Nhộn nhịp thị trường rằm tháng bảy

(Baohatinh.vn) - Với tâm lý “cả năm được rằm tháng bảy...”, nên cận ngày, hầu hết người dân đổ xô đi mua sắm lễ vật. Tại các khu chợ, không khí mua bán nhộn nhịp, ai cũng háo hức chuẩn bị cho một ngày lễ thật chu đáo.

Sôi động chợ gà

Sắm sửa lễ vật cúng rằm tháng bảy âm lịch, gà là sự lựa chọn số 1 trên mâm cỗ của phần đông gia đình. 7h sáng, tại chợ Cày, người mua, người bán tấp nập, đặc biệt là ở các hàng gà. Chị Nguyễn Thị Hoài (thị trấn Thạch Hà) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đến thời điểm này, tôi lại ra chợ chọn con gà trống ưng ý nhất, trước là làm mâm xôi, gà cúng gia tiên, sau là để gia đình quây quần, sum họp”.

Người dân sắm sửa những lễ vật cần thiết cho ngày rằm tháng bảy.
Người dân sắm sửa những lễ vật cần thiết cho ngày rằm tháng bảy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gà trống cỏ được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Những ngày này, gà đã nhích 1-2 giá, dao động từ 130-150 ngàn đồng/kg, thậm chí, loại gà đẹp phải từ 160-170 ngàn đồng/kg. Và theo dự đoán của người buôn, càng cận ngày, giá có thể tăng thêm.

Hoa quả, cau trầu, vàng mã “đắt” khách

Vào ngày lễ linh thiêng này, trên bàn thờ mỗi gia đình, ngoài mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, nước… thì không thể thiếu vàng mã. Chúng tôi tìm đến các quầy bán vàng mã chợ Hà Tĩnh - trung tâm mua sắm lớn nhất của người dân thành phố. Không khí mua bán hết sức nhộn nhịp. Nhà nhà, người người đi sắm vàng mã, với mong ước có một ngày rằm thật trọn vẹn và cầu mong sức khỏe, bình an.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, khi xã hội càng phát triển, đời sống ngày một đủ đầy, người dân dành nhiều sự quan tâm cho những ngày lễ tết, sửa soạn nhiều thứ để báo đáp các đấng bề trên. Chị Lê Thị Báu (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hôm nay, tôi lo lắng đi chợ sớm để chuẩn bị lễ cúng, nhưng chờ mãi vẫn chưa đến lượt mua vàng mã”. Và khó khăn lắm, chúng tôi mới có cơ hội để trò chuyện với những người bán hàng. Bà Sen - người bán hàng mã lâu năm cho biết: “Từ đầu tháng bảy âm lịch, người dân đã đổ xô đi mua lễ. Từ đó đến nay, ngày nào cũng đông kín. Nhà tôi phải huy động hàng chục người phục vụ mà vẫn không kịp”.

“Tiền vàng, giấy áo các loại; bộ đồ thần tổ, tổ cô; bộ thần tài, thần lộc… là những mặt hàng thông dụng ngày rằm. Đồ vàng mã phong phú, đa dạng về mẫu mã và sức mua của mỗi người cũng khác nhau. Nhà ít thì vài ba chục, nhiều thì dăm ba trăm, thậm chí, có nhà mua tới tiền triệu.

Bên cạnh vàng mã, hoa quả, cau trầu cũng là những lễ vật quan trọng để mâm cúng được đủ đầy. Chị Sự - người bán hoa quả tại chợ thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) cho hay: “Thời điểm này, hoa quả trong nước nhiều, chính vụ nên không đắt đỏ như rằm tháng giêng. Giá cả vẫn ổn định, thanh long 30 ngàn đồng/kg, măng cụt 35 ngàn đồng/kg, nhãn 30 ngàn đồng/kg, bưởi da xanh 50 ngàn đồng/kg, nho miền Nam 50 ngàn đồng/kg, na 60 ngàn đồng/kg… Những ngày gần rằm thì giá có thể tăng nhẹ”.

Dịp này, hoa cúc các loại, hoa huệ, hoa hồng… cũng tăng giá, dao động từ 4-6 ngàn đồng/bông. Cau trầu nhập từ miền Nam về được bán với giá 2,5 ngàn đồng/đĩa và ngày rằm có thể tăng lên 3-4 ngàn đồng/đĩa…

Tuy giá cả các mặt hàng phục vụ rằm tháng bảy có nhích lên, song đa phần khách hàng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều phấn khởi, háo hức sắm sửa để có một mâm cỗ cúng tổ tiên thật đẩy đủ, chu đáo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast