CPI tháng 10 tăng thấp nhất trong 10 năm qua

Giá xăng dầu liên tục giảm, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào… đã góp phần vào sự ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10. Theo đó, CPI tháng 10 tăng 0,11% so với tháng 9 và tăng 2,26% so với cuối năm 2013. Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2005 trở lại đây.

CPI tháng 10 tăng thấp nhất trong 10 năm qua ảnh 1

CPI ổn định

Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt 251.195 tỷ đồng tăng 1,56% so với tháng 9, trong đó, thương nghiệp tăng trưởng cao. Lũy tiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2014 đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm 2013. Trong cơ cấu loại hình kinh tế, nhóm có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có mức tăng cao nhất (20%), các nhóm còn lại chỉ tăng từ 9 - 11%. Như vậy, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, sau 10 tháng, CPI chỉ tăng 2,26% so với tháng 12/2013. Trong cơ cấu CPI 10 tháng, giáo dục vẫn là nhóm có mức tăng cao nhất (8,18%); tiếp đến là các nhóm tiêu dùng: Đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng hóa dịch vụ khác tăng từ 2,69- 3,04%, chủ yếu tăng vào các dịp lễ, tết và giai đoạn chuyển mùa; các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,2- 2,56%. Riêng các nhóm bưu chính viễn thông và vật liệu xây dựng giảm lần lượt 0,41% và 0,23%.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho biết: Năm 2014 là năm có chỉ số CPI thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây. CPI ổn định do nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, xăng dầu, PLG 3 lần giảm giá liên tiếp…

Bà Đỗ Tuyết Mai- Phó Cục trưởng Cục Nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- cho rằng, những tháng gần đây, nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định. Hiện chăn nuôi đang có lãi, dịch bệnh được khống chế, nên đã khuyến khích các hộ tái đàn, tạo nguồn cung dồi dào.

CPI tháng 11 sẽ cao hơn tháng 10

Đó là nhận định của các thành viên Tổ điều hành, do một số mặt hàng phục vụ tiêu dùng, quần áo sôi động hơn. Nhu cầu sử dụng một số mặt hàng phân bón, vật liệu xây dựng sẽ tăng do vào chính vụ. Tuy nhiên, vì nguồn cung các mặt hàng này dồi dào nên giá cả sẽ không biến động mạnh. Ông Thắng dự báo, CPI hai tháng cuối năm sẽ tăng nhưng không nhiều, dự báo CPI cả năm tăng khoảng 4,4- 4,5%

Bà Nguyễn Thúy Nga- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)- phân tích, những tháng tới, các địa phương và doanh nghiệp bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, vì vậy nhu cầu tăng cao hơn. Trong thời điểm này, cần chú ý tới việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Cuối năm, kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng, thị trường sẽ có biến động nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao trước và trong Tết Nguyên đán, vì vậy, để bảo đảm thị trường ổn định cần triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Theo Thúy Hà/Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast