Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Cần những bước đi phù hợp

(Baohatinh.vn) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ và tỉnh về việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang tổ chức doanh nghiệp (DN), HTX, thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng các phương án, kế hoạch với lộ trình đã vạch sẵn. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã nảy sinh những vấn đề bất cập...

Từ thành công của một mô hình điểm

Triển khai chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, TP Hà Tĩnh đã có sự khởi đầu khá tốt đẹp bằng việc kêu gọi DN vào đầu tư xây dựng công trình chợ Trung Đình (phường Thạch Quý). Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, chợ Trung Đình do HTX Tân Thành quản lý, với những khó khăn ban đầu, đã trở thành điểm giao thương, buôn bán sôi động, phong phú. Theo thiết kế, chợ Trung Đình có diện tích 3.500 m2 với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, quy mô trên 150 ki-ốt kinh doanh.

Chợ Trung Đình là mô hình chợ đầu tiên trên địa bàn thành phố do doanh nghiệp, HTX quản lý.
Chợ Trung Đình là mô hình chợ đầu tiên trên địa bàn thành phố do doanh nghiệp, HTX quản lý.

Ông Nguyễn Văn Sự - Chủ nhiệm HTX Tân Thành cho biết: “Để biến ý tưởng thành hiện thực, bên cạnh sự chịu khó tìm tòi, học hỏi thì chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền thành phố trong việc hoàn thành các thủ tục, giấy tờ liên quan, đồng thời giúp chúng tôi tiếp cận được các chính sách hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu chủ yếu của chúng tôi khi đầu tư dự án này là mang đến cho người dân một điểm đến tin cậy với nhiều mặt hàng phong phú, chất lượng và mặt bằng giá cả đảm bảo”.

Đến với chợ Trung Đình, người dân còn rất yên tâm bởi công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Hiện nay, chợ Trung Đình có khoảng 100 hộ dân kinh doanh. HTX đang tiếp tục vận động, kêu gọi các hộ dân đăng ký, cố gắng không để gian hàng nào bị bỏ trống. Trước mắt, HTX chưa thu phí các phương tiện khi gửi tại chợ; đối với một số trường hợp gặp khó khăn ban đầu, HTX tiến hành hỗ trợ một phần kinh phí để bà con có điều kiện đầu tư kinh doanh.

Cần những giải pháp phù hợp

Theo kế hoạch thực hiện chủ trương của tỉnh, sau việc chuyển đổi thành công chợ Trung Đình, thành phố phải thực hiện chuyển đổi 8 khu chợ khác. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh - Lương Quốc Tuấn cho biết, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ được lãnh đạo thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, thành phố đã thành lập một ban chuyên trách để triển khai các nội dung liên quan. Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi 3 khu chợ trong năm 2014 gồm: Bắc Hà, Thạch Hạ và Thạch Môn.

Đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi tất cả các chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này không hề đơn giản. Trong đó, vướng mắc đầu tiên là chuyện giải quyết việc làm cho người lao động sau chuyển đổi. Chẳng hạn như: tại chợ trung tâm thành phố, nếu như chuyển cho DN quản lý thay vì mô hình đang vận hành hiện nay, thì phải tính đến việc bố trí việc làm cho 168 con người của Ban Quản lý chợ để không ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của họ…

Đối với các chợ ở khu vực nông thôn, về cơ bản, cơ sở hạ tầng ít được quan tâm đầu tư. Vì vậy, khi các DN, HTX muốn vào hoạt động thực sự thì phải bỏ một khoản đầu tư khá lớn để xây dựng từ đầu, trong khi đó, do điều kiện cuộc sống của người dân nông thôn còn khó khăn nên nhu cầu cũng hạn chế, khó thu hồi vốn. Cùng đó, các chợ nông thôn từ trước đến nay đều do xã quản lý, thu phí; nếu thực hiện chuyển đổi thì các xã có chợ sẽ mất đi một nguồn thu không nhỏ.

Chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang tổ chức DN, HTX, theo các nhà quản lý cũng như nhiều người dân là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, với những khó khăn, vướng mắc như chúng tôi đã tìm hiểu và đề cập, đòi hỏi việc thực hiện phải được hoạch định từ một chiến lược tổng thể và những giải pháp, bước đi phù hợp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast