Truyền hình Libya vẫn phát sóng bất chấp Nato không kích

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 30/7 thừa nhận lực lượng này đã ném bom ba trạm phát sóng vệ tinh tại thủ đô Tripoli của Libya trong đợt không kích đêm 29/7.

Tuy nhiên, sau đợt không kích, đài truyền hình Libya vẫn phát sóng và lên án vụ tấn công nhằm vào giới báo chí.

Sau vụ không kích, Tập đoàn Truyền thông Libya (LBC) ra thông báo cho biết ba nhân viên của hãng đã thiệt mạng và 15 người bị thương trong vụ không kích của NATO.

NATO không kích tại thành phố Zliten gần thủ đô Tripoli. (Nguồn: THX/TTXVN)
NATO không kích tại thành phố Zliten gần thủ đô Tripoli. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ông Khalid Bazelya, một quan chức LBC, nhấn mạnh: "Chúng tôi không phải là một mục tiêu quân sự, cũng không phải là những người chỉ huy quân đội và không đe dọa dân thường. Chúng tôi chỉ làm việc với tư cách là các nhà báo, nói về các cuộc tấn công của NATO và tình trạng bạo lực tại Libya."

LBC khẳng định việc họ làm việc cho chính phủ Libya hay có quan điểm chống NATO và phản đối các tổ chức vũ trang không thể khiến họ trở thành mục tiêu hợp pháp cho các vụ không kích của NATO.

Trong khi đó, Thư ký phụ trách các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Libya, ông Slimane Shahoumi ngày 30/7 đã đi thăm Tunisia và thảo luận với Thủ tướng lâm thời nước này Caid Essebsi về việc Tunisia hỗ trợ lương thực và y tế cho Libya.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông Saumi cho biết nhà lãnh đạo Tunisia cam kết "nỗ lực hết sức để giúp nhân dân Libya vượt qua khó khăn hiện nay."

Nhằm tạo điều kiện cho thương mại xuyên biên giới giữa hai nước, một khu vực phi thuế quan cũng sẽ được thiết lập tại tỉnh Medenine, miền Đông Nam, giáp với Libya.

Cùng ngày, Đại sứ Bồ Đào Nha tại Liên hợp quốc Jose Filipe Moraes Cabral, người đứng đầu Ủy ban trừng phạt Libya của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho biết Hội đồng Bảo an sẵn sàng nới lỏng các biện pháp phong tỏa tài sản của Libya để nước này có thể mua thuốc men và các nhu yếu phẩm khác hỗ trợ nhân đạo cho những người đang gặp khó khăn.

Ngày 26/2, Hội đồng Bảo an đã ra lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi và những người thân cận với ông, đồng thời áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya.

Danh sách các lệnh trừng phạt đã được mở rộng vào tháng Ba.

Tuy nhiên, các nhóm cứu trợ trên toàn Libya cho biết họ đang thiếu các loại thuốc cơ bản như vắcxin phòng bệnh và thuốc giảm đau, trong khi các loại hàng hóa cơ bản được phép nhập khẩu không thể vào Libya do thiếu tiền thanh toán vì các tài sản của Libya ở nước ngoài bị đóng băng và các ngân hàng nước ngoài từ chối làm việc với các thực thể của Libya./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast