Kiểm tra sau thông quan: Tạo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua có nhiều chuyển biến đáng kể, tạo thuận lợi cho cả ngành Hải quan lẫn doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Ông Trần Thanh Phúc - Chi cục phó Chi cục KTSTQ Hải quan Hà Tĩnh “nôm na”: KTSTQ là hoạt động quản lý hải quan được chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”, đảm bảo chống thất thu cho ngân sách và hạn chế rủi ro. Không những vậy, hoạt động này còn tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN, vừa đánh giá chính xác tính tuân thủ, chấp hành pháp luật của DN tham gia XNK. Tích cực là vậy nên thời gian qua, ngành Hải quan nói chung, Hải quan Hà Tĩnh nói riêng đang quan tâm đẩy mạnh hoạt động này.

Cán bộ, công chức Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hà Tĩnh nghiên cứu hồ sơ phục vụ cho công tác kiểm tra.
Cán bộ, công chức Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hà Tĩnh nghiên cứu hồ sơ phục vụ cho công tác kiểm tra.

Theo Chi cục KTSTQ Hà Tĩnh, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2013, Chi cục tiến hành KTSTQ tại trụ sở hải quan 11 DN, trong đó, 9 DN được đơn vị đánh giá thực hiện tốt pháp luật hải quan và 2 DN vi phạm. Qua các cuộc kiểm tra, Chi cục đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 410 triệu đồng, gồm: số thuế truy thu, phạt chậm nộp thuế và xử lý vi phạm hành chính. Nếu so với cả năm 2012 thì số doanh nghiệp KTSTQ 9 tháng đầu năm 2013 giảm (năm 2012 kiểm tra 30 DN) nhưng số tiền truy thu cho ngân sách lại tăng (năm 2012 là 73 triệu đồng).

Điều đó cho thấy, việc KTSTQ góp phần rất quan trọng trong chống thất thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình KTSTQ tại trụ sở hải quan còn giúp Chi cục KTSTQ phát hiện một số DN vi phạm, như: thiếu chứng từ trong bộ hồ sơ, lưu trữ chứng từ không đúng quy định. Qua đó, đơn vị đã chuyển hồ sơ cho chi cục nơi mở tờ khai xử lý theo quy định.

Được biết, trong hoạt động KTSTQ, để xác định dấu hiệu vi phạm của DN, những người làm công tác này cần so sánh, đối chiếu từ nhiều nguồn thông tin, như: qua hồ sơ, từ các chi cục, từ nhạy cảm nghề nghiệp... để tìm ra những mâu thuẫn, bất hợp lý. Công tác phúc tập hồ sơ hải quan chính là đầu mối thông tin quan trọng bước đầu để phục vụ cho việc KTSTQ.

“Đối với DN, KTSTQ hiệu quả không chỉ giúp họ giảm chi phí, thời gian, công sức, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường mà còn tạo sự bình đẳng trong quá trình tham gia hoạt động XNK. Đồng thời, qua hoạt động này, DN càng ý thức hơn về mức độ rủi ro nếu không chấp hành tốt pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành của mình...”, một cán bộ hải quan Chi cục KTSTQ Hà Tĩnh cho biết.

Mục tiêu của KTSTQ nhằm tạo thông thoáng và công bằng, bình đẳng giữa các DN. Công bằng, bình đẳng ở đây được hiểu giữa DN chấp hành nghiêm các quy định và DN cố tình lách thuế. Tuy nhiên, đây chính là những khó khăn mà Chi cục KTSTQ Hà Tĩnh đang phải đối mặt không dễ tự mình khắc phục.

“Ngoại trừ yếu tố chủ quan thì một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan còn chồng chéo, thiếu cụ thể, gây nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ còn ít, chưa được cập nhật thường xuyên; việc trao đổi thông tin với các ngành liên quan còn bất cập; phương thức, thủ đoạn gian lận, trốn thuế của một số DN ngày càng tinh vi...” - Chi cục phó Chi cục KTSTQ Hải quan Hà Tĩnh - Trần Thanh Phúc, cho biết.

Thời gian tới, để đẩy mạnh theo hướng tập trung nguồn lực KTSTQ đối với những DN có dấu hiệu vi phạm, thủ đoạn gian lận, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước nhằm trả lại môi trường kinh doanh công bằng cho các DN chân chính, thiết nghĩ, Hải quan Hà Tĩnh cần kịp thời có phương án giúp Chi cục KTSTQ về con người, trang thiết bị.

Theo đó, cần tăng cường CBCC có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và có phẩm chất, đạo đức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp nhằm đưa thông tin đầy đủ hơn tới DN để họ chấp hành, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN; đẩy nhanh tiến độ các cuộc KTSTQ để tránh gây phiền hà cho DN và xử lý nghiêm các DN vi phạm...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast