Bán hàng đa cấp (bài cuối): “Chiếc bánh” không dễ ăn

(Baohatinh.vn) - Không phải vô cớ mà bán hàng đa cấp (BHĐC) bị dư luận gắn mác lừa đảo. Nhưng cũng phải đặt ra câu hỏi lớn rằng, nếu lừa đảo thì tại sao hình thức kinh doanh này vẫn tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng thành công như lời tư vấn “đường mật” mà các chuyên viên kinh doanh BHĐC “rót” vào tai khách hàng.

>> Bán hàng đa cấp (bài 1): “Hút” khách bằng lợi nhuận “siêu khủng”

Vỡ mộng

Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh ta không còn xa lạ với hình ảnh từng tốp tầm 2-3 người lỉnh kỉnh hàng hóa đi giới thiệu và bán sản phẩm. Nhiều nơi, cơn sốt làm giàu từ BHĐC đang sôi sục, thu hút sự tham gia của nhiều người.

Đến xã Thạch Mỹ (Lộc Hà), không khó để tìm gặp những người dân đã trở thành chuyên viên kinh doanh, cộng tác viên hay nhà phân phối của hàng chục công ty BHĐC đang hoạt động trên thị trường Hà Tĩnh. Trong số đó, có thông tin cho rằng, một số người dân bán trâu, bò, cầm cố bìa đất để có tiền tham gia vào mạng lưới đa cấp.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Cũng theo thông tin chúng tôi có được, đến thời điểm này, có người đang tiếp tục “dấn thân” vào kinh doanh nhưng cũng không ít người lờ mờ nhận ra sự “khó ăn” của “chiếc bánh ngọt ngào” đó nên tạm ngừng tham gia. Bà Lê Thị M. (Tân Phú, Thạch Mỹ) cho biết: “Cuối tháng 2/2014, được người thân trực tiếp dẫn đến chi nhánh công ty N., nghe tư vấn rất dễ làm giàu nên ngay chiều hôm đó, tôi đã đặt tiền để tham gia chạy chương trình khuyến mãi. Sáng hôm sau, tôi đưa gần 120 triệu đồng lên mua 13 mã hàng nhưng chỉ lấy một máy khử Ozone về, còn lại ký gửi tại công ty. Sau đó, vì nhiều lý do, vợ chồng tôi lên lấy lại tiền nhưng do đã ký hợp đồng đến 2015 mới hết hạn nên đến thời điểm này, tôi chưa nhận lại được đồng nào từ số tiền gốc”.

Khi tiếp tục hỏi vì sao không tham gia tiếp như nhiều người khác, bà M. ngậm ngùi: “Vì chưa suy tính kỹ càng, chỉ nghe có chương trình khuyến mãi nên cứ chăm chăm nộp cho kịp. Đến khi nộp tiền xong mới lo lắng nên đến tháng 3, tôi và chồng lên xin lấy lại tiền. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, tôi cũng có thể giới thiệu được nhiều người tham gia nhưng nhìn từ bản thân, tâm không yên, suốt ngày lo lắng nên cũng không dám giới thiệu cho người khác…”.

Ngoài hy vọng làm giàu, không ít người tham gia mạng lưới này nuôi hy vọng sử dụng nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng để nâng cao sức khỏe hay thậm chí có thể chữa được bệnh theo như lời giới thiệu. Tuy nhiên, theo một số khách hàng, hy vọng này cũng bị “vỡ”. Anh Nguyễn Văn T. (TP Hà Tĩnh) - từng là nhà phân phối của công ty W. cho biết: “Tại các buổi hội thảo, có rất nhiều người khẳng định, nhờ nhóm thực phẩm chức năng của công ty mà họ có sức khỏe tốt nên tôi cũng mua về cho vợ dùng thử. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn nên hiện nay, tôi cũng không tham gia vào hệ thống này nữa”.

Có hay không hành vi phạm pháp?

Không phủ nhận BHĐC là một loại hình kinh doanh hiện đại và đã có những ưu thế nhất định. Ở nước ta đã có những công ty sử dụng loại hình, hình thức kinh doanh này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số công ty BHĐC có dấu hiệu bất thường.

Để tăng cường sự quản lý về kinh doanh đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Lấy Nghị định 42 làm hệ quy chiếu, nhìn nhận những gì đang diễn ra dưới góc độ một khách hàng muốn tìm hiểu về hình thức kinh doanh này thì không ít công ty, doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn tỉnh ta đang vi phạm một số điều cấm của nghị định. Cụ thể: Điều 5 - Nghị định 42 quy định những điều cấm trong hoạt động BHĐC như yêu cầu người muốn tham gia BHĐC phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng BHĐC, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia BHĐC; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp.

Ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh khuyến cáo: “BHĐC là một ngành kinh doanh hợp pháp đã có mặt trên thế giới 80 năm và du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1990... Tuy nhiên, hiện nay, BHĐC đang bị biến tướng, nhiều đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để lừa đảo. Vì vậy, trong tình hình thị trường BHĐC đang khá “màu mỡ” ở tỉnh ta, người dân nên tìm hiểu thật kỹ càng, có thể tham khảo nhiều kênh thông tin khác nhau để có sự lựa chọn sáng suốt nhất”.

Siết chặt công tác quản lý

Theo thống kê từ Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp (DN) nào đăng ký tổ chức BHĐC. Tuy nhiên, có 14 DN BHĐC có thông báo hoạt động với hơn 4.000 người tham gia. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động lĩnh vực này thời gian qua gặp nhiều khó khăn khi hệ thống văn bản pháp luật chưa thật sự “trao quyền” để chính quyền địa phương có cơ sở quản lý sát sao. Theo Nghị định 110, khi mở rộng địa bàn hoạt động, công ty BHĐC chỉ cần có văn bản thông báo mà không nói rõ địa điểm hoạt động cụ thể nên quá trình xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa và sản phẩm bán ra của các doanh nghiệp BHĐC rất phức tạp, phải phối hợp với nhiều cấp, ngành; chưa có thiết bị để xác định chất lượng hàng hóa…

Nghị định 42 thay thế Nghị định 110 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 đang gỡ khó cho những vướng mắc trong quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời siết chặt quản lý, không để các DN làm ăn không chân chính lợi dụng lòng tin của người dân, tổ chức hoạt động quảng bá, lôi kéo nhiều người tham gia bán sản phẩm với giá cả không đúng giá trị thật, làm méo mó thị trường và khiến nhiều người hiểu sai về một số sản phẩm… Theo đó, doanh nghiệp BHĐC chỉ được cấp phép hoạt động sau khi có xác nhận bằng văn bản của Sở Công thương. Như vậy, “nút thắt” của việc chính quyền địa phương không thể sâu sát đã được tháo gỡ khi căn cứ vào nghị định mới này.

Ông Trần Nhật Tân – Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: “Nghị định 42 ban hành là công cụ hữu hiệu để các cấp, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHĐC có dấu hiệu không minh bạch này. Thời gian tới, căn cứ vào Nghị định 42 kết hợp với tinh thần cương quyết, chặt chẽ, Sở Công thương sẽ xem xét các sản phẩm của các công ty BHĐC có thật sự cần thiết và phục vụ lợi ích người dân hay không để có những quyết định hợp lý; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra, người dân nên trang bị cho mình kiến thức bằng nhiều kênh thông tin để nhận ra đâu là kinh doanh đa cấp chân chính, đâu là trò lừa đảo mạo danh đa cấp, không để “tiền mất, tật mang”, ảnh hưởng đến bản thân và gây tâm lý bất an trong xã hội”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast