Chuyển đổi mô hình quản lý chợ (Kỳ 2): Muôn vàn hệ lụy

(Baohatinh.vn) - Thực tế lâu nay, hệ thống chợ được xem như là công trình phúc lợi xã hội nhưng vấn đề quản lý cũng như hiệu quả hoạt động chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Việc buông lỏng này đã để lại những hệ lụy không nhỏ.

>>Kỳ 1: Bất cập trong quản lý

Thất thu ngân sách

Những năm qua, hệ thống chợ trên địa bàn đã được đầu tư khá bài bản, trong đó chủ yếu là kinh phí từ ngân sách, chỉ có một ít chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc công tư kết hợp. Tuy nhiên, việc giám sát các hoạt động từ mô hình quản lý, tổ chức, đến phương pháp thu phí để tăng thu tại các chợ không được quan tâm đúng mức, dẫn đến thất thu ngân sách không nhỏ.

Chợ Thạch Hạ ở TP Hà Tĩnh nhưng chỉ khoán thu 23 triệu đồng/năm, trong khi chợ Nhe (Vĩnh Lộc) thu phí đạt gần 160 triệu đồng.

Chợ Thạch Hạ ở TP Hà Tĩnh nhưng chỉ khoán thu 23 triệu đồng/năm, trong khi chợ Nhe (Vĩnh Lộc) thu phí đạt gần 160 triệu đồng.

Theo báo cáo của đoàn liên ngành về kiểm tra hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh, hiện nhiều chợ có mở sổ sách kế toán, nhưng đã thể hiện dấu hiệu thất thu ngân sách. Ví như, chợ TP Hà Tĩnh, có 1.987 hộ kinh doanh với 2.524 quầy, tổng thu năm 2012 là 10,8 tỷ đồng; năm 2013 là 12,421 tỷ đồng, nhưng BQL không kê khai các khoản thu như phí vệ sinh, phí bảo vệ… nên tổng số phí, lệ phí trong năm 2012, 2013 mà BQL phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo số liệu kiểm tra của đoàn liên ngành tháng 3/2014 là 2,517 tỷ đồng. Một số khoản thu chưa có quy định của các cơ quan có thẩm quyền về mức thu, tỷ lệ % được để lại như: phí sử dụng lề đường; một số khoản phí đơn vị tự đặt ra nhưng chưa có trong quy định như: bảo vệ, chuyển nhượng quầy hàng, quản lý điện, nước… Các khoản thu này chiếm khoảng 30-37% tổng số thu tại chợ và BQL chợ thành phố giữ lại 100% để phục vụ hoạt động thường xuyên. Sở hữu một diện tích “vàng” mênh mông giữa trung tâm thành phố, nhưng mỗi năm, chợ TP Hà Tĩnh cũng vất vả lắm mới nộp được 1,6 tỷ đồng vào ngân sách!

Theo báo cáo của đoàn liên ngành thì không riêng chợ thành phố, mà hầu hết các chợ được kiểm tra đều phát hiện nhiều khoản thu (năm 2012 và 2013) BQL không kê khai. Tại chợ Hồng Lĩnh, BQL không kê khai các khoản thu như phí vệ sinh, bảo vệ và các khoản thu khác nên tổng số phí, lệ phí mà BQL chợ Hồng Lĩnh phải nộp thêm vào NSNN là 142 triệu đồng. Một số chợ như chợ Tây Sơn, chợ Phố Châu (Hương Sơn)… BQL chưa sử dụng biên lai phí của cơ quan thuế ban hành, không thể hiện nguồn thu vào ngân sách. Đoàn liên ngành cũng đã đề nghị truy thu chợ Tây Sơn 433 triệu đồng, chợ Phố Châu 1,172 tỷ đồng trên tổng thu hơn 3 tỷ đồng. Trong khi đó, chợ Giang Đình (Nghi Xuân), tổng thu là 1,121 tỷ đồng nhưng đơn vị đã nộp vào NSNN 1,014 tỷ đồng (đạt 90,44%); chợ Sơn (Hương Khê) là 3,182 tỷ đồng nhưng đã nộp ngân sách 2,796 tỷ đồng (đạt 87,9%); chợ thị trấn Vũ Quang, tổng thu 123 triệu đồng, đã nộp đủ 100% vào NSNN. Tại chợ Kỳ Anh, từ ngày 1/1/2013 chuyển đổi hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, đã tăng thu thêm 420 triệu đồng so với trước.

Hầu hết các chợ hạng 2 và hạng 3 khác trên địa bàn, UBND các xã, thị trấn khoán cho các tổ chức, cá nhân thu không mở sổ sách kế toán, không dựa trên căn cứ, quy định cụ thể nào; không áp dụng phương thức đấu thầu mà giao khoán và không sử dụng biên lai trong thu phí, lệ phí nên nguy cơ thất thu ngân sách rất lớn. Cũng là chợ hạng 2 (chợ trung tâm của các huyện) nhưng nếu các chợ do UBND huyện, xã lập BQL hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì tổng thu rất cao, còn nếu để khoán thu thì mức giá rất thấp. Năm 2013, BQL các chợ thu số tiền như sau: Phố Châu 1,536 tỷ đồng; Hồng Lĩnh 1,317 tỷ đồng, Giang Đình 857 triệu đồng, chợ Sơn 1,731 tỷ đồng, Kỳ Anh 2,805 tỷ đồng… Trong khi, cũng chợ cấp 2 nhưng để thị trấn khoán thu thì mỗi năm, chợ Thạch Hà chỉ khoán thu 204 triệu đồng, chợ Đức Thọ 264 triệu đồng, chợ Nghèn 390 triệu đồng… Thậm chí, chợ Thạch Hạ, nằm ở TP Hà Tĩnh, họp đều tất cả các ngày nhưng mỗi năm chỉ khoán thu được 23 triệu đồng; trong khi chợ Nhe (Can Lộc) 2 ngày họp một phiên nhưng mỗi năm thu được 157 triệu đồng… Các số liệu trên cho thấy, mức thu ở các chợ có sự chênh lệch rất lớn. Đây chính là những dấu hiệu thất thu ngân sách!

Tuy nhiên, qua làm việc với chúng tôi, các BQL chợ đều đưa ra nhiều lý do, nhưng chung quy lại là… không thể nộp các khoản mà đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị nộp thêm! Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ thành phố cho rằng, trong nhiều khoản thu mà đoàn liên ngành kết luận, đơn vị không kê khai, không nộp vào ngân sách, thì hầu hết các khoản đó không thấy quy định nào phải nộp vào NSNN. Mà, không quy định nộp vào ngân sách thì đơn vị có quyền thu và… để lại chi (?!)

Không có vốn tái đầu tư

Mặc dù hầu hết các chợ trên địa bàn đều được đầu tư từ nguồn NSNN, nhưng rất nhiều trong số đó đều không có hồ sơ xây dựng, không theo dõi quản lý và khấu hao tài sản; quản lý nhà nước lỏng lẻo, quản lý thu chi tùy tiện...

Hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Vườn Ươm (Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) được bày bán ngay sát nhà vệ sinh.

Hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Vườn Ươm (Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) được bày bán ngay sát nhà vệ sinh.

Các khoản thu tại chợ chỉ đủ đáp ứng kinh phí trả lương cho người lao động; số nộp vào ngân sách địa phương là rất ít. Mức thu này quá thấp so với quy mô diện tích, nguồn vốn đầu tư ban đầu để tổ chức kinh doanh tại các chợ; giá trị nộp lại vào ngân sách địa phương quá nhỏ để có thể hoàn trả vốn đầu tư và thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa phục vụ các hoạt động kinh doanh dài hạn… Chính vì nguồn thu quá thấp, các chợ không được tái đầu tư xây dựng nên ngày càng xuống cấp. Một số chợ hạng 3 như Trạm Voi (Kỳ Anh), chợ Bộng (Vũ Quang), chợ Giấy (Đức Thọ) mặc dù trước đây đã được xây dựng kiên cố nhưng sau một thời gian dài hoạt động không được tu bổ, cải tạo chắp vá nên cơ sở vật chất đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh, không phát huy được tiềm năng của chợ. Chợ thị trấn Kỳ Anh, Hồng Lĩnh, chợ Sơn, chợ Bộng… có số lượng người kinh doanh đông, dẫn đến quá tải, xuống cấp, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC nhưng đến nay không có nguồn để mở rộng, nâng cấp.

Ngay cả chợ trung tâm của huyện Thạch Hà, mặc dù nằm sát QL 1A, ngay trung tâm thị trấn và cận kề TP Hà Tĩnh, nhưng từ khi đầu tư xây dựng đến nay, huyện giao thị trấn quản lý và thị trấn giao cho cá nhân ông Đồng Xuân Tam - công dân thị trấn nhận khoán với mức giá chỉ 17 triệu đồng/tháng (204 triệu đồng/năm). Vì nguồn thu nhỏ, UBND thị trấn không tái đầu tư nên đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết hệ thống mương thoát nước trong chợ đã hư hỏng, không phát huy tác dụng; hệ thống bể nước chống cháy thì nhiều năm nay không đựng được giọt nước nào nên ông Tam đã mua về 2 cái thùng bé tý để chống chế; công trình vệ sinh thì làm xong là… hỏng luôn, nên bà con tiểu thương, khách hàng cứ “vô tư” phóng uế bừa bãi tại một góc chợ!

Ông Tam cho biết: “Tôi đã nhiều lần trình xin thị trấn cho tu sửa các hạng mục này nhưng chưa có kết quả”!

1. Ngày 30/5/2014, UBND tỉnh đã ban hành quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang hình thức doanh nghiệp và HTX quản lý chợ, thay thế những kiểu quản lý khoán thu tùy hứng trước đây. Việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, HTX quản lý chợ là cần thiết và cấp bách.

2. Theo đề xuất, tham mưu của đoàn liên ngành, UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương liên quan khảo sát, xây dựng, điều chỉnh các loại phí phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tế giá cả hiện hành. Các ngành liên quan và thành phố xây dựng phương án chuyển đổi hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp khai thác và quản lý chợ thành phố sang mô hình doanh nghiệp quản lý. Đối với các chợ hạng 2, tuyên truyền kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư PPP, nhân rộng mô hình doanh nghiệp đầu tư, khai thác và quản lý. Đối với các chợ hạng 3 do UBND cấp xã quản lý nhưng quy mô nhỏ, có thể giao tổ quản lý chợ, nhưng tổ trưởng phải là công chức xã kiêm nhiệm chứ không giao cá nhân nhận khoán.

Các địa phương xây dựng kế hoạch thu ngân sách đối với các chợ trên địa bàn và phối hợp tốt với ngành Thuế thực hiện thu đúng, thu đủ cũng như hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện tốt chế độ sử dụng biên lai phí, lệ phí về các khoản thu phí chợ, nộp ngân sách đầy đủ theo quy định. Hàng năm, các địa phương lập kế hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ. Theo đó, cần thu hồi các quyết định đã giao khoán sai quy định; mở sổ sách theo dõi, quản lý tài sản đã được đầu tư. Đối với các công trình không còn hồ sơ lưu trữ, các địa phương cần thành lập hội đồng định giá lại tài sản chợ để đưa vào quản lý, theo dõi, hạch toán kế toán, khấu hao tài sản, thu hồi vốn đầu tư theo đúng quy định…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast