Nghịch lý giá lợn từ chuồng ra chợ

(Baohatinh.vn) - Giá lợn hơi giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào cũng như giá thành phẩm lại khá cao khiến người chăn nuôi bị thiệt và thua lỗ. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chẳng lợi gì vì giá thịt lợn bày bán tại các chợ vẫn cao.

Người nuôi chịu lỗ

Hơn 2 tháng nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh liên tục giảm. Theo đó, giá lợn giảm từ 48.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg (đối với lợn siêu nạc) và từ 45.000 đồng/kg xuống còn 38.000 đồng/kg (đối với lợn cỏ). Giá lợn hơi giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi của bà con nông dân, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Gia đình ông Nguyễn Xuân Cầm (xã Thạch Thanh, Thạch Hà) trước đây nuôi với quy mô 40-50 con, có những thời điểm giá lợn hơi lên đến 50.000 đồng/kg, còn thời điểm, hiện tại, giá chỉ 38.000 đồng/kg. Chi phí nhiều nhưng giá thành giảm mạnh nên hiện đàn lợn của ông Cầm chỉ còn chục con. “Nuôi 10 con chủ yếu để tận dụng chuồng trại, chứ với giá lợn hơi như bây giờ thì không đủ chi phí giống, thức ăn” - ông Cầm cho hay.

nghich ly gia lon tu chuong ra cho

Theo các tiểu thương ở chợ Hà Tĩnh, phần chênh lệch giá thịt lợn từ chuồng đến chợ “chảy” vào bộ phận trung gian là thương lái.

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Lan Vy (xã Phù Việt, Thạch Hà), hơn tháng nay, chuồng trại bỏ không do giá lợn hơi hiện tại quá thấp. Chị Vy cho biết: “Trước đây, đàn lợn của tôi có quy mô khoảng 20 con, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng còn lãi 4-5 triệu đồng, thế nhưng, 2 tháng nay, giá lợn giảm mạnh, khó bán nên tôi nghỉ không nuôi nữa”. Theo tính toán của chị Vy, để nuôi một con lợn đạt 90 kg trung bình phải mất hơn 3 tháng, trong đó, chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh… đã tốn trên 3 triệu đồng. Với giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi sẽ không có lời, thậm chí còn lỗ vốn nếu tính cả công chăm sóc.

Theo các hộ chăn nuôi, nguyên nhân giá lợn hơi giảm liên tiếp trong 2 tháng qua là từ khi xảy ra dịch lợn tai xanh trên địa bàn tỉnh khiến một bộ phận người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Lợi dụng cơ hội này, thương lái ép giá các hộ nuôi nhỏ lẻ để mua lợn hơi thấp hơn giá thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng thiệt

Có một nghịch lý là trong khi giá lợn hơi tại các chuồng, trại giảm liên tục thì giá bán tại các chợ hầu như không thay đổi. Khảo sát tại chợ TP Hà Tĩnh, hiện thịt lợn có giá từ 85.000 - 95.000 đồng/kg (thịt lợn thăn) và từ 65.000 – 70.000 đồng/kg (thịt ba chỉ). Với mức này thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao gần gấp đôi so với giá lợn hơi.

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao giá thịt lợn hơi thấp nhưng giá thịt vẫn không giảm thì chị Phương - tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Lợn hơi rẻ nhưng vào chợ thì không còn rẻ nữa vì mất rất nhiều chi phí như kiểm dịch, vệ sinh…”. Cũng theo chị Phương, có thể do chi phí vận chuyển, giết mổ từ các thương lái khiến giá lợn hơi dù thấp, nhưng giá thịt lợn vẫn không thể giảm.

Với nghịch lý giá lợn như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi chịu thua lỗ mà người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi khi mua với giá cao. Phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng lại “chảy” vào túi bộ phận trung gian là các thương lái. Theo một chủ lò mổ tại TP Hà Tĩnh, thịt lợn móc hàm được bán với giá chênh lệch từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại. Các loại chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển cũng như giết mổ đều được tính vào số tiền bán phụ phẩm của lợn khi mổ xong. Từ lò mổ, thịt được đưa về các chợ để phân phối tới các tiểu thương. Qua các khâu trung gian, giá thịt lợn lại được đẩy lên cao gấp rưỡi ban đầu, thậm chí gần gấp đôi.

Chính vì mất gần gấp đôi số tiền vào những khoản trung gian từ mua theo giá lợn hơi qua bán giá lợn thịt nên nhiều nông dân không mặn mà với chăn nuôi. Trước thực trạng trên, ông Trần Hùng - quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng khuyến cáo: “Giá lợn hơi giảm nên nhiều khả năng người chăn nuôi bỏ đàn vì không tiêu thụ được hoặc phải bán thấp hơn giá đầu tư dẫn đến thua lỗ. Dù vậy, người chăn nuôi nên cố gắng theo đến cùng, bởi đặc thù của sản xuất nông nghiệp là lúc được giá, lúc xuống giá… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để nông dân thực sự tiếp cận được vốn vay ưu đãi, tiếp tục kinh doanh trong giai đoạn này, tránh tình trạng lợi dụng khan hàng để đẩy giá thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm...”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast