Kinh tế thế giới vẫn đang đứng ở vạch mốc nguy hiểm

Bộ trưởng Tài chính Mỹ T.Ghết-nơ (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Pháp La-gác-đê (bên phải) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 ở Anh. Ảnh: Roi-tơ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ T.Ghết-nơ (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Pháp La-gác-đê (bên phải) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 ở Anh. Ảnh: Roi-tơ

Có quan điểm cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, thị trường chứng khoán bắt đầu ổn định, nhà nước đã có thể chấm dứt các chương trình hỗ trợ kinh tế chống khủng hoảng. Quan điểm trên đã tạo ra cuộc tranh luận khá gay gắt bởi quá trình hồi phục kinh tế chỉ mới bắt đầu và tương lai chưa được xác định. "Kinh tế thế giới đang đứng tại vạch mốc nguy hiểm, phía trước còn rất nhiều trở ngại, vì vậy không một quốc gia nào được quyền buông lỏng", Bộ trưởng Tài chính Anh A.Đa-linh khẳng định.

Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), sẽ được tổ chức trong hai ngày, 24 và 25-9, tại Pít-xbớc (Mỹ), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm G-20 đã họp trong hai ngày 4 và 5-9 tại Luân Đôn. Hội nghị tập trung vào thảo luận 3 vấn đề lớn gồm những biện pháp khôi phục nền kinh tế thế giới; cải tổ hệ thống ngân hàng và thành lập một trật tự tài chính toàn cầu mới. Tuy nhiên, cuộc tranh luận lúc nào thì chấm dứt vai trò của nhà nước trong việc khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu lại thu hút sự quan tâm chú ý của các quốc gia.

Quan điểm của Đức và Pháp, những nền kinh tế hàng đầu châu Âu, cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi, các thị trường chứng khoán bắt đầu ổn định, cùng với sự phát triển bền vững ở một số nước châu Á, kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tự khôi phục. Điều này có nghĩa là, nhà nước đã có thể chấm dứt các chương trình hỗ trợ kinh tế chống khủng hoảng. Tuy nhiên, Anh và Nga lại khuyến cáo, mạo hiểm lớn nhất trong quá trình khôi phục kinh tế là nghĩ rằng mọi việc đã hoàn thành. Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh A.Đa-linh khẳng định: "Thế giới đang đứng tại vạch mốc nguy hiểm, phía trước còn rất nhiều trở ngại, vì vậy không một quốc gia nào được quyền buông lỏng". Quan điểm trên nhận được sự đồng tình của Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp: Trong cuộc khủng hoảng những năm 30 của thế kỉ trước, làn sóng khủng hoảng thứ hai đã diễn ra do nhà nước rút lui khỏi các chương trình hỗ trợ kinh tế quá sớm. Còn Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Đô-mi-ních Xtrốt Can, cho rằng các nhà lãnh đạo không nên cắt giảm quá sớm các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, đây là thời điểm tốt để giới hoạch định chính sách bàn về chiến lược ngừng các chương trình hỗ trợ.

Đại diện nhiều nước trong G-20 cũng nhất trí rằng tình hình kinh tế thế giới hiện nay khá hơn nhiều so với thời điểm G-20 họp hội nghị thượng đỉnh tháng 4-2009, nhưng vẫn là quá sớm để tuyên bố cuộc khủng hoảng kinh tế đã "kết thúc". Các bộ trưởng tài chính kêu gọi các đối tác trong G-20 tận dụng cơ hội hiện nay để thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới nhằm loại bỏ những yếu kém mang tính hệ thống, được coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất trong gần 80 năm qua.

Các bộ trưởng Tài chính G-20 cũng thừa nhận trong thời điểm hiện nay, thế giới không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc duy trì các chính sách kích thích kinh tế đặc biệt, song cũng chỉ ra mặt trái của nó là sức ép của lạm phát sẽ lại gia tăng trở lại. Đồng thời các bộ trưởng còn khuyến cáo chính phủ một loạt nước trên thế giới, từng chi hàng nghìn tỉ USD trong các gói kích thích kinh tế, cần chấm dứt hình thức hỗ trợ này vào thời điểm phù hợp. Điều đó vừa giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại một cách bền vững, vừa tránh đổ vỡ và tái suy thoái nếu chấm dứt các biện pháp kích thích quá sớm.

Nguồn: QĐND Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast