"Nguyên tắc vàng" không nên bỏ qua khi sử dụng thẻ tín dụng

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm gần đây, thẻ tín dụng dần trở nên quen thuộc với người dân bởi những tiện ích mà dịch vụ này mang lại. Tuy nhiên, ngoài sự tiện dụng “mọi lúc, mọi nơi”, thẻ tín dụng dễ kéo theo nhiều rắc rối cho khách hàng, thậm chí biến họ thành “con nợ” nếu không biết cách sử dụng hợp lý.

Dịch vụ tiện ích

Thẻ tín dụng là hình thức thay thế cho thanh toán trực tiếp không cần tiền mặt. Theo đó, chủ thẻ sẽ trả số tiền được ngân hàng tạm ứng trước qua thẻ. Chỉ việc cung cấp chứng minh thư, sổ hộ khẩu, bảng xác nhận lương 3 tháng liền kề, sau 7 ngày kể từ khi làm thủ tục, khách hàng đã có thể sở hữu một chiếc thẻ tín dụng có hạn mức từ 10-100 triệu đồng tùy vào thu nhập và quy định của từng ngân hàng.

Với 2 loại thẻ quốc tế và thẻ nội địa giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn hình thức thẻ phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, với thời hạn thanh toán trung bình từ 30-45 ngày, khách hàng sẽ không phải chịu bất kỳ một mức lãi suất nào nên thu hút khá nhiều khách hàng.

nguyen tac vang khong nen bo qua khi su dung the tin dung

Với những tiện ích, trong thời gian gần đây, thẻ tín dụng trở nên phổ biến đối với khách hàng. Tuy nhiên, người dùng phải tìm hiểu kỹ, nắm rõ các quy định trong quá trình sử dụng thẻ.

Điều này đã được khẳng định bằng những con số. Trong năm 2015, Vietcombank - Chi nhánh Hà Tĩnh đã phát hành được 608 thẻ, qua năm 2016 lên mức 679 thẻ. Đối với HDBank, số lượng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hiện đang chiếm đến 70%. Ngoài ra, tại một số ngân hàng như BIDV, Viettinbank..., lượng thẻ tín dụng được phát ra đang ở mức cao. Các đối tượng thẻ tín dụng hướng đến thường là cán bộ, công nhân viên.

Theo đánh giá từ phía khách hàng, thẻ tín dụng sở hữu những ưu điểm nổi trội như: Tiện lợi, nhỏ gọn, an toàn; giúp người dùng linh hoạt trong chi tiêu khi họ không có sẵn tiền mặt hoặc không đủ tiền trong tài khoản. Không chỉ vậy, thẻ còn được chấp nhận thanh toán toàn cầu, kể cả thanh toán cho các giao dịch trên thực tế lẫn trên mạng.

Sử dụng thẻ cũng giúp khách hàng đơn giản hóa việc theo dõi chi tiêu khi ngân hàng gửi bảng sao kê giao dịch hàng tháng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như tích điểm, liên kết với thương hiệu được ưa chuộng hay trung tâm mua sắm để giảm giá cho người sử dụng. Chiếc thẻ này còn cho phép khách hàng mua hàng qua mạng, đặt khách sạn, vé máy bay trực tuyến...

Chị Thanh Phương - một cán bộ văn phòng chia sẻ: “Thẻ tín dụng thực sự là dịch vụ tiện ích mà ngân hàng cung cấp cho người tiêu dùng. Chỉ sau một thao tác quẹt thẻ tại cửa hàng, dù đang ở trong tình trạng “cháy túi” nhưng tôi vẫn có thể sở hữu món đồ mà mình ưa thích thông qua hình thức vay trước, trả sau”. Đồng quan điểm với chị Phương, anh Huy Tuấn - một khách hàng cho biết, với tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển, chiếc thẻ tín dụng giúp anh dễ dàng thanh toán tiền vé máy bay hoặc đặt khách sạn bất kỳ lúc nào.

Cần thận trọng!

Theo cảnh báo từ Phó Giám đốc HDBank Lâm Vân Nga, thẻ tín dụng chỉ nên dùng cho việc thanh toán, không nên rút tiền mặt bởi phí giao dịch rất cao (tùy từng ngân hàng). Do thẻ không yêu cầu mật khẩu nên khách hàng phải bảo quản an toàn, tránh làm mất. Bên cạnh đó, cần lưu ý ngày chốt sao kê giao dịch của từng ngân hàng, bởi quá hạn chốt giao dịch và yêu cầu thanh toán, số tiền vay sẽ mặc định áp dụng theo lãi suất phía mở thẻ đã cung cấp.

Phó Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thúy cũng khuyến cáo: “Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi mở thẻ nhằm tránh rắc rối về sau”. Bởi lẽ, thủ tục đơn giản, nhanh gọn rất dễ trở thành con dao hai lưỡi khi nhiều người có thể “sắm” vài chiếc thẻ tín dụng của các ngân hàng khác nhau. Khách hàng được miễn phí phát hành thẻ nhưng khi sử dụng sẽ phải trả phí thường niên dao động từ 200.000 - 1.200.000 đồng.

Để tránh các tranh chấp phát sinh, khách hàng cần làm rõ sau khi hết hạn sử dụng năm đầu tiên, thẻ sẽ được gia hạn tự động hay theo thỏa thuận với ngân hàng; việc thu phí từ năm thứ hai trở đi có được thông báo trước hay không, phương thức thông báo như thế nào (qua điện thoại, tin nhắn hay email).

Ngân hàng còn áp dụng phí phạt và lãi vay rất cao đối với chủ thẻ tín dụng chậm thanh toán. Cụ thể, khách hàng được miễn lãi trong 45 ngày và sau thời gian đó, bị tính phí phạt 3-5% khoản vay, cộng thêm lãi suất tùy từng hạng thẻ, tùy từng ngân hàng. Hiện lãi suất các ngân hàng nhà nước áp dụng cho các hạng thẻ dao động từ 15-18%/năm, còn các ngân hàng TMCP áp dụng lãi suất thẻ tín dụng quốc tế phổ biến từ 20-26%/năm. Chưa kể, một khi khách hàng bị dính vào nợ xấu sẽ dẫn đến khó khăn khi giao dịch tại các ngân hàng khác.

Tâm lý sẵn tiền khiến nhiều người mặc sức “vung tay” và rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Một số chuyên viên ngân hàng cho rằng, những người có thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên mới nên mở tài khoản thẻ. Khi sử dụng, khách hàng nên cân nhắc, không để số nợ vượt quá 50% thu nhập hàng tháng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast