Cô gái Sầm Nưa giàu nghị lực

Trong những người Lào mà tôi từng biết và từng gặp, có một người phụ nữ đã để lại những ấn tượng đẹp và cảm xúc khó quên trong tôi. Chị là Bua Khăm Xi Phả Vong, Phó trưởng ban Kinh tế-Kế hoạch-Tài chính Quốc hội Lào.

Chị Bua Khăm sinh năm 1957 ở Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Thuỏ nhỏ, chị học cấp 1, cấp 2 trường làng. Đến năm cuối của cấp 3, do học tập xuất sắc, người con gái Sầm Nưa xinh đẹp và giỏi giang được gửi sang Việt Nam, học tập và sinh hoạt ở trường T 78 dành cho con em của nước bạn Lào. Điều đặc biệt là không giống như những học sinh Việt Nam, lúc này chị đã lấy chồng, có 4 con, 2 trai, 2 gái.( Phụ nữ Lào, nhất là vùng nông thôn ngày ấy lấy chồng rất sớm, kể cả đang đi học). Lúc quyêt định từ giã chồng con từ vùng Hủa Phăn xa xôi để sang một vùng đất mà mình chưa hề biết, nước mắt chị chan hòa. Lúc đó cô con gái út mới chưa đầy tuổi. Vừa đặt chân đến Hà Nội, nghe chồng báo qua điện thoại con bị sốt nặng, lòng dạ chị như lửa đốt. Nhưng rồi chị vẫn gạt dòng nước mắt để tập trung học tập tốt. Tất cả tình yêu thương chồng con, nỗi nhớ nước, nhớ quê được chị dồn cho những giờ học thâu đêm. Từ năm 1984-1990, chị học hết cấp 3 rồi vào Đại học, tốt nghiệp cử nhân chính trị. Ra trường, chị trở về quê hương làm việc. Nói sao hết nỗi vui mừng ngày trở về. Chị thầm cảm ơn người chồng, anh Khăm Mun, nguyên tùy viên quân sự Lào tại Viêt Nam từ năm 1961-1967. Anh đã gánh hết nỗi vất vả cực nhọc của người bố, người mẹ trong gia đình cho chị yên tâm học hành.

Tưởng là yên ấm bên chồng con, khát khao học tập và chiếm lĩnh tri thức sẽ nguội tắt. Nhưng không, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của quê hương đất nước, chị thấy mình cần phải trau dồi thêm chuyên môn nghiệp vụ. Và thế là mùa thu năm 1995, chị lại khăn gói sang Việt Nam học Thạc sĩ, rồi làm luận án Tiến sĩ ở Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho đến năm 2001. Trăn trở trước thực trạng đói nghèo của đất nước Lào, chị đã viết luận án: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với việc phát triển kinh tế ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào”. Trở về nước, năm 2002, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Viên Chăn. Để thuận tiện cho việc giao dịch, chị đã tự học Tiếng Anh và nói rất lưu loát. Chị đã kêu gọi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư tại Lào. Với chị, các doanh nghiệp Việt Nam như là anh em ruột thịt. Ai khó khăn là chị giúp đỡ hết lòng, đối xử thân tình như người trong nhà. Ngoài thời gian công việc, chị tự lái xe đưa một số chủ doanh nghiệp đi tham quan phong cảnh ở Viên Chăn, đến thăm cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Nếu đúng bữa chị cùng ăn cơm với cán bộ công nhân Việt Nam, tự nhiên và không hề có khoảng cách.

Chị Bua Khăm Xi Phả Vông và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Việt-Lào-Căm pu chia tại Nghệ An tháng 8-2012
Chị Bua Khăm Xi Phả Vông và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Việt-Lào-Căm pu chia tại Nghệ An tháng 8-2012

Năm 2005, lại một bước ngoặt lớn thủ thách bản lĩnh và tâm huyết của người con gái Sầm Nưa năm xưa. Thấy rõ năng lực của chị, trên quyết định điều chị về lại Hủa Phăn, vùng quê thân thương nhưng nghèo đói, giá lạnh và đầy nguy hiểm. Chị về xây dựng bộ máy cho Sở KH& ĐT Hủa Phăn với chức danh Giám đốc. Lúc này các con đã lớn, anh quyết định đóng cửa ngôi nhà ở Viên Chăn theo chị để bảo vệ và chia sẻ khó khăn cho chị. Chị kể: Hủa Phăn những năm đó đường sá đi lại khó khăn, núi rừng heo hút, bọn phỉ hoạt động rất bất thường. Để bảo vệ mình, chị đã học cách bắn súng, ném lựu đạn cả tháng trời. Trên xe của anh chị luôn có súng lục và AK. Chị đã đi về các bản làng, vận động thuyết phục nhân dân làm ăn, phát triển các mô hình kinh tê, đặc biệt là khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã bị mai một. Đên nay, sản phẩm thổ cẩm của Hủa Phăn đã được khách hàng gần xa biết đến và được triễn lãm nhiều nơi. Chị đã chủ động tổ chức nhiều cuộc mời gọi các doanh nghiệp Thanh Hóa, Nghệ An đầu tư vào Hủa Phăn. Chị còn tranh thủ đi các đồn biên phòng động viên cán bộ chiến sĩ làm tốt nhiệm vụ.

Khi bộ máy Sở KH-ĐT Hủa Phăn đã vững vàng, chị được giao giữ chức vụ Giám đốc Sở công thương. Năm 2010, chị trở về Viên Chăn, giữ chức Vụ trưởng Vụ đối ngoại thuộc Cục thương mại nội địa, Bộ công thương Lào. Tháng 4-2011, chị được bầu vào Quốc hội Lào với số phiếu tuyệt đối. Những lần đi tiếp xúc cử tri, bằng tấm lòng tha thiết với đất nước, với những gì mà bản thân đã trải qua, chị đã tạo được niềm tin lớn trong người dân các bộ tộc Lào. Hiện chị Bua Khăm Xi Phả Vong giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế-Kế hoạch-Tài chính của Quốc hội Lào. Các con của anh chị đều đã khôn lớn trường thành, đứa con đầu đang làm Thạc sĩ ở Ôtxtrâylia, đứa út vừa tốt nghiệp Đại học. Trong đôi mắt của anh chị luôn ánh lên niềm hạnh phúc. Ngôi nhà chị là điểm hò hẹn của rất nhiều bạn Việt Nam.

Chị Bua Khăm tâm sự: “Trở về Việt Nam là trở lại quê hương. Tôi yêu Hồ Gươm, yêu Hà Nội, yêu Bác Hồ. Tôi tự hào về con đường giải phóng Sài Gòn, miền Nam có phần đóng góp của nhân dân và đất nước Lào. Mong sao mối tình của 2 nước ngày càng bền chặt như câu hát : Xong xa hau mi, te đức đăm phăn. Huộm dải Phu Luong, huôm Mê Công... Nghĩa là: Hai nước chúng ta, tình nghĩa sâu đậm như dãy Trường Sơn, như dòng Mê Công”. Và trong những cuộc gặp gỡ với chúng tôi, ở Viên Chăn cũng như ở Hà Tĩnh, chị đã hát rất say sưa bài “ Hà Nội, niềm tin và hy vọng” “ Hà Nội-Viên chăn”. Việt Nam- Lào đều là máu thịt của chị, người con gái Sầm Nưa xinh đẹp năm nào, người phụ nữ Lào mạnh mẽ và đằm thắm hôm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast