Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động tới Việt Nam ra sao?

Ý kiến chuyên gia cho rằng trong kịch bản xấu nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể vận hành ổn định khi đã hình thành những sản phẩm mũi nhọn và ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tới GDP Việt Nam có thể chỉ là 0,05 điểm phần trăm.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động tới Việt Nam ra sao?

Ảnh minh họa

Sau quyết định mới đây của Mỹ về việc tăng mạnh thuế nhập khẩu lên khoảng 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong đó chủ yếu là hàng công nghệ, nhiều người quan ngại rằng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ mối căng thẳng này.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế từ hội thảo “Chủ động trước các cú sốc - Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô” tổ chức ngày 9/7 tại Đại học Ngân hàng TPHCM, trong thời điểm hiện tại, đây chưa phải là hiện tượng đáng quan ngại hàng đầu, bởi “trong nguy vẫn có cơ”.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tác động của căng thẳng thương mại này trước mắt và trực tiếp tới kinh tế Việt Nam chưa quá lớn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ bị thiệt hại và gặp áp lực từ quy định mới này hẳn đã và đang “phàn nàn” với chính phủ xứ cờ hoa để tìm lối ra.

“Còn hiện tượng hàng Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam để tìm đường xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ tất nhiên là có thể xảy ra trên thực tế, nhưng đây không phải là lượng lớn”, ông Võ Trí Thành nhận định.

Từ khía cạnh của chuyên gia tài chính doanh nghiệp, TS. Lê Thẩm Dương từ Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, dư luận đang bị cuốn theo cách nghĩ “quan sát hành động của người ta và tìm cách chống đỡ”, thay vì nỗ lực tự cường, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt, cổ vũ khởi nghiệp… để tăng khả năng “miễn dịch” của nền kinh tế trước virus “cảm cúm”.

Ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này cũng cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa hẳn là sự việc bi quan, bởi mọi thứ đều có tính 2 mặt. Về lý thuyết, khi có tác động lớn từ bên ngoài thì một cân đối kinh tế mới sẽ tự động được xác lập để thích nghi. Trong kịch bản xấu nhất, nền kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước khác, vẫn có thể vận hành ổn định khi đã hình thành những sản phẩm mũi nhọn, tức nắm giữ một vài mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu (với Việt Nam đó có thể là nông nghiệp và kinh tế biển).

Hơn nữa, Trung Quốc có biên giới với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, không cứ gì hàng hóa từ đây sẽ chỉ tràn qua Việt Nam. Những hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ cũng không hẳn là các mặt hàng có thể tìm được thị trường tiêu thụ ở Việt Nam.

“Ngoài ra, động thái của Việt Nam trên mặt trận kinh tế đối ngoại cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc lượng hàng hóa này có thể ‘tràn’ vào Việt Nam hay không”, TS. Lê Thẩm Dương nhận định thêm.

Ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam chưa rõ ràng

Trong khi đó, nhìn từ khía cạnh vĩ mô, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, hiện tại các rủi ro về việc Mỹ tăng thuế lên hàng nhập khẩu chưa “động” đến các sản phẩm về công nghệ nhập từ Việt Nam. Chỉ có quan ngại về lượng hàng xuất khẩu của khu vực FDI sang Trung Quốc, rồi từ đó xuất sang Mỹ mà thôi.

Vị chuyên gia Fulbright cũng tin rằng, những ngày này thị trường Việt Nam chưa có tính toán và dự báo cụ thể về ảnh hưởng định lượng của căng thẳng Mỹ-Trung lên kinh tế Việt Nam. Cụ thể, “nếu Mỹ áp thuế 25% cho hàng công nghệ từ Trung Quốc thì bao nhiêu phần trăm kim ngạch của nước này bị tác động? Trong phần bị ảnh hưởng đó có bao nhiêu là hàng nhập từ Việt Nam…”, ông Thành đặt vấn đề.

Còn theo thông tin được cung cấp tại hội nghị, tính toán của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy: Nếu vì căng thẳng thương mại mà hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu tới Mỹ được nữa thì kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tối đa là một điểm phần trăm GDP - tức từ mức tăng trưởng giả định 6,7% nay có thể lui về còn 5,7%. Tuy nhiên, đây chỉ là tính toán lý thuyết, còn trên thực tế, chắc chắn vẫn sẽ có nhiều mặt hàng Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu vào Mỹ. Và lúc đó ảnh hưởng tới GDP Việt Nam có thể chỉ là 0,05 điểm phần trăm.

Từ phía doanh nghiệp mà nói, sự lo lắng đương nhiên là dễ hiểu khi không ai biết căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc sẽ còn leo thang ra sao. Doanh nghiệp có thể còn e ngại sẽ khó bán hàng sang Trung Quốc hơn, vì bản thân nước này còn “ứ đọng” hàng hóa tại thị trường nội địa.

Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh lạc quan, có thể thấy nhiều mặt hàng Việt Nam và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau rất mạnh khi xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt những hàng hóa từ các ngành thâm dụng lao động (ví dụ như dệt may) sẽ trở thành lợi thế của Việt Nam một khi cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung “lấn sân” sang các lĩnh vực khác. Còn tạm thời “ở bước đầu của cuộc căng thẳng thương mại này, tác động lên kinh tế Việt Nam là chưa đầy đủ”, ông Thành nhận xét.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast