Chờ một cơ chế điều hành xăng dầu mới

Việc sửa Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nó liên quan trực tiếp đến “túi tiền” của người dân. Những bất cập đòi hỏi phải có một cơ chế mới, sát hơn với diễn biến của thị trường, do đó Chính phủ đồng ý giao Bộ Công Thương dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84.

Tại dự thảo mới nhất quy định thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày dương lịch với trường hợp tăng giá và tối đa là 15 ngày với trường hợp giảm giá. Đáng quan tâm nhất là biên độ và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu đã có những thay đổi đáng kể. Khi các yếu tố hình thành giá cơ sở tăng trong phạm vi đến 3%, từ 3%-7% và trên 7% sẽ có những điều chỉnh tương ứng, trong đó DN được quyền chủ động tăng giá bán.

Mặc dù vẫn có những quy định ràng buộc DN và cơ quan chức năng vẫn kiểm soát các yếu tố cấu thành giá, tuy nhiên quy định như vậy có nghĩa DN sẽ được “nới” thêm quyền tăng giá. Khi các yếu tố hình thành giá tăng trong phạm vi quy định, DN chỉ cần kê khai giá với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước vài ngày.

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo lắng khi thị trường xăng dầu ở Việt Nam chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa. Với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho DN tự quyết định giá dù là trong biên độ nhỏ cũng là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Nếu thị trường chưa vận hành theo đúng nghĩa, thì việc trao quyền cho DN sẽ khiến dư luận lo ngại rằng giá xăng dầu chỉ có tăng mà không có giảm.

DN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, điều đó là rõ ràng. Một DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chiếm thị phần lớn trên thị trường, một mặt luôn miệng kêu lỗ, nhưng báo cáo tài chính qua các năm đều cho thấy có lãi (kể cả từ kinh doanh xăng dầu - ngoài lãi đầu tư ngoài ngành).

Mặc dù trong điều hành xăng dầu gần đây đã tiệm cận tới nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước - người dân và DN, bởi DN cũng phải sẻ bớt phần lợi nhuận định mức để giảm độ tăng của giá xăng dầu, tuy nhiên người dân hiện vẫn phải trả giá khá cao cho mặt hàng này.

Trước bức xúc của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận trách nhiệm về việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84 và hứa sẽ sớm hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ký ban hành Nghị định mới.

Dư luận chờ đợi một cơ chế điều hành giá mới được đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp thị trường, nhưng đồng thời vẫn phải tránh được tình trạng độc quyền, lạm quyền của một số DN như hiện nay.

Theo Vĩnh Hà/baohaiquan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast