34 khoản phí sẽ chuyển thành giá dịch vụ

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính vừa đưa ra xin ý kiến danh mục các loại phí chuyển sang cơ chế giá, đồng thời đề xuất hình thức quản lý và phân cấp quản lý giá đối với các dịch vụ này.

34 khoản phí sẽ chuyển thành giá dịch vụ ảnh 1

Nhà nước ban hành khung giá viện phí, học phí. Ảnh: internet.

"Thả nổi" nhiều loại dịch vụ

Dự kiến, danh mục có 34 loại phí sẽ chuyển sang hình thức giá dịch vụ do Nhà nước định giá, hoặc thả nổi giá theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, các khoản phí chuyển sang giá dịch vụ được thả hoàn toàn theo cơ chế thị trường gồm: Dịch vụ kiểm nghiệm thuốc thú y; dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu; dịch vụ kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số khoản khác cũng được quản lý theo cơ chế thị trường nhưng vẫn buộc phải kê khai giá với cơ quan Nhà nước gồm: Dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng động thực vật; Dịch vụ giám định di vật, cổ vật; dịch vụ kiểm định phương tiện đo lường; dịch vụ sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng chứng khoán; dịch vụ khai thác tư liệu tại các bảo tàng, khu di tích lịch sử, văn hóa.

Số còn lại như sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; dịch vụ kiểm tra vệ sinh thú y; dịch vụ thẩm định cấp quyền sử dụng đất; dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; dịch vụ sử dụng đò, phà; dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải; dịch vụ trông giữ xe, giới thiệu việc làm, kiểm nghiệm trang thiết bị y tế,... sẽ do Nhà nước quy định giá cụ thể hoặc quy định khung giá.

Đáng chú ý, khoản phí sử dụng đường bộ sẽ chuyển sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ ở các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức đối tác công - tư do Nhà nước định khung giá đối với đường độc đạo (Bộ Giao thông vận tải quy định đối với đường quốc lộ, đường cao tốc, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá đối với đường do địa phương quản lý), còn đối với các loại đường song song sẽ thu giá dịch vụ theo cơ chế thị trường. Các đơn vị thu phí kê khai giá với Bộ Tài chính hoặc địa phương.

Học phí và viện phí cũng được chuyển thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, giá dịch vụ giáo dục, đào tạo áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Đối với các cơ sở ngoài công lập, xã hội hóa thì thu theo giá thị trường nhưng trên cơ sở Nhà nước ban hành khung giá và doanh nghiệp kê khai giá cho đúng tính chất khoản thu. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước quy định khung giá trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo thẩm quyền của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bãi bỏ thêm 1 khoản phí

Theo Cục Quản lý giá, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế làm việc với các bộ, ngành liên quan để thống nhất danh mục các khoản phí sẽ chuyển sang hình thức giá dịch vụ nằm ngoài Luật Phí và lệ phí sẽ được ban hành tới đây.

Dự kiến ban đầu của Cục Quản lý giá có 35 khoản phí chuyển sang giá trong danh mục, tuy nhiên, sau khi họp bàn, danh mục này rút lại còn 34 khoản. Khoản phí giám định hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được bãi bỏ theo đề nghị của Bộ Công Thương.

Việc xây dựng danh mục các khoản phí chuyển sang cơ chế giá căn cứ theo nội dung của dự thảo Luật Phí, lệ phí đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội và sẽ sớm thông qua vào kỳ họp cuối năm 2015.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các thủ tục hành chính không còn phù hợp trên cơ sở đó rà soát, dừng thu hoặc bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí.

Một số loại phí như phí kiểm định, phí đấu thầu, viện phí, phí giám định tư pháp,… đã được chuyển sang cơ chế giá được quy định trong luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật Đấu thầu, luật Khám bệnh, chữa bệnh, luật Giám định tư pháp,… để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Nhiều loại phí, lệ phí mang tính chất giá dịch vụ cần xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast