Giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững

(Baohatinh.vn) - Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo trên thực tế thường rất mong manh. Hộ cận nghèo sẽ tiến lên phía trước hay rớt lại phía sau nếu không có thêm nguồn lực? Từ băn khoăn này, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã được triển khai như một giải pháp mở hướng thoát nghèo bền vững cho những người dân ở dưới ngưỡng thu nhập trung bình.

Từ nguồn vốn giàu ý nghĩa nhân văn

Mặc dù mới triển khai chưa đầy 1 năm nhưng chương trình cho vay hộ cận nghèo đã được nhiều địa phương chủ động tiếp nhận và coi đây là cơ hội lớn cho mục tiêu XĐGN. Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến (Hương Sơn) Phan Văn Chúc cho biết: “Ở xã vùng lũ, sản xuất thuần nông, tỷ lệ hộ cận nghèo còn chiếm hơn 29% trong tổng số 1.772 hộ dân. Hộ cận nghèo nếu không may gặp rủi ro trong sản xuất sẽ rất dễ trở lại với điểm xuất phát của hộ nghèo. Bởi vậy, chương trình cho vay cận nghèo thực sự đã thổi một luồng sinh khí giúp những người dân khó khăn có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống”.

Các chương trình tín dụng ưu đãi đã bền bỉ giúp gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn xóm Khe Cò xã Sơn Lễ thoát nghèo bền vững
Các chương trình tín dụng ưu đãi đã bền bỉ giúp gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn xóm Khe Cò xã Sơn Lễ thoát nghèo bền vững

Còn ở địa phương vùng biển ngang Thạch Trị (Thạch Hà), nơi mà một nhân khẩu chỉ có 12 thước đất sản xuất và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn trên 30% thì hành trình để người nghèo và cận nghèo bước ra khỏi vòng luẩn quẩn rất cần sự tiếp sức lâu bền. “Mặc dù hộ cận nghèo có kiến thức sản xuất tốt hơn hộ nghèo nhưng với đối tượng nhạy cảm này, nếu phải vay nguồn vốn lãi suất cao để phát triển kinh tế thì hiệu quả vẫn bấp bênh. Từ khi chương trình cho vay hộ cận nghèo giải ngân những đồng vốn cho vay đầu tiên ở Thạch Trị, những hộ khó khăn đã có điểm tựa mới và không ít mô hình đã khẳng định kết quả đáng mừng” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Trị - Đậu Thị Thủy Sóng chia sẻ.

Đến những câu chuyện thoát nghèo bền vững

4 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn (xóm Khe Cò, xã Sơn Lễ, Hương Sơn) là hộ nghèo được Ngân hàng CSXH Hương Sơn cho vay vốn. Số tiền 10 triệu đồng ở thời điểm đó đủ mua 2 con hươu giống để gia đình nghèo sau hoạn nạn làm lại từ đầu. Chăm chỉ và làm ăn có kế hoạch, gia đình chị Nhàn thường xuyên có thu nhập từ bán hươu giống, nhung hươu và đã thoát nghèo. Tháng 10/2013, tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng, hộ cận nghèo này dồn vốn liếng đầu tư phát triển đàn trâu bò. Sự đồng hành bền lâu của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình chị từng bước vươn lên trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã với đàn gia súc (gồm cả hươu và trâu, bò) đến thời điểm này là 13 con.

“Không chỉ tiếp sức cho chúng tôi trong phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH còn cho vay vốn để con đầu của chúng tôi học đại học. Đến nay, dẫu chúng tôi còn nợ ngân hàng tới 70 triệu đồng vốn của các chương trình nhưng cơ nghiệp có được đã lớn hơn nhiều lần” - chị Nhàn cho biết.

Anh Hồ Văn Dũng (xóm Hồng Dinh, xã Thạch Trị) vay vốn chương trình hộ cận nghèo để thoát nghèo bền vững.
Anh Hồ Văn Dũng (xóm Hồng Dinh, xã Thạch Trị) vay vốn chương trình hộ cận nghèo để thoát nghèo bền vững.

Kênh vốn cho vay hộ cận nghèo đang được khơi thông ở khắp các vùng quê còn nhiều khó khăn, từ vùng núi, vùng xa đến các xã nghèo vùng biển. Theo chân cán bộ tín dụng ngân hàng, chúng tôi đến với mô hình sản xuất gạch táp lô của anh Hồ Văn Dũng (xóm Hồng Dinh, xã Thạch Trị). Giữa trưa hè nắng rát, cha con anh vẫn tranh thủ chuyển mẻ gạch mới ra lò lên xe để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.

Anh Dũng chia sẻ: “Khi bắt tay đầu tư dây chuyền sản xuất hơn 100 triệu đồng, tôi rất lo. Nhưng không quyết làm lấy gì để trang trải cho đại gia đình 4 thế hệ với 9 nhân khẩu. Thật may là chương trình cho vay hộ cận nghèo đã giúp tôi giải quyết một phần bài toán vay vốn với chi phí lãi suất thấp. Cơ sở gạch ra đời tận dụng được nguyên liệu ở địa phương nên giá bán sản phẩm phải chăng, được khách hàng tin dùng. Gạch làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Cả 3 bố con tôi có việc làm thường xuyên với thu nhập khá. Dẫu công việc khá vất vả nhưng điều quan trọng là nỗi ám ảnh của đói nghèo nay đã lùi xa”.

Hộ cận nghèo chỉ được vay khi đã trả nợ một số chương trình tín dụng ưu đãi khác

Theo quy định của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, hộ cận nghèo sẽ được vay vốn để SXKD khi có tên trong danh sách của địa phương (do UBND xã xác nhận), có nhu cầu vay và đủ các điều kiện vay. Ngoài ra, phải hoàn thành việc trả nợ đối với 3 chương trình tín dụng ưu đãi nếu đang còn dư nợ, đó là: cho vay hộ nghèo, cho vay vùng khó khăn và cho vay hộ nghèo làm nhà ở.

Dư nợ cho vay hộ cận nghèo sẽ tăng nhanh trong những năm tới

Theo số liệu từ Ngân hàng CSXH tỉnh, đến thời điểm này, dư nợ của chương trình cho vay hộ cận nghèo đạt 397 tỷ đồng với 15.384 hộ vay. Dự kiến, đến cuối năm, dư nợ sẽ đạt 415 tỷ đồng với 16.085 hộ vay. So với tổng số hộ cận nghèo trên địa bàn là 50.995 hộ thì đối tượng vay vốn của chương trình chiếm hơn 31%. Tuy nhiên, xu hướng dư nợ cho vay hộ cận nghèo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ là một trong những chương trình có dư nợ lớn nhất trong số 13 chương trình tín dụng ưu đãi đang được triển khai trên địa bàn. Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ cận nghèo.

Đề xuất Chính phủ điều chỉnh lãi suất và hạn mức cho vay

Mặc dù lãi suất cho vay hộ cận nghèo đã được điều chỉnh giảm từ 0,845%/tháng (bằng 130% lãi suất hộ nghèo) xuống còn 0,78%/tháng (bằng 120% lãi suất hộ nghèo) nhưng so với mặt bằng lãi suất cho vay thương mại hiện nay

(9-10%/năm đối với cho vay nông nghiệp - nông thôn) thì lãi suất cho vay hộ cận nghèo vẫn còn cao. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hạn mức vay 30 triệu đồng/hộ đối với hộ cận nghèo chưa đủ tạo nguồn lực lớn để bứt phá. Từ đề xuất của người vay vốn ở nhiều địa phương, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã đề xuất Chính phủ giảm lãi suất và tăng hạn mức vay vốn của chương trình cho vay hộ cận nghèo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast