Mua ngân hàng với giá 0 đồng: Vững chắc về mặt pháp lý

“Mua ngân hàng với giá 0 đồng thực sự là phương sách vững chắc về mặt pháp lý. Điều 149 Luật Các TCTD nêu rõ NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực thiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định”.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia ngân hàng đã khẳng định như vậy tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do Viện Kinh tế Việt Nam và Báo điện tử Diễn đàn Đầu tư - BizLIVE phối hợp tổ chức ngày 23/10/2015 tại Hà Nội.

Mua ngân hàng với giá 0 đồng: Vững chắc về mặt pháp lý ảnh 1

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cho rằng, thời gian qua, NHNN mua lại 3 NHTMCP Xây Dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương với giá 0 đồng/cổ phần bởi vì các ngân hàng đã không còn vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu. Việc NHNN buộc phải mua các ngân hàng yếu kém là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khả thi hơn trong điều kiện không áp dụng giải pháp phá sản ngân hàng. Việc làm này có cơ sở pháp lý vững chắc.

Giải thích tại sao lại là 0 đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, NHNN đã mời các công ty định giá độc lập và tổ chức kiểm toán độc lập xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Kết quả đánh giá cho thấy cổ phần của các ngân hàng nói trên không còn giá trị. “Hơn nữa, tất cả các ngân hàng bị mua đều đã được cho thời hạn khắc phục trong hai năm, nhưng họ cũng không gượng dậy được. Lúc này, cần phải NHNN ra tay, chấm dứt những trò mặc cả, chây ì ”, ông Nghĩa chỉ ra.

Trả lời câu hỏi “NHNN lấy đâu ra tiền mà mua ngân hàng yếu kém 0 đồng?”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thực ra NHNN không tốn đồng nào. Họ mua không phải là “xòe tiền” ra mua lại tài sản, mà mua là để "chấn chỉnh" lại ngân hàng đó, sau đó bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn. Ông Nghĩa cho biết thêm, trong trường hợp đặc biệt, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với ngân hàng này. Do đó những ngân hàng được mua 0 đồng cho đến giờ vẫn hoạt động khá ổn định.

Đồng tình với quan điểm của ông Nghĩa, TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, theo Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD bị kiểm soát đặc biệt, NHNN được quyền mua lại các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt. Giá trị thực vốn điều lệ của ngân hàng yếu kém do tổ chức kiểm toán độc lập xác định.

Theo ông Phước, mặc dù Quyết định 48 không nêu rõ việc mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng, nhưng khi ngân hàng có Tài sản Có nhỏ hơn Tài sản Nợ thì NHNN có thể mua lại ngân hàng yếu kém này với giá 0 đồng hoặc chỉ định ngân hàng khác mua lại. “Khi mua lại, tiếp quản ngân hàng yếu kém, NHNN sẽ kế thừa quyền lợi đối với tài sản có, có quyền đòi nợ vay cũng như kế thừa nghĩa vụ đối với tài sản nợ hay phải chi trả cho người gửi tiền”, ông Phước nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mua 0 đồng ngân hàng yếu kém, là một biện pháp sáng tạo, "bởi đó là cách làm nhanh nhất, không để các ngân hàng yếu kém cò kè mặc cả, bảo vệ tài sản của họ nhưng coi lợi ích của người gửi tiền là rơm rác".

Khẳng định việc NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém 0 đồng là dựa trên giá trị thực của cổ phiếu các ngân hàng đó và có cơ sở pháp lý vững chắc, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng NHNN cho biết, việc NHNN mua lại các các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật, dựa trên cơ sở luật NHNN, luật các TCTD và Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những sứ mạng của NHNN là bảo vệ sự an toàn của TCTD và tiền gửi của người dân. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là hoàn toàn theo quy định của pháp luật và kết quả xác định độc lập về vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của các ngân hàng yếu kém.

“Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa. Đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm Tiền gửi là tổ chức tài chính của Nhà nước, phải chi trả cho người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống”, ông Nghĩa nói.

Mục đích NHNN mua lại NHTM yếu kém không vì mục đích kinh doanh mà nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Qua quá trình tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ dần hồi phục, mất cân đối Tài sản Có – Tài sản Nợ dần dần khép lại từ âm lớn đến âm nhỏ, dương nhỏ rồi dương lớn.

“Khi NHNN mua lại hoặc chỉ định ngân hàng khác mua lại ngân hàng yếu kém thì phải cử cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất để quản trị điều hành giúp cho ngân hàng hồi phục, chuyển biến từ lỗ sang kinh doanh có lãi. Sự phục hồi của ngân hàng sẽ làm giá trị cổ phần, cổ phiếu tăng lên và NHNN có thể chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn”, TS Trương Văn Phước nói.

Theo Thời báo Ngân hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast