Chưa bổ sung cước vận tải bằng ô tô vào danh mục bình ổn giá

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá.

Chưa bổ sung cước vận tải bằng ô tô vào danh mục bình ổn giá ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá.

Thông tin này được Văn phòng Chính phủ truyền đạt lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 3292/VPCP KTTH.

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý giá cước vận tải bằng ô tô theo quy định hiện hành.

Chưa đủ căn cứ pháp lý

Trước đó, sau khi xin ý kiến các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá (BOG) phải đáp ứng cả hai tiêu chí: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

Biện pháp bình ổn giá chỉ được thực hiện trong các trường hợp khi giá hàng hóa, dịch vụ này có biến động bất thường và khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG do Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng theo Bộ Tài chính, theo quy định hiện hành, giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định (bao gồm cả xe buýt tuyến cố định) và vận tải hành khách bằng xe taxi thuộc danh mục dịch vụ phải kê khai giá. Đối với các dịch vụ vận tải bằng xe ô tô còn lại (vận tải bằng hợp đồng, vận chuyển khách du lịch và vận tải hàng hóa), UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế để bổ sung vào danh mục kê khai giá tại địa phương theo quy định.

“Cơ chế quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên đây đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất khi tham gia ý kiến với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Nghị định số 177/2013/NĐ-CP”, Bộ Tài chính cho biết.

Khó thực hiện bình ổn giá, nhất là giá trần

Cùng với việc đề dẫn các văn bản pháp lý có liên quan, Bộ Tài chính cũng cho biết, thị trường vận tải Việt Nam hiện có sự tham gia của nhiều loại hình vận tải như tàu hỏa, máy bay, tàu thủy và ô tô. Trong đó, vận tải bằng xe ô tô có lợi thế và hiệu quả đối với vận chuyển ở cự ly ngắn, đưa hành khách, hàng hóa từ “door to door”; các loại hình có ưu thế vận chuyển đường dài với khối lượng lớn phải kể đến loại hình vận tải thủy và đường sắt; ưu thế vận chuyển nhanh thuộc về phương tiện máy bay.

Vì vậy, trong thị trường với sự tham gia của nhiều loại hình vận tải, có thể đánh giá vận tải ô tô là dịch vụ quan trọng, nhưng thực tiễn thị trường vận tải cho thấy chưa đủ cơ sở để bổ sung dịch vụ vận tải bằng xe ô tô vào danh mục dịch vụ bình ổn giá theo Luật Giá.

Cũng theo Bộ Tài chính, đánh giá được mức độ quan trọng và đặc điểm của loại hình dịch vụ vận chuyển bằng xe ô tô, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giá và pháp luật hiện hành quy định cơ chế quản lý, điều hành giá cước bằng xe ô tô theo nguyên tắc thị trường. Cụ thể: các đơn vị tự quy định giá cước theo cơ chế thị trường và thực hiện kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay, thị trường vận chuyển bằng xe ô tô là thị trường có tính cạnh tranh cao với nhiều người mua và nhiều người bán. Theo thống kê hiện tại có khoảng 2.681 doanh nghiệp, 586 hợp tác xã, hộ kinh doanh gia đình tham gia thị trường. Đồng thời, thông tin giá cước được niêm yết công khai tại nơi bán vé và mặt ngoài trên phương tiện vận chuyển.

Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh, để tồn tại và phát triển, các đơn vị vận tải bằng xe ô tô cạnh tranh không chỉ bằng chất lượng dịch vụ mà còn cạnh tranh về giá cước. Trên cùng tuyến đường có rất nhiều phương tiện của nhiều đơn vị vận tải tham gia kinh doanh với chất lượng dịch vụ khác nhau (xe có điều hòa, xe không có điều hòa, xe giường nằm...), hành khách có nhiều cơ hội thể quyết định lựa chọn loại xe, lựa chọn hãng vận tải để phục vụ nhu cầu đi lại của mình.

"Do tính đa dạng của nguồn cung, giá cước vận tải ô tô phụ thuộc vào loại phương tiện, quy mô đơn vị vận tải, cự ly vận chuyển, tuyến vận chuyển, chất lượng dịch vụ... nên có rất nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp BOG theo quy định tại Luật Giá khó thực hiện được, nhất là biện pháp quy định giá trần", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Về các biện pháp trong trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải điều hành quản lý giá cước vận tải. Đồng thời tiếp tục đôn đốc sát sao, đề nghị các địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cước vận tải trên địa bàn; công khai, minh bạch các thông tin về giá vé và chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải tại bến xe để hành khách lựa chọn./.

Tính đến thời điểm hết tháng 2/2015, theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Tài chính, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%-32% (phổ biến giảm từ 3-10%), giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3%-25% (phổ biến giảm từ 5-10%) so với lần kê khai liền kề (tùy thời gian kê khai liền kề của mỗi đơn vị kinh doanh vận tải).

Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đồng thời với sự phối hợp của các địa phương, tình hình giảm giá cước đã diễn ra trên tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua theo dõi, thống kê thì tại các địa phương, số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải kê khai giảm giá cước với tỷ lệ phù hợp với xu hướng giảm của giá nhiên liệu đã tăng lên đáng kể (nhiều đơn vị đã kê khai giảm giá nhiều lần). Một số đơn vị chưa kê khai giảm giá hoặc kê khai giảm giá với tỷ lệ còn hạn chế thì liên Bộ, các đoàn kiểm tra đã chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương yêu cầu các đơn vị này phải tính toán, giảm giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm của giá nhiên liệu. Hầu hết các đơn vị này đều đã cam kết, thực hiện.

Theo Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast