4 năm nữa thương mại điện tử sẽ mang về cho Việt Nam 10 tỷ USD

(Baohatinh.vn) - Trích dẫn báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita, Bộ Công thương) công bố hồi tháng 4/2016, tờ Nikkei Asian Review ngày 22/4 cho biết, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020 dự kiến sẽ đạt mức 10 tỷ USD.

Dự kiến đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ chạm mốc 10 tỷ USD

Dự kiến đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ chạm mốc 10 tỷ USD

Doanh thu bán hàng qua hình thức này của Việt Nam năm ngoái đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014 và chiếm gần 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ chạm mốc 10 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo của Vecita, năm 2015, có hơn 10.000 website thương mại điện tử đăng ký mới, gấp đôi năm trước. Một số website thương mại điện tử hiện đang dẫn đầu về doanh thu là: lazada.vn, chodientu.vn, hotdeal.vn, vietnamairlines.com, thegioididong.com.

Vecita cho biết, năm 2015, tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng internet đạt 45%. Năm ngoái, người Việt dành trung bình 160 USD để mua sắm trực tuyến, tăng 15 USD so với năm 2014.

Quần áo, giày dép và mỹ phẩm là các loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất, với tỷ lệ 64%, vượt xa các mặt hàng như đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình và một số mặt hàng khác.

Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính trong các giao dịch, với hơn 90% đối tượng khảo sát cho biết họ thường xuyên sử dụng phương thức này, chỉ khoảng 20% nói từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.

Theo những người được khảo sát, một số trở ngại chính khi mua sắm trực tuyến bao gồm: Sản phẩm kém chất lượng (73%), giá thành cao (61%), các vấn đề về dịch vụ vận chuyển và giao nhận (45%), sợ lộ các thông tin cá nhân (38%). Mặc dù vậy có 44% người tham gia khảo sát nói về cơ bản họ cảm thấy hài lòng và 95% cho biết sẽ tiếp tục tham gia mua sắm trực tuyến trong tương lai.

Trong một khảo sát riêng được Vecita thực hiện với 500 người tiêu dùng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 88% số người tham gia khảo sát nói họ thường sử dụng các thiết bị di động để tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng, 45% cho biết có sử dụng các thiết bị di động ít nhất một lần mỗi ngày để tìm kiếm thông tin mua hàng.

Số doanh nghiệp nâng cấp ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động và website thương mại điện tử thông qua việc cung cấp các giao diện mới hoặc nâng cấp từ giao diện sẵn có, trong năm 2015, tăng lên 21%, cao hơn mức 15% năm 2014.

(Theo Nikkei Asian Review)

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast