Hội chợ thương mại: “Nghiệp dư” đến bao giờ?!

(Baohatinh.vn) - Hội chợ thương mại là nơi giao lưu, gặp gỡ của doanh nghiệp, từ đó quảng bá sản phẩm, xúc tiến ký kết hợp tác phát triển sản xuất và là nơi tham quan, mua sắm của người tiêu dùng. Thế nhưng, sau nhiều hội chợ được tổ chức trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua, có thể thấy, cả hai mục tiêu trên đều chưa đạt như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều mặt trái của hội chợ ngày càng bộc lộ rõ.

hoi cho thuong mai nghiep du den bao gio

Mặc dù hội chợ có tên gọi rất ấn tượng, nhưng những mặt hàng được trưng bày, kinh doanh tại đây hết sức manh mún và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Khoảng cách giữa văn bản và thực tế

Tổ chức hội chợ thương mại, trên lý thuyết luôn thể hiện bằng những mục tiêu tốt đẹp. Tuy nhiên, sau rất nhiều hội chợ được tổ chức trên địa bàn tỉnh, trong đó có các hội chợ tổ chức nhân sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, có thể nhận thấy khoảng cách giữa mục tiêu ghi trên văn bản và thực tế tại chợ.

Mới đây, từ ngày 1 - 9/6, Hội chợ thương mại tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được gọi tên rất ấn tượng “Hội chợ thương mại phát triển kinh tế 2016” do Công ty TNHH MTV Hiền Mạnh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) tổ chức. UBND thành phố Hà Tĩnh xác định trong thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Quý: “Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng thành công bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp và nhằm phát triển kinh tế, xúc tiến phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.

Thế nhưng, những gì diễn ra trong thực tế lại phản ánh có phần ngược lại. Cũng như nhiều hội chợ khác trước đây, hội chợ này vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức hấp dẫn người mua. Chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu các gian hàng vẫn rơi vào đồ may mặc, thuốc bắc, đồ gia dụng… Đó là chưa kể, một số nhà buôn còn tận dụng diện tích hành lang để bán xúc xích nướng, các rổ lược không có nhãn mác.

hoi cho thuong mai nghiep du den bao gio

Hàng hóa không có nhãn mác phụ, in trên bao bì là chữ Trung Quốc xuất hiện nhiều tại các hội chợ với giá rẻ bất ngờ

Qua tham quan, mua sắm, chúng tôi nhận thấy nhiều biểu hiện bất thường của giao dịch hàng hóa. Nhiều sản phẩm đồ gia dụng (muỗng, nĩa, thìa…) rất giống các mặt hàng trôi nổi trên thị trường, dán nhãn mác Trung Quốc mà không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, nhiều gian hàng quần áo ghi “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng trên sản phẩm không có nhãn mác…

Điều đáng nói trong hội chợ là nhiều mặt hàng xuất hiện nguy cơ mất ATVSTP như: xúc xích nướng; các sản phẩm hoa quả ép được “phơi” bán không có thiết bị bảo vệ, che chắn bụi; nhiều mặt hàng thuốc bắc không được niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng... Vào những ngày gần cuối thời gian tổ chức hội chợ, nhiều chủ gian hàng sốt sắng tung các chiêu thức chào mời gây “shock”: giảm giá sốc, hàng giảm giá, chỉ 10.000 đồng là có 3 sản phẩm…

Bức tranh thiếu sáng

Không chỉ hội chợ tại TP Hà Tĩnh lần này mà rất nhiều hội chợ được tổ chức trước đó với quy mô 100 - 200 gian hàng tại các huyện, thị đều bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Tại hội chợ tổ chức tại TP Hà Tĩnh vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 3 vụ vi phạm về sản phẩm không có nhãn mác, xử phạt hơn 2.100.000 đồng.

hoi cho thuong mai nghiep du den bao gio

Kính thời trang được bày bán ngay trên quầy hàng bán thức ăn sẵn tại hội chợ thương mại phát triển kinh tế 2016 do UBND TP Hà Tĩnh tổ chức

Trước đó, vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 xác nhận, cũng tại hội chợ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã xảy ra việc bán công khai sản phẩm từ động vật quý hiếm. Tuy nhiên, sau khi các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra thì phát hiện toàn bộ là hàng giả.

Vào năm 2015, cũng tại hội chợ được tổ chức ở đây, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra, thu hồi và tiêu hủy hàng trăm loại áo quần vi phạm về nhãn mác. Chính từ những vụ việc xử lý vi phạm này nên người dân đã không còn mặn mà với hội chợ. “Trước đây, khi biết thông tin tổ chức hội chợ là tôi và bạn bè lại rủ nhau tham gia, kiểu gì cũng mua được món hàng ưng ý. Nhưng gần đây, biết có hội chợ gần nhà nhưng tôi chẳng hứng thú. Hàng hóa bán trong hội chợ chẳng khác gì hàng bán ngoài chợ, thậm chí, chất lượng còn kém hơn” - chị Nguyễn Ngọc Hà trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh chia sẻ.

Cùng với không gian mua sắm, cách thức làm ăn của nhà tổ chức hội chợ là xây dựng các chương trình nghệ thuật, tổ chức bán vé với giá thông thường là 30.000 đồng/vé. Tuy nhiên, cũng vì uy tín của hội chợ sút giảm nên lượng khách đến với các chương trình nghệ thuật giảm đáng kể. Đại diện Công ty TNHH MTV Hiền Mạnh cũng thừa nhận: “Khách hàng đến với chương trình nghệ thuật rất ít”.

Có lẽ vì lý do này, cùng với việc hội chợ chỉ thu hút được 110/150 gian hàng theo đăng ký nên “nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp” này (tên quảng cáo của doanh nghiệp) đã xin gia hạn thời gian thêm 2 ngày. Vì thế, hội chợ kết thúc vào ngày 9/6, thay vì 7/6 như đăng ký ban đầu. Đại diện của công ty cũng cho biết, sau khi kết thúc tại đây, đơn vị tiếp tục khai mạc hội chợ tại Thanh Hóa mang theo hầu hết các chủ gian hàng cùng liên kết (đa phần là từ các tỉnh phía Bắc)…

Cũng giống như cách tổ chức hội chợ tại huyện Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh, Can Lộc trước đó do cùng một công ty tổ chức, dáng vẻ “chạy show” của doanh nghiệp tổ chức hội chợ đã thể hiện rõ hơn là diễn đàn kích cầu thương mại theo đúng nghĩa.

Từ thực trạng trên, có thể thấy, đánh giá của Sở Công thương trong báo cáo năm 2014 “Các hội chợ quy mô nhỏ, chất lượng triển lãm chưa cao; chất lượng chủng loại hàng hóa và dịch vụ tại hội chợ chưa phong phú; khâu tổ chức chưa chuyên nghiệp, số lượng doanh nghiệp có gian hàng tham gia hội chợ chưa nhiều...” vẫn là hạn chế thường niên, thậm chí, ngày càng ảm đạm hơn mà hầu như chưa có hướng đi nào tươi sáng.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast