Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 dự báo tăng nhẹ

Nguyên nhân do tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 11/3/2015 và điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3/2015, cộng với nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ có thể tăng do yếu tố mùa vụ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 dự báo tăng nhẹ ảnh 1

Tác động theo độ trễ của giá xăng, điện

Cụ thể, trên thị trường thế giới, giá nguyên, nhiên liệu đang có xu hướng phục hồi sau thời gian liên tục giảm, đồng USD có xu hướng tăng... có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước, nhất là giá các mặt hàng nhập khẩu.

Trong nước, tháng 4/2015 thị trường hàng hoá, dịch vụ chịu tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 11/3/2015 và điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3/2015; nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ (thực phẩm, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch, may mặc...) có thể tăng do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển mùa nóng, kỳ nghỉ lễ dài dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3, 30/4-1/5)...

Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hoá, dịch vụ khá dồi dào; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá sẽ góp phần bình ổn thị trường giá cả tháng 4/2015.

Trước đó theo công bố của Tổng cục Thống kê, do kỳ tính chỉ số giá (CPI) tháng 3/2015 (tính từ 16/2 đến 15/3/2015) vẫn phản ánh diễn biến giá cả thị trường của nửa cuối tháng 2/2015 là thời gian cao điểm Tết Nguyên đán nên CPI tháng 3/2015 tăng nhẹ so với tháng trước.

Trong đó, CPI tháng 3/2015 tăng 0,15% so với tháng 2/20151. CPI tháng 3/2015 tăng chủ yếu do nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng với mức tăng 0,36%; tuy nhiên, do CPI nhóm Giao thông tháng 3/2015 tiếp tục giảm (giảm 0,31%), đã góp phần kiềm chế mức tăng chung.

Quý I/2015: CPI tháng 1/2015 giảm 0,2%, tháng 2/2015 tiếp tục giảm nhẹ ở mức 0,05%, tháng 3/2015 tăng 0,15% so với tháng trước. So với tháng 12/2014, CPI tháng 3/2015 giảm 0,1% (cùng kỳ các năm trước CPI tháng 3 đều có diễn biến tăng).

Nếu so với cùng kỳ năm trước thì CPI bình quân quý I năm 2015 chỉ tăng 0,74%, tốc độ tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. CPI bình quân mỗi tháng trong Quý I có mức giảm nhẹ 0,03%.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2015 giảm 1,63%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,16% so với tháng 2/2015. So với tháng 12/2014, chỉ số giá vàng tăng 1,58%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,19%.

Yếu tố chính tác động đến sự vận động của giá

Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng, gây sức ép tăng giá theo thời điểm đối với một số hàng hoá, dịch vụ (lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, may mặc...). Với diễn biến tăng theo quy luật của các mặt hàng này, đã làm cho CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trong 3 tháng đầu năm 2015 và đóng góp lớn nhất vào mức tăng CPI chung.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2015 ước tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2014, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,23%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 5,1%); trong đó, thương nghiệp bán lẻ và lưu trú, ăn uống tăng lần lượt là 9,97%, 8,85%.

Tuy nhiên, giá cả thị trường quý I/2015 có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá xăng dầu, giá cước vận tải giảm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể: Trong kỳ tính CPI quý I/2015, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 3 đợt (ngày 22/12/2014, 06/01/2015 và 21/01/2015); bên cạnh đó, giá cước vận tải đã được nhiều doanh nghiệp vận tải giảm khá sâu (khoảng 2-35% tuỳ tuyến, tuỳ loại xe), nên tác động làm CPI nhóm giao thông ba tháng đầu năm giảm 8,48%, đóng góp giảm 0,75 điểm % của CPI quý I/2015 so với tháng 12/2014.

Giá xăng dầu, giá cước vận tải giảm cũng đã góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá chung. Điều này được phản ánh một phần qua CPI nhóm hàng Hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi mà nhu cầu nhóm hàng này vẫn tăng trong dịp Tết Nguyên đán nhưng CPI tháng 3/2015 của nhóm chỉ tăng 1,17% so với tháng 12/2014, thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước.

Nguồn cung hàng hoá dồi dào, được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân; bên cạnh đó, do Tết năm nay được nghỉ sớm nên áp lực về cầu hàng hoá được phần nào giảm bớt vào thời điểm cận Tết trong khi nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chợ mở cửa bán hàng muộn trước Tết và mở cửa sớm trở lại sau Tết cũng đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân, giảm áp lực về cầu.

Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai và phối hợp triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: giữ ổn định giá xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục trong tháng Tết; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm; cung cấp đầy đủ, ổn định các hàng hóa thiết yếu cho đời sống (điện, nước sạch sinh hoạt, LPG, xăng dầu …); thực hiện Chương trình/phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, quản lý giá cả thị trường, chống buôn lậu; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội...

Nguồn: Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast