Vụ thảm sát kinh hoàng ở quốc gia non trẻ nhất

6 tháng sau khi trở thành quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới, Nam Sudan vẫn chìm trong bạo lực, những vụ giết chóc và căng thẳng sắc tộc.

Hai thập kỷ chiến tranh với những kẻ thù cũ và giờ là nước Sudan ở miền bắc đã khiến Nam Sudan kiệt quệ, trong khi súng đạn, các băng nhóm vũ trang tràn ngập và chia rẽ sâu sắc vì sắc tộc.

Một nhóm lực lượng nổi dậy ở Nam Sudan (Ảnh tư liệu: AFP)
Một nhóm lực lượng nổi dậy ở Nam Sudan (Ảnh tư liệu: AFP)

Ngày thứ Sáu, một quan chức cấp cao ở vùng Jonglei nói hàng nghìn người đã thiệt mạng trong một làn sóng bạo lực sắc tộc mới vào tuần trước. Joshua Konyi, trưởng quận Pibor ở bang Jonglei, nói 3.141 người đã thiệt mạng. Liên Hiệp Quốc và các quan chức quân đội Nam Sudan chưa xác minh con số nói trên, mà nếu đúng sẽ là cuộc xung đột sắc tộc tồi tệ nhất ở nước này kể từ khi tuyên bố độc lập.

Ngoài mâu thuẫn nội bộ, Nam Sudan cũng đối mặt với những căng thẳng với nước láng giềng miền bắc ở khu vực nhiều dầu mỏ này. Hai bên cáo buộc lẫn nhau là hỗ trợ quân nổi dậy gây bất ổn và các nhà phân tích đã cảnh báo khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước.

Cuối tháng 12, Juba cáo buộc Khartoum đã giết chết 17 thường dân trong một cuộc ném bom kéo dài hai ngày ở bang biên giới của Nam Sudan, Tây Bahr al-Ghazal, nhưng Khartoum phủ nhận cáo buộc này.

Áp lực lớn nhất với quốc gia non trẻ, có diện tích bằng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cộng lại, nhưng chỉ vài con đường trải nhựa ở thành phố thủ đô, “rõ ràng là tình trạng an ninh”, Giorgio Musso, một giáo sư tại Đại học Genoa, Italy, nói.

Kể từ khi độc lập, quân đội trước kia là các nhóm vũ trang nổi dậy của Nam Sudan đã tiêu diệt một số lãnh đạo quân nổi dậy khác, buộc những người khác đầu hàng và đội ngũ hàng binh đã tạo nên một đội quân lên tới 100.000 người, bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau.

“Những bất ổn nội tại xuất phát từ chính các tranh cãi chưa được thu xếp trong nội bộ SPLM/A (đảng cầm quyền và quân đội Nam Sudan),” Musso nói.

Một số lực lượng nổi dậy không hứng thú gì với việc chuyển đổi sang xã hội dân sự, nhiều nhóm cáo buộc chính quyền tham nhũng, lũng đoạn kết quả bầu cử và Tổng thống Salva Kiir thiên vị chủng tộc Dinka của ông hơn so với các nhóm khác.

Nam Sudan, mới tuyên bố độc lập từ ngày 9/7, cũng cáo buộc Khartoum tiếp tục các hành động gây hấn với việc chuyển vũ khí cho những nhóm vũ trang ở miền nam, nhưng Sudan phủ nhận cáo buộc này.

Bạo lực sắc tộc và cướp bóc gia súc ở riêng bang Jonglei khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và khoảng 63.000 người mất nhà cửa trong năm 2011, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Tình trạng tham nhũng lan tràn và các viên chức nhà nước ít học đã khiến vấn đề duy trì trật tự và phát triển đất nước thêm khó khăn, sau khi hàng trăm nghìn người đã rời miền bắc trở về miền nam do chiến tranh.

Thêm vào đó, những cuộc thương lượng khó khăn với Khartoum về vấn đề chi phí vận chuyển dầu mỏ từ miền nam, hiện chiếm 98% thu nhập của nước này, qua đường ống duy nhất đi qua miền bắc, làm bất ổn thêm nghiêm trọng./.

Theo vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast