Dừng gói 30 nghìn tỷ đồng: Người dân bất ngờ, lúng túng!

Nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng (thuộc gói 30 nghìn tỷ đồng) không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi; một số ngân hàng chưa giải thích rõ trong hợp đồng, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng ....

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tại Quốc hội sáng 21/3. Ảnh: DT

Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTUMTTQ) Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 21/3.

Cần giải pháp để người thu nhập thấp được hưởng tiếp ưu đãi mua nhà

Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày cho biết, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đến 29/2/2016, tổng số tiền mà 19 ngân hàng được chỉ định đã ký hợp đồng cam kết cho vay 29.657 tỷ đồng (đạt 98,85%) đối với 45.412 khách hàng và đã giải ngân được 20.900 tỷ đồng, đạt 69,66%. Theo đó, việc cho vay với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho một số hộ gia đình, cá nhân cải tạo, thuê, mua nhà ở.

Đồng thuận với điều này, Chủ tịch UBTUMTTQ cũng cho rằng, việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho nhiều người dân có thu nhập thấp mua được nhà để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, mặt khác, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.

Còn theo UBTVQH, với lãi suất đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014, nhưng vẫn còn khó khăn với thu nhập của một bộ phận người dân. Mặt khác, sự phối hợp của chính quyền một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục hành chính, xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở của cá nhân, hộ gia đình dẫn đến khách hàng không đủ điều kiện được vay vốn theo quy định.

Bên cạnh đó, một số địa phương chậm triển khai cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… Vì vậy, số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội; dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Do vậy, “cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBTUMTTQ nhấn mạnh.

Dân bức xúc vì đa cấp, hàng giả

UBTVQH cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Chủ tịch UBTUMTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, cử tri, nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng; lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, song tình hình vẫn rất nghiêm trọng.

Do vậy, UBTUMTTQ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Do vậy, cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định về bổ sung và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 5/1/2016.

Nhân dân lo lắng về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa

Theo báo cáo của UBTUMTTQ, cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).

Do vậy, đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast