Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu (bài 1): Chưa tạo được lực hút!

(Baohatinh.vn) - Ngoài việc xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu còn tạo động lực thúc đẩy phát triển CNNT trên địa bàn. Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức (từ 2011 đến nay), chương trình vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cả cơ sở sản xuất lẫn các đơn vị chức năng.

Cơ sở sản xuất thờ ơ...

Được tổ chức 2 năm 1 lần, đến nay, mùa bình chọn thứ 3 đã khép lại nhưng số lượng sản phẩm tham gia vẫn khá “lèo tèo”, chưa kể, có sản phẩm tham gia cả 3 đợt bình chọn và năm nào cũng có giải.

Các thành viên Hội đồng bình chọn bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn năm 2015 tham quan các sản phẩm được trưng bày tại Sở Công thương

Các thành viên Hội đồng bình chọn bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn năm 2015 tham quan các sản phẩm được trưng bày tại Sở Công thương

Theo số liệu thống kê, năm 2011, có 46 sản phẩm tham gia, trong đó, 22 sản phẩm được công nhận; năm 2013, lựa chọn được 30/52 sản phẩm để vinh danh và năm 2015 là 29/65 sản phẩm. Theo đánh giá, số lượng sản phẩm tham gia và được công nhận tăng nhưng không đáng kể, hơn nữa, nếu so với tình hình phát triển CN-TTCN của địa phương (hơn 700 cơ sở sản xuất) thì con số này chưa thật sự tương xứng.

Tham gia và được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu là cơ hội để cơ sở quảng bá hàng hóa, thương hiệu của mình trên trang web của Cục Công nghiệp địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn và nhiều cơ hội giới thiệu trực tiếp về sản phẩm thông qua trưng bày tại triển lãm, hội chợ… Nói cách khác, sản phẩm được bình chọn là “vé VIP” thay cho chi phí quảng cáo của các cơ sở sản xuất trên thị trường. Tuy nhiên, ngoài số ít cơ sở muốn xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thì vẫn còn rất nhiều đơn vị sản xuất cho rằng thương hiệu là… “hữu xạ tự nhiên hương”.

Hà Tĩnh có đặc sản kẹo cu đơ với hàng trăm cơ sở sản xuất khắp toàn tỉnh. Tuy nhiên, mới chỉ duy nhất một cơ sở được chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu là Doanh nghiệp Phong Nga (Thạch Đài - Thạch Hà). Trao đổi với chị Nhung - chủ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Thư Viện về chương trình bình chọn này, chị cho biết: “Thương hiệu cu đơ Thư Viện đã được đông đảo người dân trong tỉnh đón nhận, hơn nữa, cơ sở cũng chỉ sản xuất phục vụ bà con tỉnh nhà nên nhu cầu về quảng bá sản phẩm gần như không có. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa biết cụ thể về chương trình này”. Đây cũng là tâm lý chung của một số chủ cơ sở sản xuất cu đơ khác mà chúng tôi có dịp trao đổi.

“Ngoài tiền mặt được trao tặng kèm giấy chứng nhận trong buổi vinh danh thì sau đó, cơ sở chưa nhận thêm sự hỗ trợ nào. Chúng tôi cần một sự hỗ trợ “dài hơi” hơn để mở rộng sản xuất chứ không chỉ dừng lại ở đó nên tôi không tham gia nữa” - chủ một cơ sở sản xuất đã từng có sản phẩm được công nhận nhưng năm 2015 không tham gia chia sẻ.

Đặc biệt hơn, một số chủ cơ sở sản xuất có tâm lý tự ti là nếu tham gia mà không được công nhận sẽ “phản tác dụng”. Ngoài ra, lý do về hình thức tổ chức của chương trình cũng là lực cản khiến chủ sản xuất không mặn mà tham gia. Theo quy định, các sản phẩm khi được lựa chọn ở cấp huyện sẽ được tập kết để trưng bày và chấm điểm. Theo đó, sản phẩm cồng kềnh như bàn ghế gỗ, máy móc cơ khí… rất khó khăn khi vận chuyển hoặc các mặt hàng như mực một nắng, mực ống, bánh gai, bánh đa nem… rất khó bảo quản khi trưng bày nên nhiều cơ sở không muốn tham gia.

... Chính quyền vào cuộc nửa vời

Kế hoạch bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015 do Sở Công thương soạn thảo có ghi rõ: mỗi huyện có từ 5-8 sản phẩm tham gia bình chọn cấp tỉnh. Tuy nhiên, rất ít địa phương chạm được ngưỡng này. Thậm chí, có huyện chỉ có từ 1-3 sản phẩm như: Lộc Hà, Kỳ Anh, Hương Sơn…

Chương trình bình chọn là "tấm vé VIP" để quảng cáo sản phẩm trên thị trường

Chương trình bình chọn là "tấm vé VIP" để quảng cáo sản phẩm trên thị trường

Chúng tôi được biết một thực tế đáng buồn khi về miền biển Thạch Kim (Lộc Hà) là các sản phẩm do người dân địa phương làm ra bị xuất thô, sau đó lại nhập về khi đã được gắn mác đặc sản của tỉnh bạn. Ông Bình - chủ doanh nghiệp tư nhân Xuân Phượng (Thạch Kim) cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất ruốc để nhập cho các tỉnh phía Nam, sau đó, họ đóng gói, dán nhãn mác và nhập vào các siêu thị, trong đó, có siêu thị tại Hà Tĩnh với giá cao gần gấp đôi so với giá mua ban đầu. Chúng tôi cũng rất mong muốn làm được sản phẩm hoàn chỉnh nhưng do chưa có điều kiện, cộng với việc chưa được tư vấn, tìm hiểu cách làm cụ thể về các thủ tục cần thiết để xây dựng thương hiệu. Riêng về chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thì doanh nghiệp chưa từng được tiếp cận thông tin”.

Theo ông Nguyễn Công Tùng Lâm - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lộc Hà: Hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn đều nhỏ lẻ, ít có khả năng sản xuất công nghiệp là một hạn chế khi tham gia bình chọn. Trong khi đó, thời gian triển khai chương trình chưa phù hợp bởi cán bộ phòng ít, lại trùng với thời điểm phải tập trung cho các vấn đề khác như chuyển đổi mô hình quản lý chợ, quản lý thị trường...

Hay như ở huyện mới Kỳ Anh, vẫn biết còn nhiều bộn bề nhưng việc thực hiện chương trình này vẫn chưa được các cấp cơ sở quan tâm đúng mức. Nếu như ngày 26/10/2015, UBND huyện có công văn đề nghị UBND các xã lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của địa phương để tham gia chương trình thì đến ngày 7/12/2015, lại phải ra một văn bản nghiêm khắc phê bình vì không có xã nào có sản phẩm đăng ký. Trầy trật đến gần phút chót, huyện mới tìm ra được một sản phẩm để tham dự…

(còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast