Doanh nghiệp “ảo”, nỗi lo thật!

(Baohatinh.vn) - Hơn 6.000 doanh nghiệp (DN) có tên trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia nhưng chỉ có hơn 1.900 DN nộp ngân sách; hàng trăm DN không tìm thấy địa chỉ như trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp; nhiều DN bỏ trốn khi chưa hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với nhà nước... là những “nốt trầm” của DN Hà Tĩnh trong thời gian gần đây.

Con số gần 1.200 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN vào cuối năm 2016 đã nói lên nhiều điều về sự giảm sút “sức khỏe” của DN trên địa bàn...

doanh nghiep ao noi lo that

Công ty TNHH Thương mại PHV đăng ký địa chỉ kinh doanh tại số 166, Hải Thượng Lãn Ông (TP Hà Tĩnh) nhưng trên thực tế không có biển hiệu tại địa chỉ này.

doanh nghiep ao noi lo that

“Khai tử” gần 1.200 doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lần đầu tiên trong nhiều năm lại nay, công tác rà soát, kiểm tra doanh nghiệp (DN) được triển khai đồng bộ, bài bản. Với nhiệm vụ đánh giá thực chất “sức khỏe” của các DN, Sở KH&ĐT cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp vào cuộc “tổng lực” theo trình tự chặt chẽ, khoa học nhằm nắm rõ tình hình hoạt động của các DN, loại bỏ DN không đủ điều kiện hoạt động, thống nhất số liệu DN giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để thuận tiện trong quá trình quản lý nhà nước.

Theo thống kê của cơ quan chức năng trước thời điểm rà soát, Hà Tĩnh có hơn 6.200 DN đăng ký kinh doanh nhưng qua đợt thanh lọc tổng thể đã rút giấy chứng nhận đăng ký DN của 1.180 DN và giải thể 166 DN. Điều đáng nói, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đều có DN vi phạm. Đặc biệt, một số địa phương có số DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN cao như thành phố Hà Tĩnh 402 DN, thị xã Kỳ Anh 112 DN, huyện Cẩm Xuyên 78 DN, thị xã Hồng Lĩnh 69 DN…

Ông Nguyễn Đình Diệu – Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT cho biết: “1.180 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN vừa qua có khoảng 70% rơi vào trường hợp như không treo biển hiệu, bỏ địa điểm đăng ký kinh doanh…”. Vậy là, đa số DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN đợt này mặc dù đã được cấp phép hoạt động nhưng chỉ tìm được thông tin, địa chỉ… trên giấy chứng nhận đăng ký DN tại Sở KH&ĐT. Đơn cử như Công ty CP Quang Vinh (TP Hà Tĩnh), Công ty CP Công nghiệp 79 (Cẩm Xuyên)… hay Công ty CP Hợp Phúc có cấp phép mỏ khai thác khoáng sản tại Kỳ Tân (Kỳ Anh) nhưng từ khi cấp phép đến nay không đến địa điểm, không hoạt động…

Hệ lụy nhãn tiền

Phân tích từ các đơn vị chuyên môn, nguyên nhân chính làm hàng loạt DN “biến mất” khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh là do làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, phá sản không thông báo lại với cơ quan chức năng. Tuy vậy, vẫn không loại trừ khả năng các DN lợi dụng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, miễn thuế thu nhập DN nên đã thành lập DN “ma”, DN đăng ký hoạt động nhưng chỉ nhằm lấy tư cách pháp nhân để giao dịch vay vốn, chạy dự án, mua bán hóa đơn… chứ không đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.

Hẳn dư luận chưa thể quên doanh nghiệp “ma” với tên gọi Công ty Xuất nhập khẩu SCI, trụ sở tại xã Sơn Diệm (Hương Sơn) đã chiếm đoạt gần 8,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế vào giữa năm 2015. Mặc dù không có hoạt động xuất nhập khẩu nào nhưng với danh nghĩa Công ty SCI, các đối tượng đã liên hệ với nhiều chủ xe thường xuyên chở hàng sang Lào bán để mở tờ khai hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), hợp thức hóa các thủ tục xuất khẩu. Sau đó, liên hệ mua hóa đơn GTGT mang danh nghĩa công ty SCI mua hàng trong nước để xuất khẩu rồi hoàn thiện hồ sơ, chứng từ đề nghị Cục Thuế Hà Tĩnh hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Ông Trần Nghị - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh cho biết: “Việc tồn tại nhiều DN… trên giấy đã gây không ít khó khăn trong quá trình quản lý của đơn vị. Theo đó, cơ quan thuế mất nhiều thời gian, công sức cho việc rà soát, kiểm tra, xác minh tình trạng hoạt động của DN “ảo” đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, hoạt động một thời gian rồi bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến việc tập trung cho công tác thu ngân sách. Tình trạng DN thành lập để lợi dụng chính sách ưu đãi thuế trong một thời gian, sau đó giải thể, bỏ trốn, hoặc thành lập để ký hợp đồng thi công một số công trình rồi giải thể, không kê khai thuế hoặc kê khai rồi nợ thuế… làm thất thu thuế cũng như không đảm bảo công bằng giữa các DN”.

Cũng theo thông tin từ ngành thuế Hà Tĩnh, do năm 2016 chỉ có 1.992 DN phát sinh thuế (chiếm 29% tổng DN đăng ký kinh doanh) trong khi có đến 2.422 DN không phát sinh thuế nên số thu ngân sách từ DN chỉ đạt 2.880/4.606 tỷ đồng theo kế hoạch… Và, tổng kết công tác thu ngân sách năm 2016, ở sắc thu này, ngành thuế Hà Tĩnh đã bị “vỡ kế hoạch”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast