Đi chợ Tết Đoan ngọ

(Baohatinh.vn) - Tết Đoan ngọ năm nay trùng vào ngày nghỉ nên khá thuận lợi cho mọi người, mọi nhà sắm lễ. Không khí mua sắm vì thế cũng đông đúc, nhộn nhịp hơn so với mọi năm…

Tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch hàng năm) còn gọi là tết diệt sâu bọ, từ lâu đã trở thành truyền thống, phong tục của người Việt. Nếu ở các tỉnh phía Nam, bánh tro là nét ẩm thực không thể thiếu, thì với người dân các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Tĩnh, các gia đình thường làm các món ăn từ vịt trong ngày này. Chính vì thế mà hàng vịt ở các chợ đông người qua lại mua sắm.

Đi chợ Tết Đoan ngọ ảnh 1
Đi chợ Tết Đoan ngọ ảnh 2

Lượng người mua vịt khá đông vào sáng mùng năm

Có mặt tại chợ Thạch Lưu (Thạch Hà) vào sáng nay, chúng tôi chứng kiến không khí náo nhiệt, người bán người mua tấp nập. Chị Nguyễn Thị Nguyệt – một người bán vịt cho biết: “Rải rác từ mồng 3, mồng 4, nhưng phải đến sáng nay lượng người mua vịt mới đông. Vịt bán chạy, song nhìn chung giá cả vẫn tương đối ổn định. Vịt còn sống dao động từ 70 – 80 ngàn đồng/con, vịt làm sẵn có giá trên dưới 100 ngàn đồng/con” – chị Nguyệt cho biết thêm.

Chị Lê Thị Mai (Thạch Hà) cho hay: “Đã thành thông lệ, cứ sáng mồng 5/5 là tôi lại ra chợ từ sớm, chọn đôi vịt cỏ ngon nhất về làm cỗ cúng ông bà tổ tiên, các vị thần linh, sau là dịp để gia đình quây quần, sum họp”.

Thịt vịt được xem là món ăn bổ dưỡng và mát, thích hợp với tiết nắng nóng. Theo quan niệm dân gian, từ mồng 5/5 âm lịch trở đi là thời điểm vịt vào mùa. Những con vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn và không còn mùi hôi nữa. Lúc này, mọi người thường chọn loại vịt cỏ, tuy nhỏ hơn song thịt lại thơm ngọt. Tùy theo sở thích, thịt vịt được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như: vịt hấp, vịt om sấu, vịt xáo măng, nấu sả... ăn kèm với bún…, trong đó tiết canh vịt là món ăn khá phổ biến vùng nông thôn…

Đi chợ Tết Đoan ngọ ảnh 3
Đi chợ Tết Đoan ngọ ảnh 4

Trái cây, hoa, hương vàng đắt khách

Đây cũng là thời điểm mùa màng cũng vừa thu hoạch xong, lúa đã đầy bồ, người dân có tục cúng cơm mới. Những bát cơm trắng tinh, dẻo thơm được cung kính ông bà tổ tiên, tỏ lòng thành kính, cầu mong mùa sau mưa thuận gió hòa.

Tại các chợ, trái cây, hoa tươi, cau trầu, vàng mã... là những mặt hàng bán chạy nhất. Hoa quả được chọn trong ngày này chủ yếu là vải thiều, mận, đào, chôm chôm, xoài, dưa hấu… "Nhu cầu lớn, hoa quả cũng nhích hơn so với ngày thường vài ba giá” – chị Hoa, người bán hoa quả ở chợ Cầu Đông (phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) chia sẻ.

Chị Trần Thị Thu (TP. Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ngoài mâm cỗ mặn, tôi chuẩn bị đầy đủ mâm ngũ quả cúng gia tiên để cầu mong sức khỏe, bình an. Và sau là lộc chia cho các thành viên trong gia đình”.

Ngày này, hoa tươi, vàng mã… tương đối đắt khách, tuy nhiên giá chỉ tăng nhẹ. So với Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, cau trầu nay đã “hạ nhiệt” song cũng tăng so với ngày thường, mỗi đĩa dao động từ 7 – 9 ngàn đồng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast