CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63%

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước, theo đó, bình quân CPI cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014.

Giá lương thực thực phẩm tăng do nhu cầu chuẩn bị hàng Tết của người tiêu dùng. Ảnh: TL

Tính riêng trong tháng 12/2015, có 7/11 nhóm hàng tăng với mức tăng không đáng kể. Cụ thể, may mặc, mũ nón giày dép tăng 0,32%. Tiếp đến là các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%, riêng lương thực tăng 0,45%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%...

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính khiến các nhóm hàng này tăng giá phần lớn là do nhu cầu lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng tăng nhằm chuẩn bị các mặt hàng phục vụ Tết. Bên cạnh đó, các tỉnh phía Bắc thời tiết chuyển sang mùa đông nên nhu cầu về mặt hàng quần áo, giày dép tăng. Giá gas tăng 5,38% so với tháng 11 do các doanh nghiệp tăng giá từ 1/12 cũng là một phần góp vào sức tăng chung của CPI tháng này.

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông vẫn tiếp tục giảm 1,57%, riêng nhóm nhiên liệu giảm 3,39% so với tháng 11. Giá xăng và dầu diezen giảm vào các ngày 18/11 và 3/12 là nguyên chính khiến nhóm giao thông giảm. Các nhóm còn lại giảm với mức không đáng kể.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2015 tăng ít nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong tháng này, tỷ giá USD tăng 0,69% so với tháng 11 do áp lực tăng tỷ giá từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất 0,25% cùng với việc nhu cầu thanh toán cuối năm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá vàng vẫn tiếp tục giảm theo biến động của giá vàng thế giới với mức giảm 2,8%. Tuy nhiên, giá vàng trong nước giảm chậm hơn giá vàng thế giới, khoảng cách giữa 2 thị trường lên tới 4 triệu đồng/lượng.

Với kết quả của tháng 12, CPI năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây với mức tăng bình quân mỗi tháng là 0,05%. Bình quân năm 2015 tăng 0,63% so năm 2014, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.

Theo Tổng cục Thống kê, khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường./.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast