Điều tra, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp lừa người tiêu dùng

(Baohatinh.vn) - Việc một số doanh nghiệp, người tham gia bán hàng cấp lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lòng tin, mối quan hệ thân quen để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng hoặc lôi kéo người tham gia mạng lưới, huy động vốn trái quy định thời gian qua ở Hà Tĩnh đã gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội...

>> Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh

Điều tra, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp lừa người tiêu dùng ảnh 1

Ngày 6/8/2015, Cơ sở Hoàng Giang Phúc ở thị xã Kỳ Anh (điểm mua bán, đại lý ký gửi hàng hóa đa cấp cho Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy) bị ngành chức năng "tuýt còi" do chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của Sở Công thương Hà Tĩnh.

Thống kê của ngành chức năng Hà Tĩnh cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp (DN)/tổ chức liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó đa số không có địa điểm kinh doanh cố định (chỉ có 4/32 đơn vị có điểm kinh doanh cố định); hàng hóa kinh doanh theo phương thức này chủ yếu là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, một số có liên quan đến yếu tố nước ngoài; việc tiếp cận người tiêu dùng cũng được thực hiện từ nhiều hình thức khác nhau (chủ yếu là người thân, bạn bè, sau đó lan tỏa các mối quan hệ khác...).

Mặc dù thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể đã có nhiều cố gắng, phối hợp trong quản lý Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp, song, thực tế vẫn còn những tồn tại, bất cập.

Để xử lý triệt để thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản chỉ đạo ngành chức năng tăng cường phối hợp trao đổi thông tin và kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tổ chức, người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp; tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng qua các kênh khác nhau về các hình thức lừa đảo người tiêu dùng.

Theo đó, Sở Công thương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng Dự thảo Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công báo tỉnh, Bản tin Công thương, Trang Thông tin điện tử ngành về đăng ký, hoạt động của tổ chức/cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp và các nội dung liên quan khi phát hiện vi phạm của các đối tượng bán hàng đa cấp vi phạm; tăng cường phối hợp, kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp của các DN trên địa bàn, đồng thời chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các DN bán hàng đa cấp trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/11/2015.

Điều tra, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp lừa người tiêu dùng ảnh 2

Tranh minh họa về bán hàng đa cấp. Nguồn: Internet

Công an tỉnh bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời các trường hợp có xảy ra lừa đảo, huy động vốn trái phép...; phối hợp với Sở Công thương và các lực lượng chức năng để kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức/cá nhân tham gia bán hàng đa cấp; điều tra, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cần thông tin, cảnh báo người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Các địa phương chủ trì, phối hợp với ngành công thương, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể... công bố, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bán hàng đa cấp, các tổ chức/cá nhân bán hàng đa cấp được phép hoạt động đến cơ quan, đoàn thể, các xã/phường/thị trấn, thôn/xóm/khối phố và người dân trên địa bàn biết, thực hiện; chỉ đạo Đài TT-TH huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền đến người dân các quy định pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp; cảnh báo các hình thức dụ dỗ, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, huy động vốn trái quy định pháp luật; giao nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị chức năng, chính quyền cơ sở đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp...

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast