Lễ tết ở nước Lào

Có rất nhiều kiều bào, cán bộ ,học sinh VN, các công ty của VN sang làm ăn, sinh sống, học tập trên nước bạn Lào. Có thể khẳng định, không ở đâu trên thế giới này, người VN lại được đón tiếp nồng hậu, được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống tốt như ở nơi đây. Hiểu bạn, hiểu văn hóa , hiểu phong tục tập quán của bạn, cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với người anh em thân thiết.

Tết té nước. Ảnh: VnExpress

Tết năm mới của Lào sắp đến, xin được viết đôi dòng giới thiệu về những lễ hội lớn, quan trọng nhất ở Lào. Để bạn đọc thêm biết, thêm yêu đất nước thanh bình, có nền bản sắc văn hóa rất độc đáo này.

“ Bun” rồi lại “ Bun”

Trong tiếng Lào Bun – được hiểu đơn giản, có nghĩa là lễ hội, là phước lành, là biểu tượng cho ngày vui.

Bun ở Lào diễn ra hầu như quanh năm. Tháng nào cũng có Bun. Hết Bun của địa phương này lại nối tiếp Bun của địa phương khác, Từ Bun của vùng, của miền cho đến Bun của cả nước. Thật hiếm có quốc gia nào lại “yêu” lễ hội như họ.

Giống như phần lớn các lễ hội ở Việt Nam, Bun của Lào gồm hai phần chính là Lễ và Hội. Ở Lào đạo Phật là quốc đạo-chiếm tới 85% dân số. Lễ sẽ do các vị sư trong Chùa chủ trì cúng tế chính, nhưng chỉ diễn ra ngắn gọn. Còn phần hội mới là phần vui nhất và kéo dài nhất trong một Bun.

Ba Bun lớn nhất, tiêu biểu nhất của nước Lào, đó là Bun Thatluong, Bun ooc phăn xả, và Bun Pỉmày

Bun That Luong: That luong có nghĩa là cái tháp lớn. Lễ hội That Luong được tổ chức chính ở thủ đô Viêngchăn tại Chùa That Luong. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1566 dưới triều vua Sệt Thả Thi Lạt khi dời đô từ Luongprabang về Viêngchăn. Chùa được dát vàng toàn bộ phía ngoài và bị phá hủy vào thế kỷ 19 do người Thái xâm lược. Sau đó chùa đã được vua Chạu Say Sệt Thả và nhân dân Lào khôi phục lại như hình dáng ban đầu.

Lễ hội này để tưởng nhớ đến hai vị vua là Pha Ngừm và Sẹt Thả Thi Lạt . Một vị đã thống nhất nước Lào và một vị đã dời kinh đô về đây.

Bun được tổ chức vào trung tuần của tháng 11 và kéo dài trong vòng 1 tuần. Mọi người từ khắp nơi nếu có điều kiện đều “hành hương” về Viêngchăn, tới chùa Thap Luong để hành lễ, mong gặp được nhiều may mắn. Trong những ngày này, người ta tổ chức vui chơi, ăn uống, múa hát, hội chợ … Cả thủ đô Viêngchăn trong tuần đó đông nghẹt người, nhất là vào mấy ngày cuối.

Bun ooc phăn xả là lễ hội đua thuyền. Được diễn ra trong thời gian lâu nhất bắt đầu từ tháng 7 cho đến tháng 10. Đây là lế hội được tổ chức tại các Mường ( tỉnh).Vào ngày 14, 15 âm lịch, mỗi Mường làm một chiếc thuyền rất to (tương tự như thuyền của người Khơme tại Vn) để đua. Thuyền của Mường nào giành được chiến thắng thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn.

Điều đặc biệt là trong vòng 3 tháng lễ hội, dân trong Mường sẽ không được dựng vợ, gả chồng, không săn bắn sát sinh, không uống rượu, bia, không “gần gũi” đàn bà!!!

Bun Pỉ Mày hay còn gọi là tết năm mới, tết té nước… được chính thức công nhận là nghi lễ quốc gia, diễn ra vào ngày 14, 15, 16/4 hàng năm. Toàn bộ đất nước được nghỉ tết trong 3 ngày này.

.

Hoa Chămpa và hoa Muồng vàng là hai loài hoa phổ biến vào dịp Tết Lào. Hoa Chăm pa được kết vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc, hoa muồng vàng được treo trên cửa kính ôtô, xe máy và cả xe lam. Ảnh: VnExpress

Ngày đầu tiên có tên gọi là Sẳng Khản Luông. Là ngày chuẩn bị đón Tết. Ở chùa cũng như ở nhà, những bức tượng Phật được mang ra “tắm rửa”, kết hoa, treo đèn, trang hoàng rất đẹp để cúng tế . Ở chùa, những pho tượng Phật đẹp nhất, quý giá nhất sẽ dành cho nhân dân lên hành lễ, tiến hành cúng tế và rưới nước hoa... Vào chùa cúng tế trong ngày đầu tiên này mọi người sẽ xin lỗi, sám hối trước các nhà sư trong chùa. Nếu như có điều gì “ không phải” trong ba ngày Tết thì cũng mong được bỏ qua

Ngày thứ hai gọi là Văn Nau.Trong ngày này, theo phong tục, người ta không được ngủ ban ngày! Họ cho rằng, nếu ngủ ngày trong ngày Văn Nâu, thì sẽ buồn ngủ cả năm, mệt mỏi cả năm, làm ăn không gặp nhiều may mắn. Cho nên, người dân cứ nhảy múa, ăn uống, hát hò cả ngày chứ không được ngủ. Trong ngày Văn Nau, anh chị em , họ hàng, bạn bè thân thích sẽ đến thăm hỏi lẫn nhau, và kiêng không nên đi xa.

Ngày thứ ba là ngày Sẳng Khản Khừn, ngày chuẩn bị kết thúc. Tượng Phật được mang trở về chỗ cũ, chuẩn bị cho linh hồn của người đã khuất về Trời. Con cái, anh chị em trong gia đình xum họp lại, cùng ôn lại những chuyện đã xảy ra trong năm cũ, nếu có những vướng mắc thì xin lỗi lẫn nhau. Sau đó họ lấy nước thơm tưới cho nhau, để mong cho mọi điều không tốt trong năm cũ sẽ được gột bỏ. Nhiều điều may mắn, sẽ đến với họ trong năm mới. Người lớn tuổi nhất trong gia đình, sẽ rưới nước đầu tiên, rồi theo thứ tự dần cho đến người nhỏ tuổi nhất. Không giống kiểu “lì xì” ở Việt Nam, ở đây người nào “giàu nhất” trong gia đình sẽ “lì xì” và điều này cũng không bắt buộc.

Trong ba ngày tết, cả nước Lào đều diễn ra lễ hội. Đi đến đâu bạn cũng có thể thấy cảnh tượng mọi người nhảy múa, vui chơi, tiệc tùng và té nước ( đây chính là phong tục đặc trưng nhất của Bun này) .

Trong Bun Pỉ May người ta quan niệm ai ướt nhiều, người đấy sẽ gặp nhiều may mắn. Đặc biệt là được té nước tắm cho Phật ở chùa hoặc ở nhà. Trong ba ngày tết, nên đi được 7 đến 9 chùa, để vào tắm Phật. Rồi lấy nước tắm Phật, về té cho người thân trong gia đình, thì cả gia đình và người thân của mình, được may mắn trong cả năm.

Các thiếu nữ Luangprabang trong ngày Bun Pỉmày Ảnh: ST
Các thiếu nữ Luangprabang trong ngày Bun Pỉmày Ảnh: ST

Trên đây là ba trong rất nhiều lễ hội ở nước Lào. Ta biết để ta lại thêm yêu nét văn hóa độc đáo của người “anh em” thân thiết. Nếu có dịp, mời bạn hãy đến với xứ sở Triệu Voi thanh bình nơi đây. Bạn sẽ được đắm chìm trong những điệu múa Lămvông uyển chuyển, trong bát ngát hương hoa Chămpa nồng nàn, trong những đêm ven bờ Mêkong huyền ảo. Và bạn sẽ được tham dự, được chung vui, được hòa mình vào những lễ hội vui tươi, đậm đà bản sắc.

Viêngchăn mùa Bun Pỉmày 2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast