YouTube yêu cầu có hành động khắc phục và biện pháp quản lý, tạo môi trường quảng cáo an toàn cho doanh nghiệp, bảo vệ uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp", đại diện Vinamilk chia sẻ.

Các đại lý quảng cáo cho biết khi ký hợp đồng với Google chạy các chương trình quảng cáo cho các nhãn hàng đối tác của họ trên YouTube, họ đã lựa chọn vị trí hiển thị quảng cáo qua việc lọc từ khóa, phân loại nhóm để ngăn chặn việc xuất hiện nội dung quảng cáo của khách hàng trong các video clip không phù hợp.

Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết triệt để tình trạng trên do có nhiều video clip xấu độc được người đăng tải xếp vào nhóm giải trí lành mạnh để “lách” thuật toán của Google.

Các đại lý quảng cáo đều khẳng định, nếu không có sự hợp tác của Google trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.

Trước ý kiến của các bên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định vấn đề này hiện không còn là mối lo riêng của ngành quảng cáo Việt Nam, Bộ sẽ cùng vào cuộc, làm việc với Facebook, Google và các doanh nghiệp để tìm giải pháp triệt để khắc phục tình trạng này.

Để tránh tiếp tay một cách gián tiếp cho các đối tượng xấu, chống phá nhà nước bằng nguồn tiền từ các doanh nghiệp quảng cáo cũng như của các nhãn hàng đang hoạt động tại Việt Nam, đảm bảo an toàn cho thương hiệu, môi trường Internet lành mạnh cho người dùng, các doanh nghiệp trong nước, đơn vị làm dịch vụ quảng cam kết sẽ chung tay ủng hộ chương trình hành động của Bộ.

Nội dung cụ thể bao gồm: Nói không với quảng cáo có nội dung xấu, độc; chung tay ủng hộ quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ pháp luật Việt Nam, chung tay xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật khi quảng cáo; chung tay bảo vệ bản quyền khi quảng cáo trên môi trường Internet.

Bộ TT&TT cũng kêu gọi cộng đồng sử dụng Internet lên tiếng với Google, Facebook để ngăn chặn các thông tin thất thiệt, giả mạo, xúc phạm cá nhân, doanh nghiệp… vì một môi trường Internet an toàn, lành mạnh.

Tại Liên hoan Quảng cáo Anh quốc diễn ra ở London ngày 10/3, ông Sorrell - CEO của Công ty WPP (hãng quảng cáo lớn nhất thế giới) đã yêu cầu Google phải “đứng lên và chịu trách nhiệm” về dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của mình.

Hôm 15/3, chính phủ Đức cũng lên tiếng với Google về việc quảng cáo trên YouTube.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast